Giáo sư ĐH Harvard: “Người Mỹ hạnh phúc hơn khi được mua hàng từ Việt Nam”
Đây là nhận định của Giáo sư (GS) kinh tế Jason Furman trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Trường ĐH Harvard Kennedy (Mỹ).
Theo VGP, ngày 1/4, trong Chương trình Lãnh đạo Cao cấp Việt Nam (VELP) 2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng với đoàn công tác đã trao đổi với các chuyên gia của Trường ĐH Harvard Kennedy (Mỹ) về chủ đề "Nền kinh tế toàn cầu và triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam", với 4 phiên thảo luận về kinh tế, AI và công nghiệp bán dẫn.
Trong đó, tại Trường ĐH Harvard Kennedy, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và đoàn công tác đã nghe GS Kinh tế Jason Furman, Trường Havard Kennedy, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Barack Obama, trình bày trong phiên thảo luận về "Các cuộc khủng hoảng và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đến năm 2030, tác động đối với các nền kinh tế mới nổi".
GS Jason Furman chia sẻ, ông từng 2 lần đến Việt Nam và ấn tượng trước sự thành công của nền kinh tế Việt Nam. Theo vị GS này, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có sự chuyển đổi thành công nhất thế giới trong 2 thập kỷ qua, đồng thời kiểm soát lạm phát rất tốt và chúc mừng Việt Nam về việc này.
Về triển vọng kinh tế toàn cầu và lời khuyên cho Việt Nam, GS Jason Furman đánh giá rằng, Việt Nam đã tận dụng rất tốt về các cơ hội và "có lợi rất nhiều" từ toàn cầu hóa. Hơn nữa, vị GS này thừa nhận người tiêu dùng Mỹ cũng "hạnh phúc hơn khi được mua hàng từ Việt Nam".
"Tôi rất lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam", GS Jason nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, GS Jason Furman cho rằng, việc Việt Nam đang tiến hành triển khai nhiều biện pháp để phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng. GS Jason nêu ra các khuyến nghị: Việt Nam nên đầu tư vào công nghệ mới nội, những lĩnh vực có tính lan tỏa, triển khai những giải pháp phát triển khu vực kinh tế tư nhân…
Trong phiên thảo luận "Cách mạng trí tuệ nhân tạo – Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam", Tiến sĩ (TS) Lê Viết Quốc, Google Deepmand, cho biết, theo thống kê của McKinsey (2023), AI có thể đóng góp tới 25,6 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế thế giới. Trên thực tế, trong năm 2023, quy mô thị trường AI toàn cầu đã đạt gần 208 tỷ USD. Theo Statista (2023), dự kiến đến năm 2030, quy mô của thị trường AI sẽ đạt gần 2.000 tỷ USD.
TS Lê Việt Quốc khẳng định rằng, chúng ta đang ở giữa thời kỳ bùng nổ của AI, khoa học và các mô hình AI được phổ biến rất nhanh chóng. Tiến sĩ bày tỏ sự lạc quan về AI của Việt Nam và cho rằng nước ta có rất nhiều cơ hội trong ứng dụng AI, điện toán đám mây, thiết kế chip, đồng thời chia sẻ quan điểm về phát triển nguồn nhân lực và hệ sinh thái AI tại Việt Nam.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và đoàn công tác còn lắng nghe phiên thảo luận về "Những diễn biến kinh tế gần đây ở châu Á và tác động tới kinh tế toàn cầu và Việt Nam" của GS QHQT Anthony Saich, Trường ĐH Harvard Kennedy; "Chiến tranh bán dẫn: cuộc đua giành công nghệ quan trọng nhất thế giới" của TS Chris Miller, ĐH Tufts, lắng nghe chia sẻ về những gợi mở cơ hội và khuyến nghị thững chính sách đối với Việt Nam để có thể tham gia được vào chuỗi giá trị này.
Từ ngày 1 - 3/4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Chương trình Lãnh đạo cao cấp (VELP) 2024 tại ĐH Harvard, Boston, Mỹ.
Chương trình VELP 2024 tập trung vào 3 nội dung thảo luận chính. Thứ nhất, triển vọng và những diễn biến đáng chú ý của kinh tế thế giới, kinh tế châu Á, đánh giá các xu thế chuyển đổi lớn và tác động đến kinh tế Việt Nam. Thứ hai, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới ở Việt Nam, nhất là đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, các công nghệ mới nổi. Thứ ba, các giải pháp vượt qua bẫy thu nhập trung bình và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Đời sống Pháp luật