MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giáo sư, phó giáo sư có quyền lợi gì về lương bổng, công việc?

06-03-2018 - 08:49 AM | Xã hội

Theo quy định, GS, PGS ở đại học có thể kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu và hưởng những ưu đãi về lương.

Năm 2012, Thủ tướng ban hành quyết định số 20 điều chỉnh, bổ sung một số điều của quyết định số 174. Theo đó, GS, PGS được hưởng các quyền của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục.

GS, PGS ở đại học có thể kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học; nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc và cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu.

Bên cạnh đó là quyền lợi nhất định trong việc nâng ngạch lương. Nhà giáo được bổ nhiệm vào ngạch GS - giảng viên cao cấp (mã ngạch 15.109) thì bậc lương có hệ số cao hơn 1 bậc so với hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất hệ số lương đang được hưởng. Trường hợp đã hưởng lương ở ngạch GS - giảng viên cao cấp thì được xếp lên 1 bậc lương liền kề.GS, PGS được ưu tiên trong việc giao đề tài, dự án khoa học - công nghệ, xây dựng các chương trình, đề án phục vụ công tác quản lý và các điều kiện cần thiết khác để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nhà giáo được bổ nhiệm vào ngạch PGS - giảng viên chính (mã ngạch 15.110) có bậc lương có hệ số cao hơn 1 bậc so với hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất hệ số lương đang hưởng. Trường hợp đã hưởng lương ở ngạch PGS - giảng viên chính được xếp lên 1 bậc lương liền kề.

Nhà giáo đã hưởng bậc lương cuối cùng, hoặc đã hưởng thụ phụ cấp thâm niên vượt khung của ngạch được bổ nhiệm thì được tính thêm 5% phụ cấp thâm niên vượt khung.

Thông tư liên tịch số 28 của Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ ban hành năm 2015 còn đưa ra nhiều quy định có lợi cho GS, PGS hơn nữa.

Theo đó, viên chức giảng dạy được công nhận hoặc bổ nhiệm chức danh GS, hưởng mã số lương 15.109 thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01.

Trường hợp đang giữ ngạch giảng viên cao cấp, mã số 15.109 thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01 và được xếp lương lên một bậc trên liền kề của bậc lương chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm.

Trường hợp đang giữ ngạch PGS - giảng viên chính, mã số 15.110 thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01.

Viên chức giảng dạy được công nhận hoặc bổ nhiệm chức danh PGS thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01.

Tiêu chuẩn chức danh giáo sư

Việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS được quy định trong quyết định số 174 năm 2008 của Thủ tướng.

Theo Điều 8, GS, PGS phải đáp ứng tiêu chuẩn chung là có bằng tiến sĩ từ đủ 36 tháng trở lên kể từ ngày có quyết định cấp bằng, tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ. Chuyên ngành được đào tạo phải phù hợp ngành chuyên môn của chức danh đăng ký xét đạt tiêu chuẩn.

Nếu có bằng tiến sĩ nhưng chưa đủ 36 tháng tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ, ứng viên phải có số công trình khoa học quy đổi gấp hai lần tiêu chuẩn chung, gồm cả bài báo khoa học và các công trình thực hiện trong ba năm cuối.

Người làm khoa học đích thực không muốn đứng cùng giáo sư, PGS “rởm“ VOV.VN -Đã đến lúc cần trả lại giá trị thật sự của chức danh giáo sư, phó giáo sư; không thể để mang tiếng cho hệ thống phong học hàm của quốc gia.

Cụ thể, với chức danh GS, ứng viên phải là PGS đã được bổ nhiệm từ 3 năm trở lên, tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ.

Thứ hai, ứng viên phải hướng dẫn chính ít nhất 2 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Thứ ba, ứng viên phải biên soạn sách sử dụng trong đào tạo từ trình độ đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS. Sách này đã được xuất bản, nộp lưu chiểu trước thời điểm hết hạn nộp hồ sơ.

Cuối cùng, ứng viên cần chủ trì ít nhất một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ hoặc đề tài cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên.

Tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư

Thứ nhất, chức danh PGS phải có ít nhất 6 năm thâm niên làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy từ trình độ đại học trở lên. Trong đó, ba năm cuối tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đang làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy trình độ đại học hoặc cao hơn.

Nhà giáo có trên 10 năm công tác liên tục ở cơ sở giáo dục đại học tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ, nếu trong ba năm cuối có thời gian đi thực tập nâng cao trình độ hoặc tu nghiệp không quá 12 tháng, thời gian đi thực tập không tính là gián đoạn của ba năm cuối.

Nhà giáo chưa đủ sáu năm thâm niên làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy từ trình độ đại học trở lên thì phải có số công trình khoa học quy đổi ít nhất gấp hai lần tiêu chuẩn quy định và ba năm thâm niên cuối, tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đang đào tạo trình độ đại học hoặc cao hơn.

Nhà giáo có bằng tiến sĩ khoa học theo quy định của Bộ trưởng GD-ĐT cần có ít nhất một năm thâm niên cuối tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đang trực tiếp đào tạo trình độ đại học hoặc cao hơn.

Thứ hai, ứng viên phải hướng dẫn chính ít nhất 2 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, hoặc hướng dẫn (chính hoặc phụ) một nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Thứ ba, ứng viên phải chủ trì ít nhất hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, hoặc một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, hoặc đề tài cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên./.

Theo Nguyễn Trang

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên