MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giở trò trên bất động sản

22-05-2023 - 08:23 AM | Bất động sản

Không ít người đang đứng trước nguy cơ mất trắng hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng khi mua sản phẩm bất động sản hình thành trong tương lai

Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, người mua sản phẩm hình thành trong tương lai gặp rủi ro rất lớn nếu chủ đầu tư dự án rơi vào khó khăn hay cố tình trì hoãn việc hoàn thành trách nhiệm thực hiện hợp đồng đã ký. Những trường hợp này theo các luật sư, có thể phải xử lý hình sự mới đủ tính răn đe.

Không giao nhà, còn bán cho người khác

Trong đơn cầu cứu gửi đến Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Thu H. (ngụ huyện Nhà Bè) tố Công ty CP Ánh Sao (văn phòng đại diện cũ ở số 14 Phan Tôn, phường Đa Kao, quận 1) đã chiếm dụng tiền và tài sản của gia đình bà khi nhiều năm nay chây ì không bàn giao nhà, không trả tiền và bồi thường thiệt hại.

Cụ thể, bà H. cho biết tháng 4-2017, bà đã ký hợp đồng đặt cọc mua căn biệt thự hình thành trong tương lai dự án Coastar Estates Hồ Tràm (Hồ Tràm, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do Công ty TNHH Ánh Sao làm đầu tư. Hợp đồng ký với ông Clive William George Walford khi đó đang là giám đốc công ty và số tiền thanh toán ban đầu hơn 4,4 tỉ đồng.

Đến ngày 3-6-2019, Công ty TNHH Ánh Sao đề nghị bà chuyển từ "Hợp đồng đặt cọc mua nhà" sang ký kết "Hợp đồng thuê nhà dài hạn". Theo quy định của hợp đồng thuê dài hạn thì tháng 12-2019, công ty phải bàn giao căn biệt thự cho bà H.

Giở trò trên bất động sản - Ảnh 1.

Dự án Coastar Estates Hồ Tràm nhìn từ trên cao Ảnh: PHẠM ĐÌNH

Đáng nói là sau khi ký trước 3 bộ hợp đồng thuê dài hạn, Công ty TNHH Ánh Sao không hề đưa lại cho bà bộ hợp đồng đã ký, cũng không thông báo cho bà số tiền và thời hạn đóng tiếp. Đến tháng 12-2019, công ty không bàn giao nhà như cam kết. Thay vào đó, ngày 12-12-2019, công ty này ra thông báo "đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê dài hạn" với bà H., đồng thời phạt bà số tiền 800 triệu đồng với lý do chậm thanh toán. Chưa hết, Công ty TNHH Ánh Sao còn đem hợp đồng thuê dài hạn đã ký với bà H. chuyển nhượng cho người khác.

Khi sự việc còn chưa ngã ngũ, đến ngày 28-10-2021, Công ty TNHH Ánh Sao lúc này đã đổi thành Công ty CP Ánh Sao do bà Nguyễn Thị Hồng làm tổng giám đốc - cho người dán trước cửa nhà bà H. tờ thông báo "Đơn phương chấm dứt hợp đồng đặt cọc". "Không đồng tình với các quyết định này, tôi đã khởi kiện Công ty CP Ánh Sao ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Chi nhánh TP HCM" - bà H. cho biết.

Ngày 16-6-2022, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đã ra phán quyết, xác định: "Các quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng của Công ty CP Ánh Sao là không có căn cứ. Hợp đồng thuê dài hạn giữa các bên vẫn còn hiệu lực". Công ty CP Ánh Sao sau đó cũng có đơn yêu cầu TAND TP HCM tuyên hủy phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhưng không được tòa chấp nhận.

