Gió "bị oan" trong sự cố tồi tệ trên kênh đào Suez?
Quan chức cấp cao nhất phụ trách hoạt động của kênh đào Suez cho biết gió không phải lý do chính dẫn tới việc con tàu khổng lồ mắc trên dòng kênh huyết mạch. Sự cố có thể bao gồm cả lỗi của con người hoặc trục trặc kỹ thuật.
- 27-03-2021Tàu kẹt trên kênh Suez thành chủ đề chế ảnh trên mạng xã hội
- 27-03-2021Cần bao lâu để dỡ hết container trên ‘siêu tàu’ đang mắc cạn ở Suez?
- 27-03-2021Chủ siêu tàu mắc kẹt ở kênh đào Suez chờ "trời giúp" hôm nay
- 27-03-2021Hàng nghìn con cừu lênh đênh trên biển, có nguy cơ chết đói vì vụ tắc nghẽn kênh Suez
- 27-03-2021Giá vận tải biển tăng vọt do sự cố tắc nghẽn trên kênh đào Suez
Trong một cuộc họp báo, Chủ tịch Osama Rabie của cơ quan quản lý kênh đào Suez cho biết gió không phải yếu tố chính trong sự cố. Thay vào đó, lỗi của con người hoặc sự cố kỹ thuật có thể đóng vai trò nào đó trong vụ việc con tàu 220.000 tấn nằm chắn ngang giữa dòng kênh. Kết luận này khác với những báo cáo trước đó cho rằng gió mạnh bất ngờ là nguyên nhân khiến tàu hàng khổng lồ Ever Given mắc kẹt.
Siêu tàu có tải trọng 220.000 tấn, dài gần 400m với sức chứa 20.000 container vẫn đang mắc kẹt giữa kênh đào Suez khi đi từ Biển Đỏ. Sự cố khiến dòng kênh huyết mạch, nơi 12% lượng hàng hóa toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển qua lại mỗi ngày, bị tê liệt hoàn toàn suốt nhiều ngày qua. Hiện nay, đã có 321 tàu xếp hàng chờ kênh đào thông trở lại.
Cập nhật tình hình mới nhất, ông Rabie cho biết họ đã tạo ra được một khoảng trống với độ sâu 18 mét và có thể đưa con tàu trở lại hoạt động sớm. Bánh lái và chân vịt của tàu đã hoạt động trở lại. 9.000 tấn nước dằn, vốn được bơm vào để ổn định con tàu khi di chuyển trên biển, cũng đã được hút ra.
"Loại đất mà chúng tôi đang đào rất cứng. Các yếu tố bất lợi khác như thủy triều và gió mạnh tiếp tục làm trầm trọng thêm vấn đề, vốn đã nan giởi bởi trọng lượng và kích thước của con tàu mắc cạn", ông Rabie cho biết.
Cuộc khủng hoảng trên kênh đào Suez tiếp tục làm gia tăng mối lo ngại đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã chịu thiệt hại nghiêm trọng do đại dịch Covid-19. Theo thống kê, mỗi ngày tắc nghẽn trên dòng kênh này làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa trị giá 9 tỷ USD, tương đương khoảng 400 triệu USD/giờ.
Hôm 26/3, công ty sở hữu con tàu khổng lồ đang chặn kênh đào Suez cho biết họ dự định sẽ làm con tàu nổi trở lại vào tối ngày 27/3 với hy vọng rằng thủy triều lên cùng với các hoạt động nạo vét phần mũi sẽ giúp nó thoát khỏi vị trí mắc cạn.
"Chúng tôi đang tiếp tục làm việc để loại bỏ trầm tích ở nơi con tàu mắc kẹt với các công cụ nạo vét bổ sung. Chúng tôi xin lỗi về những rắc rối và lo ngại lớn mà sự cố này đã gây ra", Yukito Higaki, Chủ tịch của Shoei Kisen – công ty sở hữu Ever Given, cho biết.
Trong khi đó, truyền thông đưa tin các bên sẽ tiến hành 2 nỗ lực giải cứu con tàu khi thủy triều lên trong ngày 27/3 theo giờ địa phương. Reuters dẫn các nguồn tin cho biết nỗ lực đầu tiên được thực hiện lúc 14h30 chiều ngày 27/3 theo giờ địa phương (khoảng 19h30 theo giờ Hà Nội).
Ở thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận thông tin nào về nỗ lực giải cứu tàu Ever Green. Trong khi đó, nhiều công ty đã quyết định cho tàu của mình đi vòng qua châu Phi để tránh điểm nghẽn trên kênh đào Suez dù tuyến đường này xa và tốn nhiều kinh phí hơn.
Các chuyên gia cảnh báo giá cả hàng hóa có thể sẽ tăng lên do sự cách tắc trên con kênh huyết mạch. Tuy nhiên, tác động lâu dài từ vụ việc vẫn chưa thể lường trước.