Giếng cổ sâu 17m đột nhiên bốc cháy, chuyên gia mất 3 ngày mới dập tắt được: Kho báu gồm 36.000 vật "xâu thành chuỗi" được đào lên
"Kho báu" phát hiện trong giếng cổ đã khiến các chuyên gia Trung Quốc phải kinh ngạc.
- 08-04-2024Nước rút vì hạn hán, kho báu hàng nghìn vật bằng vàng bất ngờ xuất hiện bên bờ sông
- 07-04-2024Phát hiện kho báu hơn 10.000 vật bằng vàng dưới sông, chuyên gia hút nước 4 tháng liên tục mới lấy được
- 03-04-2024Kỳ lạ "kho báu" óng ánh sắc vàng trị giá chục nghìn tỷ nằm lộ thiên nhưng không ai dám lấy
Ở Trung Quốc vào giai đoạn những năm 1950-1980, việc người dân tìm thấy cổ vật không phải là chuyện lạ. Là một quốc gia với chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, Trung Quốc khiến cả thế giới ngưỡng mộ khi có nhiều di tích văn hóa mang dấu ấn thời đại.
Không những thế, theo dòng chảy của lịch sử, có lẽ vẫn sẽ còn rất nhiều cổ vật, di sản văn hóa trôi nổi chưa thể tìm thấy tại đất nước này. Do đó, việc nghiên cứu và khai quật chúng vẫn đang được Trung Quốc đầu tư và đẩy mạnh với mục tiêu thúc đẩy và truyền bá nền văn minh Trung Hoa đến với công chúng trong và ngoài nước.
Kể từ khi ngành khảo cổ học được thành lập ở Trung Quốc cách đây 100 năm, các nhà khảo cổ của quốc gia này đã nhiều lần có những phát hiện chấn động về các di vật văn hóa có thể viết lại lịch sử dân tộc. Trường hợp dưới đây là một ví dụ.
Vào cuối những năm 1980, một số nông dân ở thị trấn Lý Gia, huyện Vũ Lăng, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc khi xây nhà đã đào được rất nhiều món đồ bằng đồng và sứ. Cho rằng những món đồ này có khả năng là di vật văn hóa nên họ đã báo cho chính quyền địa phương. Các chuyên gia khảo cổ học sau khi biết tin đã lập tức có mặt tại hiện trường và tiến hành công việc nghiên cứu.
Kết quả là các chuyên gia cho rằng những di vật còn sót lại là minh chứng cho thấy nơi đây vào thời Chiến Quốc có thể từng có một ngôi mộ cổ của nước Sở. Tưởng rằng sự việc sẽ kết thúc tại đây, thế nhưng vào năm 2002, dự án thủy điện trọng điểm của tỉnh Hồ Nam lại được triển khai ngay tại khu vực này. Để bảo vệ những di vật văn hóa có thể vẫn đang bị chôn giấu, các chuyên gia khảo cổ lại đến thị trấn Lý Gia để tiếp tục công việc khai quật.
Khi đến đây, nhóm khảo cổ đã phát hiện ra một hố bùn có màu xanh kỳ lạ, dường như không được hình thành tự nhiên. Để xác thực điều này, họ đã dọn sạch hố bùn này và phát hiện một cái giếng cổ ẩn dấu ở dưới. Tuy nhiên, ngay khi lớp bùn phía trên được dọn sạch, từ trong giếng cổ bỗng tỏa ra lớp khí có mùi hôi nồng nặc. Khi lớp khí này bốc lên và tiếp xúc với không khí liền tạo ra một ngọn lửa cao đến vài thước, gây ra cảnh tượng độc nhất vô nhị khiến mọi người xung quanh đó vô cùng hoang mang.
Sau khi kiểm tra, các chuyên gia khảo cổ cho biết trong giếng cổ này có rất nhiều rác thải đã dần phân hủy theo thời gian, chúng tích tụ thành lớp khí và sẽ gây ra phản ứng hóa học gây cháy khi tiếp xúc với không khí.
Để khám phá chiếc giếng cổ, đoàn khảo cổ đã mất 2-3 ngày để có thể dập tắt ngọn lửa trên và làm sạch lòng giếng. Cuối cùng, hình dáng ban đầu của giếng cổ cũng được lộ diện. Nó sâu khoảng 17m và rộng 4m. Điều đáng nói là khi dọn sạch đất và rác ở trong lòng giếng, đoàn khảo cổ đã phát hiện một số lượng lớn các vật thể “xâu thành chuỗi”.
Cụ thể đó là những chiếc thẻ tre được kết lại với nhau tạo thành những trúc thư - loại sách cổ dùng để ghi chép tài liệu trong lịch sử Trung Quốc. Sau khi làm sạch chúng, các chuyên gia đã tiến hành đếm số lượng và cho biết có hơn 36.000 cuốn trúc thư đã được tìm thấy. Dựa trên các tài liệu đọc được và nghiên cứu, các chuyên gia khảo cổ suy đoán rằng những trúc thư này thuộc về thời nhà Tần ở Trung Quốc. Phát hiện này đã gây chấn động toàn Trung Quốc lúc bấy giờ.
Theo Sohu, nội dung trên những cuốn trúc thư này rất phong phú, ghi chép nhiều thông tin về hệ thống pháp luật nhà Tần trong việc khai hoang đất đai, chuyển hộ khẩu, thờ cúng tổ tiên và giáo dục. Trước những thông tin khám phá được, các chuyên gia khảo cổ cho rằng số trúc thư này không chỉ là kho báu vô giá mà còn là những bằng chứng xác thực nhất cho việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa nước Tần.
Có thể nói, việc tìm thấy những cuốn trúc thư này được xem là một cột mốc quan trọng đối với cộng đồng khảo cổ học Trung Quốc. Bởi qua quá trình nghiên cứu, chúng sẽ giúp thế giới vén màn những bí mật về lịch sử Trung Hoa mà từ trước đến nay vẫn còn đang bị bỏ ngỏ.
(Theo Sohu)
Nhịp sống thị trường