Giới chức Trung Quốc đồng loạt lên tiếng trấn an thị trường chứng khoán
Chứng khoán Trung Quốc đã đảo chiều và tăng mạnh sau khi những lời trấn an được đưa ra...
- 19-10-2018Chứng khoán Trung Quốc tìm thấy sắc xanh sau khi tụt xuống đáy 4 năm
- 19-10-2018Tấn công trực diện Trung Quốc, ông Trump rút nước Mỹ khỏi hiệp ước 144 năm tuổi
- 19-10-2018Trung Quốc đang khuấy động thị trường dầu thế giới như thế nào?
Các quan chức tài chính cấp cao nhất của Trung Quốc ngày 19/10 đồng loạt lên tiếng vực dậy niềm tin của nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường chứng khoán nước này sụt giảm sâu.
Theo hãng tin Bloomberg, đây là lần hiếm hoi các quan chức tài chính cấp cao nhất Trung Quốc đồng thời đưa ra những phát biểu nhằm trấn an thị trường. Động thái này diễn ra khi chứng khoán Trung Quốc chạm đáy của 4 năm trong đợt bán tháo mạnh nhất kể từ năm 2015. Sự trấn an từ Bắc Kinh cho thấy giới chức Trung Quốc đang lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của chứng khoán sụt giảm đối với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) Dịch Cương, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc Guo Shuqing, và Chủ tịch Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc Liu Shiyu sáng ngày thứ Sáu lần lượt hứa sẽ có các biện pháp nhằm giảm bớt sức ép tài chính đối với các công ty.
Chỉ trong vòng 6 tháng qua, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã "bốc hơi" hơn 3 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa. Tuần này, đà sụt giảm của thị trường bị đẩy mạnh hơn và đồng Nhân dân tệ chạm đáy của 2 năm, làm gia tăng tâm lý hoảng sợ của nhà đầu tư.
Nỗ lực trấn an của các quan chức tài chính cấp cao Trung Quốc được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Tổng cục Thống kê nước này công bố số liệu thống kê cho thấy tăng trưởng kinh tế quý 3 giảm tốc mạnh hơn dự báo.
Nguyên nhân chính khiến chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất thế giới năm nay bao gồm nỗi lo về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và sự giảm tốc của nền kinh tế nước này. Ngoài ra, thị trường còn chịu áp lực giảm điểm từ nguy cơ giải chấp ồ ạt, bởi giới đầu tư chứng khoán Trung Quốc đã vay ký quỹ lượng cổ phiếu trị giá hơn 600 tỷ USD.
Giới phân tích nhận định Chính phủ Trung Quốc hiện nay không có nhiều lựa chọn tốt trong việc ứng phó với sự sụt giảm của thị trường chứng khoán. Nếu nhà chức trách can thiệp thẳng vào thị trường như vào năm 2015, giá cổ phiếu có thể dừng giảm trong ngắn hạn, nhưng làm như vậy sẽ cản trở tiến trình giảm nợ trong nền kinh tế vốn đang gánh mức nợ cao kỷ lục.
Trong khi đó, việc khoanh tay đứng nhìn có thể làm cho bất ổn định tài chính gia tăng và làm suy yếu vị thế của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại với Washington.
Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ Trung Quốc có vẻ như chọn cách đứng giữa hai cách làm trên. Nhà chức trách lên tiếng trấn an thị trường, nhưng chưa có động thái can thiệp trực tiếp nào. Nhiều nhà đầu tư e rằng chiến lược này có thể sẽ không đủ để khôi phục lại niềm tin.
"Kiểu trấn an này sẽ chẳng có tác dụng gì mấy đối với thị trường trong ngắn hạn", nhà phân tích Liu Wu thuộc China Development Bank Securities nhận định.
Tuy vậy, chứng khoán Trung Quốc đã đảo chiều mạnh sau khi những lời trấn an được đưa ra. Lúc gần 14h chiều theo giờ Việt Nam, chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải tăng hơn 2,5%, sau khi có lúc giảm tới 1,5% trong phiên sáng. Tuần này, chỉ số đã giảm gần 5%.
Trong một tuyên bố đăng trên website của PBoC, Thống đốc Dịch Cương nói đợt biến động gần đây của chứng khoán Trung Quốc là do tâm lý nhà đầu tư. PBoC đang nghiên cứu các biện pháp để giảm bớt khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp và sẽ sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng.
Trong một bài trả lời phỏng vấn đăng trên website của Ủy ban Điều tiết ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc, Chủ tịch Guo nói "những biến động bất thường" gần đây trên thị trường không phản ánh chuẩn xác những yếu tố căn bản của nền kinh tế và "hệ thống tài chính ổn định" của Trung Quốc.
Chủ tịch Liu thì cho biết Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc khuyến khích các quỹ được hẫu thuẫn bởi các chính quyền địa phương mua cổ phiếu để giảm bớt những áp lực gây ra bởi hoạt động giải chấp.
Theo chuyên gia kinh tế Nie Wen thuộc Huabao Trust, những tuyên bố được đưa ra chủ yếu là các biện pháp để giải quyết vấn đề trong trung đến dài hạn. "Nhà chức trách không muốn khuyến khích những kỳ vọng vào việc sẽ có sự can thiệp trực tiếp vào thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, can thiệp trực tiếp có thể là giải pháp duy nhất".
VnEconomy