Giáo sư tâm lý phân tích: Cần làm gì khi trẻ ăn vạ, đe dọa "sẽ chết cho bố mẹ hối hận"?
Khi con trẻ dùng cách tiêu cực để ra điều kiện, cha mẹ lưu ý tuyệt đối không được làm 4 việc sau.
- 21-10-2021Trước khi mất ở tuổi 43, giáo sư tâm lý học mắc ung thư buồng trứng này đã cảnh báo một điều
- 13-08-202112 kinh nghiệm sống quý báu từ Giáo sư Tâm lý học ĐH Harvard: Làm người đừng quên đối xử tốt với chính mình và luôn nhớ "phải chọn bạn mà chơi"
- 22-07-2021Là giáo sư kinh tế học, tôi vẫn suýt mất tiền oan vì một chiêu trò không ngờ tới: Hóa ra lừa đảo bây giờ cũng giỏi kinh tế lượng và thao túng tâm lý đến vậy!
Bất cứ đứa trẻ nào cũng sẽ có những lúc trở nên ngang bướng mà đề ra những yêu sách bắt cha mẹ phải thực hiện cho mình. Nếu cha mẹ không đồng thuận nhất định chúng sẽ quấy khóc, ăn vạ, thậm chí có những đứa trẻ còn phẫn nộ và đe dọa rằng: “Nếu cha mẹ không đồng ý thì con sẽ tự chết cho cha mẹ đau lòng” giống như trường hợp của chị Lưu vừa chia sẻ trên diễn đàn tư vấn hỗ trợ tâm lý tại Trung Quốc gần đây.
Theo giáo sư tâm lý học nổi tiếng Li Meijin nhấn mạnh, nguyên nhân dẫn tới việc các con thể hiện thái độ rằng “con sẽ tự làm đau mình” hoặc “sẽ chết cho ba mẹ đau lòng” xuất phát từ chính cách hành xử sai lầm của cha mẹ thường ngày.
Giáo sư nổi tiếng Li Meijin hiện đang là Giáo sư Tâm lý học kiêm Phó Giám đốc Ủy ban Chuyên môn Tâm lý Pháp lý của Hiệp hội Tâm lý Trung Quốc. Ảnh: Baidu
Giáo sư cho biết thêm, nguyên nhân dẫn đến việc các con mang thân thể và tính mạng mình ra đưa điều kiện xuất phát là từ việc các bậc phụ huynh thể hiện bản thân “yêu thương con vô điều kiện”, đặc biệt khi các con gặp thương tích gì về mặt thân thể, cha mẹ cuống cuồng lo lắng hoặc quan tâm thái quá dễ khiến các con hình thành suy nghĩ không lành mạnh kể trên.
Với trường hợp này, nếu cha mẹ không tìm được cách dạy dỗ hoặc xử lý sai cách rất dễ dẫn tới việc các con tự làm đau bản thân thậm chí là tự tử trong tương lai. Vì vậy, chuyên gia chỉ ra rằng, khi con trẻ dùng cách tiêu cực để đưa ra điều kiện bắt cha mẹ thỏa mãn yêu cầu nào đó của chúng. Cha mẹ cần thực hiện phương pháp “4 không 1 có” ngay dưới đây.
Khi con dùng cách tiêu cực để ra điều kiện cần làm gì?
Đa phần những đứa trẻ khi đưa ra yêu sách mà không được cha mẹ đáp ứng sẽ thể hiện thái độ bất mãn, không đồng tình, khóc lóc, giận dỗi, thậm chí là ăn vạ tự làm đau mình.
Ảnh minh họa
Với những trường hợp như vậy, việc đầu tiên cha mẹ cần làm đó là bế con vào phòng riêng (tốt nhất là phòng ngủ hoặc nơi ít đồ vật gây tổn thương). Lưu ý trong phòng không được thêm ai khác, chỉ được 1 - 1 tức là cha và con hoặc mẹ và con, không được có người thứ 3.
Hãy để con biết rằng, bạn là người trực tiếp giải quyết vấn đề này cùng với con, không cần sự can thiệp của người khác, cũng như con không có ai để “cầu cứu” và phải tự giải quyết vấn đề của mình. Vì vậy, sau khi vào phòng hãy chốt ngay cửa lại, đặt con lên giường và ngồi đối diện con. Lúc này, chắc chắn con sẽ thể hiện thái độ và cảm xúc của mình, bất kể con làm gì cha mẹ tuyệt đối không được làm 4 việc sau.
