Giày Sài Gòn xin ý kiến cổ đông khôi phục hoạt động kinh doanh giày vải
Vừa quyết định từ bỏ lĩnh vực sản xuất túi xách, giày nữ thời trang, nay Giày Sài Gòn lại xin ý kiến cổ đông việc khôi phục trở lại hoạt động SXKD giày vải truyền thống.
Ngày 19/7 tới đây VSD sẽ chốt danh sách cổ đông CTCP Giày Sài Gòn (mã chứng khoán SSF) để tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thông qua phương án khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh giày vải.
Ngoài ra, HĐQT công ty cũng gửi cổ đông xin ý kiến trường hợp cổ đông thông qua phương án khôi phục hoạt động kinh doanh giày vải thì sẽ giao HĐQT làm các thủ tục, xúc tiến đầu tư và tổ chức kinh doanh….
Trường hợp cổ đông không thông qua phương án kinh doanh trở lại giày vải, cũng xin giao Chủ tịch HĐQT lựa chọn phương án, mô hình kinh doanh mới, và báo cáo tại ĐHCĐ 2017.
Theo tính toán trước đó, công ty cần 3 tỷ đồng để đầu tư thay thế một số loại máy móc cho việc khôi phục hoạt động sản xuất giày vải. Ngoài ra, cần thêm một số tiền để thanh toán trợ cấp mất việc và thôi việc, trả các khoản nợ và thanh toán một số khoản liên quan thuê mặt bằng. Do vậy, ngoài khoản vay ngân hàng, công ty cần huy động thêm 16 tỷ đồng nhằm tăng vốn điều lệ lên 32 tỷ đồng. ĐHCĐ đã thông qua phương án phát hành 1,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ lên gấp đôi.
Theo phương án trình ĐHCĐ, có 11 nhà đầu tư được chọn trong đợt phát hành riêng lẻ đều là các nhà đầu tư cá nhân. Và các nhà đầu tư này đều không nằm trong danh sách ban lãnh đạo công ty.
Hiện tại, ông Lê Trung Nam đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ 31% vốn điều lệ của Giày Sài Gòn. Ông Lê Trung Nam là đại diện phần vốn góp của SCIC tại SSF, cá nhân ông Nam không sở hữu cổ phiếu nào.
Đáng chú ý, mới cách đây hơn 2 tháng, ngày 25/3/2016, Gày Sài Gòn đã tổ chức ĐHCĐ bất thường thông qua phương án để thông qua một số định hướng tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Cụ thể, nội dung phiên họp sẽ trình chủ trương không tiếp tục gia công túi xách và giày thời trang nữ. Đồng thời tăng cường công tác cho thuê mặt bằng trống để gia tăng thu nhập và đầu tư thiết bị máy móc phục vụ khôi phục thương hiệu giày vải truyền thống.
Trí Thức Trẻ