Giáo viên hợp đồng ở Hà Nội tiếp tục kêu cứu vì bị mất việc
Bị chấm dứt hợp đồng để chờ kỳ thi tuyển dụng viên chức, giáo viên ở bậc mầm non, tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn huyện Ba Vì và một số quận, huyện khác của Hà Nội đã gửi đơn kêu cứu đến Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng.
- 09-04-2019Chủ tịch Hà Nội thông tin mới về việc 256 giáo viên hợp đồng nguy cơ mất việc
- 28-07-2018Cà Mau sẽ cắt hợp đồng với hơn 1.400 giáo viên
- 11-03-2018Vụ hơn 500 giáo viên mất việc: Huyện cứ "nhét" chỉ tiêu về buộc trường ký hợp đồng
- 15-08-2017Bất cập thừa - thiếu giáo viên: Do tuyển dụng, ký hợp đồng với giáo viên còn tiêu cực
Đề nghị được xét đặc cách
Trong đơn kiến nghị, hơn 300 giáo viên hợp đồng ở Ba Vì cho biết mình đã có thâm niên công tác trong ngành giáo dục. Có giáo viên đã giảng dạy trên dưới 20 năm. Trong quá trình công tác luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có nhiều thầy cô đạt thành tích cao trong giảng dạy và đươc các cấp chính quyền ghi nhận.
Tuy nhiên, ngày 7.3.2019, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1076/QĐ - UBND phê duyệt chỉ tiêu tuyển viên chức giáo dục thành phố Hà Nội, trong đó có huyện Ba Vì. Theo đó tất cả các giáo viên dạy hợp đồng phải tham gia kì thi viên chức, nếu không thi hoặc thi không đỗ sẽ bị cắt hợp đồng…
Thực hiện chỉ đạo này, thời gian qua, các trường học trên địa bàn đã lần lượt cắt hợp đồng với giáo viên để chờ kỳ tuyển dụng viên chức. Nhiều giáo viên có thâm niên đã bị mất việc sau khi cống hiến tuổi thanh xuân cho giáo dục thủ đô.
Sau thông tin Hà Nội công bố trong buổi họp báo chiều 1.10, rằng không giáo viên nào của Hà Nội được tuyển dụng đặc biệt, hàng nghìn giáo viên hợp đồng ở Hà Nội đã tiếp tục gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng.
“Theo Nghị định 29/2012, chúng tôi đều đủ điều kiện xét đặc cách vào viên chức không qua thi tuyển nhưng chúng tôi đã bị Hà Nội bỏ quên.
Nay Bộ Chính trị cho phép các tỉnh, thành phố xét đặc cách không qua thi tuyển để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của 341 đồng chí nguyên là giáo viên hợp đồng làm việc tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Ba Vì, chúng tôi kiến nghị đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ sớm Ban hành văn bản hướng dẫn Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xét đặc cách vào viên chức giáo dục không qua thi tuyển tại kì tuyển dụng viên chức giáo dục 2019 đối với nguyên là giáo viên hợp đồng trên địa bàn huyện Ba Vì, trước khi kì thi diễn ra theo kế hoạch”- tập thể giáo viên ở Ba Vì kiến nghị.
Còn trong đơn gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, giáo viên kiến nghị: “Tạm hoãn thi tuyển, xét tuyển viên chức các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã năm 2019 đến khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
Khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ thì xem xét xét tuyển đặc cách chúng tôi vào viên chức không qua thi tuyển năm 2019”.
Ngoài Ba Vì, giáo viên hợp đồng của một số quận, huyện khác của Hà Nội cũng đã có đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng để mong có chính sách giải quyết nhân văn với giáo viên.
Nhiều trường “trắng giáo viên” các môn học
Cũng liên quan đến việc nhiều giáo viên ở Ba Vì bị chấm dứt hợp đồng để chờ thi tuyển viên chức, hiện một số trường trên địa bàn đang lâm vào cảnh bị thiếu giáo viên.
Tại Trường THCS Thụy An (Ba Vì), hiện 5 bộ môn Toán, Địa, Vật Lý, Sinh, Công nghệ đang bị thiếu giáo viên vì chủ trương “cắt hợp đồng lao động với giáo viên hợp đồng để chờ thi tuyển viên chức”. Trong đó 3 môn “trắng giáo viên”.
Để khắc phục, lãnh đạo nhà trường đang phải tăng cường giáo viên bộ môn khác đứng lớp và xin cơ chế riêng là thuê giáo viên thỉnh giảng với chi phí 30.000 đồng/tiết học.
Tại Trường Tiểu học Vật Lại (Ba Vì), do cuối tháng 8 vừa qua, nhà trường phải cắt hợp đồng lao động với 6 giáo viên nên phải thực hiện dồn, ghép lớp. Trường dồn từ 44 xuống 39 lớp, sĩ số các lớp học vì thế mà quá tải.
Trong khi đó, những giáo viên bị chấm dứt hợp đồng vẫn đang loay hoay đi xin việc mới ở tuổi 40, 50. Không chỉ đời sống thầy cô gặp khó khăn, mà nhiều người suy sụp, lo lắng vì rơi vào cảnh thất nghiệp.
Lao động