MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giáo sư Đại học MIT: Vành đai và Con đường có thể trở thành cái bẫy cho chính Trung Quốc?

02-06-2019 - 08:33 AM | Tài chính quốc tế

Bởi một số quốc gia thành viên của sáng kiến này đều gặp vấn đề về kinh tế, quản trị và thiếu những yêu cầu cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng, nên rất có thể chính Trung Quốc mới là quốc gia phải gánh chịu hậu quả.

*Bài viết thể hiện quan điểm của Yasheng Huang. Yasheng Huang là Giáo sư Chương trình Quốc tế về Kinh tế và Kinh doanh Trung Quốc và Giáo sư Kinh tế và Quản lý Toàn cầu tại Trường Quản trị Sloan thuộc Đại học MIT.

Những người mang quan điểm phản đối cho rằng Trung Quốc đang sử dụng "Sáng kiến Vành đai và Con đường" (BRI) khổng lồ của mình như một hình thức "ngoại giao bẫy nợ" mang tính cưỡng chế để kiểm soát các quốc gia cùng tham gia chương trình này. Nguy cơ ấy, như Deborah Brautigam đến từ Đại học John Hopkins gần đây đã lưu ý, thường được truyền thông nhắc đến. Trên thực tế, BRI còn có thể là một mối nguy khác cho chính Trung Quốc.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh BRI gần đây diễn ra tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như thừa nhận những chỉ trích về "bẫy nợ". Trong bài phát biểu, ông Tập nói rằng "việc xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, bền vững, có khả năng chịu rủi ro, mức giá hợp lý và có sự tham gia của nhiều bên sẽ giúp các quốc gia tận dụng tối đa nguồn lực tài nguyên của họ."

Đây chính là một dấu hiệu đáng khích lệ, bởi nó thể hiện rằng Trung Quốc đã nhận thức rõ hơn về hệ quả của nợ trong BRI. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Center for Global Development) đã kết luận rằng 8 trong số 63 quốc gia tham gia BRI đều có nguy cơ chìm trong "khủng hoảng nợ".

Tuy nhiên, John Maynard Keynes từng nói: "Nếu bạn nợ ngân hàng 100 bảng, bạn đã gặp rắc rối. Nhưng nếu bạn nợ ngân hàng 1 triệu bảng, thì nó cũng vậy." Trong bối cảnh của BRI, Trung Quốc có thể trở thành chủ ngân hàng đang bị nợ 1 triệu bảng.

Cụ thể, Trung Quốc có thể trở thành nạn nhân của "mô hình thương lượng lỗi thời". Mô hình này thể hiện rằng một nhà đầu tư nước ngoài mất đi quyền thương lượng khi gia tăng đầu tư vào một quốc gia sở tại. Các dự án cơ sở hạ tầng như những dự án thuộc BRI là một ví dụ điển hình, bởi chúng có quy mô rất lớn, gắn chặt với địa điểm đầu tư và không mang lại giá trị kinh tế nếu không hoàn thành.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi một số quốc gia tham gia BRI đang yêu cầu tái đàm phán về các điều khoản, thường là sau khi các dự án đã được bắt đầu thực hiện. Trung Quốc có thể phải đưa ra những nhượng bộ thuận lợi hơn đối với họ nhằm giữ tiến độ của các dự án. Chẳng hạn như Malaysia, giữa tháng 4, đã tuyên bố rằng một dự án đường sắt lớn thuộc BRI bị chính phủ hoãn thi công sau cuộc bầu cử năm ngoái. Hiện tại, Malaysia cho biết dự án này sẽ tiếp tục hiến hành sau khi 2 bên tái đàm phán. Theo truyền thông địa phương, chi phí xây dựng đã được giảm khoảng 1/3. Các quốc gia thành viên khác cũng có thể yêu cầu miễn giảm nợ hoặc xoá nợ, chi phí cuối cùng sẽ do chính người tiết kiệm Trung Quốc gánh chịu.

Giáo sư Đại học MIT: Vành đai và Con đường có thể trở thành cái bẫy cho chính Trung Quốc? - Ảnh 1.

BRI còn có thể tạo ra chi phí ẩn cho Trung Quốc về lâu dài. Đối với những nước mới gia nhập, việc thu lời từ các dự án cơ sở hạ tầng là vô cùng khó khăn. Nhiều người tin rằng đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thế nhưng bằng chứng cho điều này lại không đủ nhiều. Thực tế là, Trung Quốc đã xây dựng phần lớn cơ cở hạ tầng hiện tại sau thời kỳ tăng trưởng. Ví dụ, vào những năm 1980 và 1990, Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với Ấn Độ, dù số km đường sắt lại ngắn hơn. Theo WB, năm 1996 Trung Quốc có 56.678 km đường sắt, còn Ấn Độ là 62.915 km. Tăng trưởng của Trung Quốc không bắt đầu bởi đầu tư cơ sở hạ tầng, mà là nhờ những chính sách cải cách và đầu tư vốn con người. Nếu các nước BRI không đạt được sự tăng trưởng, thì các công ty Trung Quốc có thể sẽ phải chịu tổn thất.