Sau khi có phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, ngày 30-6-2022, bà H. đã thanh toán phần tiền còn lại theo hợp đồng thuê dài hạn là 4,34 tỉ đồng vào tài khoản Công ty CP Ánh Sao để tiếp tục hợp đồng. "Tổng cộng tôi đã thanh toán 8,7 tỉ đồng nhưng công ty không bàn giao nhà mà đem căn biệt thự này bán cho người khác với số tiền 10 tỉ đồng. Sau đó, Công ty CP Ánh Sao đã bán cổ phần dự án này cho một tập đoàn bất động sản lớn ở TP HCM mà không bồi thường tổn thất cho tôi dù đã thương lượng nhiều lần" - bà H. bức xúc.

Phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ qua điện thoại để trao đổi về sự việc trên nhưng bà Nguyễn Thị Hồng thoái thác trách nhiệm. Trong khi đó, phía công ty mua lại cổ phần dự án của Công ty CP Ánh Sao đã gặp mặt trao đổi, thương lượng hoàn tiền cho bà H. nhưng hiện sự việc vẫn chưa xong.

Nộp tiền nhưng không nhận được đất

Một vụ việc tương tự, bà T. (ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) từng là nhân viên của Công ty CP Dịch vụ và Đầu tư Đất Xanh Đông Nam Bộ (hiện đã đổi tên), cho biết đã tích góp tiền để mua đất nền sổ đỏ tại dự án của công ty triển khai ở Bình Thuận nhưng không nhận được tài sản đã mua.

Cụ thể, tháng 9-2019, bà T. đã ký hợp đồng cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất mua đất nền thuộc dự án của Công ty CP Dịch vụ và Đầu tư Đất Xanh Đông Nam Bộ. Hợp đồng do ông Nguyễn Lê Hoài Duy, giám đốc chi nhánh của công ty, ký và cam kết sẽ chuyển nhượng quyền sử dụng nền đất B-24 có diện tích 101,4 m2 (6 x 16,9 m) tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cho bà T. và phải tiến hành các thủ tục sang tên cho bà T. sau 3 tháng từ khi ký hợp đồng.

Bà T. sau đó đã thanh toán tổng số tiền gần 436 triệu đồng, tương đương 95% giá trị hợp đồng, nhưng ông Duy cũng như công ty đã không giao đất, giao giấy chứng nhận như cam kết.

Sau rất nhiều lần được công ty hẹn hứa, chờ đợi, bà T. tự tìm hiểu và biết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với nền đất mã số B-24 đang được thế chấp tại chi nhánh một ngân hàng tại TP HCM. Chủ thể đứng tên trên hợp đồng tín dụng là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ HTD VINA.

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ HTD VINA do ông Huỳnh Trung Du, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ và Đầu tư Đất Xanh Đông Nam Bộ, thành lập ngày 25-12-2019 và do bà Hoàng Hồ Hương Giang làm người đại diện pháp luật. Bà Giang trước đây là Phó Tổng Giám đốc của Đất Xanh Đông Nam Bộ.

Đáng nói là theo tìm hiểu thêm của phóng viên Báo Người Lao Động, tại dự án này có nhiều chi tiết nhập nhằng về sở hữu, giao dịch mua bán... Nhiều khách hàng cũng ký hợp đồng mua đất nền của dự án và gặp tình trạng tương tự bà T. Những người này đều đã thanh toán từ 50%-60% giá trị hợp đồng nhưng đến nay không nhận được tài sản.

Phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ qua điện thoại với ông Huỳnh Trung Du để thông tin đa chiều và làm sáng tỏ các vụ việc nói trên nhưng không nhận được phản hồi. 

Có dấu hiệu chiếm đoạt

Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết tình trạng các chủ đầu tư, những đơn vị phát triển dự án, kinh doanh bất động sản thời gian qua đã "làm khổ" khách hàng rất nhiều. Họ đã lợi dụng việc "nắm đằng cán" và không hoàn thành trách nhiệm cho khách hàng. Với những trường hợp đó, chủ đầu tư, những người có trách nhiệm của các công ty đã có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 175 Bộ Luật Hình sự 2015. "Khách hàng là nạn nhân, có thể tố cáo đến cơ quan chức năng để xử lý, đòi lại quyền lợi" - luật sư Cường gợi ý.

Theo Phạm Đình - Sơn Nhung

Người lao động

Trở lên trên