Điều thứ nhất, tuyệt đối không được mắng con
Rất nhiều phụ huynh sau khi lôi con vào phòng bắt đầu lớn tiếng quát mắng con: “Nếu con còn khóc mẹ/bố sẽ đánh con”. Đây là việc làm không nên, vì như vậy chỉ khiến con càng thể hiện thái độ chống đối với cha/mẹ mà thôi.
Điều thứ hai, tuyệt đối không đánh con
Nhiều ông bố hay có thói quen xấu đó là khi tức giận hay tiện chân đá vào mông con, hoặc nhiều phụ huynh do nóng tính nên lập tức đánh hoặc tát con.
Tuy nhiên, giáo sư tâm lý Li Meijin cho biết đây là hành động vô cùng xấu của phụ huynh. “Vì các con sau này cũng sẽ học theo thái độ này, cứ mỗi lần tức giận là buông thả cảm xúc bằng hành vi bạo lực”. Đây là cách giáo dục cực kỳ sai lầm và tiềm ẩn nhiều vấn đề nguy hiểm trong tương lai.
Điều thứ ba, không nên dỗ dành con và giảng đạo lý
Có không ít gia đình, ba mẹ có tính cách hòa nhã, dễ nhẫn nhịn và cưng chiều con. Nên khi con khóc lóc sẽ bắt đầu thương xót dỗ dành và giải thích với con. “Con đừng khóc mẹ/cha thương, vì con làm sai nên cha/mẹ mới như vậy…”.
Tuy nhiên, đây cũng là một cách hành xử sai lầm. Làm như vậy dễ khiến các con hình thành suy nghĩ cha/mẹ đang hạ mình trước yêu cầu của các con.
Điều thứ tư, tuyệt đối không bỏ con lại một mình
Chắc hẳn không thiếu bậc phụ huynh từng thấy việc con khóc lóc, ăn vạ rất phiền phức nên nói rằng: “Con thích khóc thì cứ ở đây khóc một mình”, sau đó để con trong phòng rồi bỏ đi.
Việc để con lại một mình để con tự nín cũng là cách hành xử sai lầm. Chúng ta đang tìm cách dạy con chứ không phải trừng phạt con. Vậy cha mẹ cần làm gì để dạy con?
Theo chia sẻ của giáo sư Li Meijin, việc quan trọng nhất trong quá trình dạy con chính là để con thấy thái độ của cha mẹ về hành động của mình.
Do đó, cha mẹ không nên bỏ con lại trong phòng 1 mình mà hãy ngồi xuống cùng con. Đồng thời, hãy thể hiện cho con thấy thái độ của cha/mẹ qua 1 câu nói: “Con muốn khóc thì cứ khóc, nhưng việc con làm là không đúng”. Không cần nói quá nhiều, chỉ cần bạn nói một câu thể hiện thái độ của mình là đủ. Sau đó, hãy yên lặng và chờ đợi con.
Ảnh minh họa
Khi đó, con trẻ sẽ có 2 phản ứng, một là tiếp tục khóc, hai là đập phá đồ đạc và làm đau bản thân bằng việc đập người vào giường hoặc cửa...
Bất kể con thể hiện thái độ nào, nếu không nguy hiểm tới tính mạng thì cha mẹ hãy cứ duy trì sự im lặng. Vì sau khi khóc mệt, phá mệt, thấy thái độ của cha/mẹ vẫn im lặng, con sẽ tự thấy việc dùng “nước mắt” hoặc việc “làm đau bản thân” là vô ích vì việc con làm là sai.
Sau khi kết thúc mọi chuyện, cha mẹ hãy lấy chiếc khăn ấm cho con lau mặt và bình tĩnh hỏi con lại một lần nữa việc vừa rồi con làm đúng hay sai? Khi đó, đứa trẻ sẽ tự mình nhận định được hành vi không đúng của mình.
Hãy để các con thấy rằng, cha mẹ rất yêu thương con, nhưng yêu thương có điều kiện chứ không phải yêu thương vô điều kiện. Đồng thời dạy con phải tôn trọng cha mẹ và tự yêu thương chính bản thân mình.
Pháp luật & bạn đọc