Hơn nữa, nhiều quốc gia đối tác của BRI cũng đối mặt với rủi ro, trong đó có Pakistan, một nước nhận được vốn đầu tư lớn khi tham gia sáng kiến này. Ngoài những rủi ro chính trị, kinh tế và nguy cơ vỡ nợ cao, các chỉ số giáo dục của Pakistan cũng có thành tích yếu kém. Theo một bản báo cáo, Pakistan xếp hạng 180 trong số 221 quốc gia có tỷ lệ mù chữ cao. Đây là một dấu hiệu cảnh báo đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Pakistan, bởi nghiên cứu chỉ ra rằng đầu tư vào cơ sở hạ tầng vật chất chỉ thúc đẩy tăng trưởng ở các quốc gia có mức vốn con người cao. Chính Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng bởi họ cũng đầu tư mạnh vào giáo dục.

Ngoài ra, cũng không nên so sánh BRI với Kế hoạch Marshall - chương trình viện trợ của Mỹ giúp tái xây dựng Tây Âu sau Thế chiến II, như một ví dụ về cách các dự án đầu tư quy mô lớn có thể thúc đẩy tăng trưởng. Kế hoạch Marshall đã rất thành công và chỉ với chi phí nhỏ so với BRI ở hiện tại, bởi kế hoạch này đã giúp các quốc gia nhìn chung được quản lý tốt nhưng tạm thời bị gián đoạn bởi chiến tranh. Viện trợ cũng được coi là một hoạt động kích thích tăng trưởng. Ngược lại, một số quốc gia BRI lại đang gặp khó khăn bởi các vấn đề kinh tế, quản trị và thiếu những yêu cầu cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng. Đơn giản là, xây dựng cơ sở hạ tầng đối với họ là không đủ.

Giáo sư Đại học MIT: Vành đai và Con đường có thể trở thành cái bẫy cho chính Trung Quốc? - Ảnh 2.

Cuối cùng, BRI có thể sẽ giúp củng cố sức mạnh của khu vực nhà nước Trung Quốc, do đó một trong những mối đe doạ lâu dài đối với nền kinh tế nước này cũng gia tăng. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Doanh nghiệp Mỹ (American Enterprise Institute), các công ty tư nhân chỉ chiếm 28% đầu tư của BRI trong nửa đầu năm 2018, giảm 12 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2017.

Quy mô khổng lồ của BRI, cùng tình trạng sinh lời kém của khu vực nhà nước, có nghĩa là các dự án theo chương trình này có thể cần sự hỗ trợ đáng kể từ các ngân hàng Trung Quốc. Các khoản đầu tư của BRI chắc chắn sẽ hút bớt nguồn vốn và nguồn lực ngoại hối ngày càng quý giá đối với khu vực tư nhân - vốn đang phải chịu mức thuế cao và căng thẳng của chiến tranh thương mại với Mỹ.

Hơn nữa, các công ty phương Tây, một đối tác quan trọng của khu vực tư nhân Trung Quốc, đang dần rời khỏi quốc gia này. Một số công ty Mỹ, bao gồm Amazon, Oracle, Seagate và Uber, cũng như các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản, như Samsung, Toshiba, Mitsubishi - đã giảm quy mô hoạt động tại Trung Quốc hoặc quyết định rút hoàn toàn. Một phần của hậu quả là đầu tư FDI của Mỹ vào Trung Quốc đã giảm, với 2,6 tỷ USD vào năm 2017 so với 5,4 tỷ USD vào năm 2002.

Trung Quốc đã phát triển và thúc đẩy khả năng thực hiện các dự án là nhờ họ đã mở cửa nền kinh tế đến đón nhận xu hướng toàn cầu hoá, học hỏi công nghệ và bí quyết của phương Tây. Trái với sự hợp tác với phương Tây, BRI có thể kéo theo những rủi ro và bất ổn có khả năng trở thành rắc rối đối với nền kinh tế Trung Quốc. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc và triển vọng của hoạt động xuất khẩu ngày càng ảm đạm do các yếu tố địa chính trị, thì nước này cần phải cân nhắc về tốc độ, phạm vi và quy mô của BRI.

Hương Giang

PS

Trở lên trên