MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giới khoa học 'mổ sẻ' tìm câu trả lời: Vì sao 'người bẩn nhất thế giới' lại qua đời sau khi tắm lần đầu tiên?

28-10-2022 - 09:10 AM | Sống

Giới khoa học 'mổ sẻ' tìm câu trả lời: Vì sao 'người bẩn nhất thế giới' lại qua đời sau khi tắm lần đầu tiên?

Điều khiến giới khoa học cảm thấy kinh ngạc và kỳ lạ đó là không hề tìm thấy bất cứ loại vi khuẩn gây bệnh nào trên người cụ ông "bẩn nhất thế giới".

Theo hãng thông tấn Irna mới đây đưa tin, người được mệnh danh là "bẩn nhất thế giới" - cụ  ông Amou Haji đã qua đời ở tuổi 94 sau hơn nửa thế kỷ không tắm.

Cụ ông sống ở một ngôi làng nhỏ gần sa mạc ở tỉnh Fars, miền nam Iran. Người ông luôn phủ đầy bồ hóng và tự xây một lán bằng đá vôi làm nhà.

Người dân tại đây cho biết, ông từ chối tắm rửa (kể cả bằng nước hoặc xà phòng) sau khi trải qua những tổn thương về mặt tình cảm. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là thói quen này dường như giúp cụ có được tình trạng sức khỏe đặc biệt tốt. Trên thực tế, cụ chỉ yếu đi từ tháng trước, sau khi dân làng thuyết phục cụ tắm rửa lần đầu tiên.

Không tắm để bảo vệ sức khỏe

Để có được "danh hiệu" không ai muốn này, cụ Haji đã phải đánh đổi nhiều điều.

Về ngoại hình, cụ ông khiến người đối diện kinh hãi với phần da toàn thân từ mặt tới chân đều phủ một lớp ghét dày cộp tạo ra từ bụi bẩn và da chết, đôi mắt gần như bị che khuất, còn mùi thì nồng nặc.

Tuy nhiên, cụ Haji lại cảm thấy vô cùng thoải mái với cơ thể mình. "Người bẩn nhất thế giới" cho rằng, việc giữ cho bản thân mình thật bẩn thỉu chính là bí quyết để bản thân sống được lâu đến thế. Thậm chí, cụ còn cho biết việc ở sạch sẽ khiến cơ thể bị bệnh.

Giới khoa học mổ sẻ tìm câu trả lời: Vì sao người bẩn nhất thế giới lại qua đời sau khi tắm lần đầu tiên? - Ảnh 1.

Cụ ông chọn lán nhỏ làm nhà - Ảnh: Republic News Agency


Chưa dừng lại ở đó, cụ Haji còn giữ cho mình một vài thói quen mà chỉ cần nghe thôi đã khiếp hãi, như thích ăn thịt động vật thối nướng trên lửa, hút phân động vật khô bằng tẩu kim loại, hoặc dùng lửa để đốt râu.

Sở hữu ngoại hình và những thói quen kỳ dị, cụ Haji thường xuyên phải đối mặt với sự kỳ thị từ cộng đồng. Nhiều người thậm chí đã chế nhạo và ném đồ về phía cụ.

Giới khoa học “bó tay” vì không thể tìm ra bệnh

Để phản bác lại quan điểm "ở bẩn để sống lâu" của cụ Haji, nhiều bác sĩ đã đến thăm và thuyết phục ông thực hiện một số xét nghiệm cơ bản, bao gồm các xét nghiệm viêm gan, AIDS, ký sinh trùng...

Điều vô cùng đáng ngạc nhiên là họ đã không tìm thấy bất kỳ loại vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây bệnh nào trên cơ thể của cụ ông. Sau đó, các nhà khoa học cũng vào cuộc, nhưng không ai có thể tìm được câu trả lời. Giả thuyết duy nhất là cụ Amou Haji dường như đã phát triển một hệ thống miễn dịch cực kỳ mạnh mẽ sau nhiều thập kỷ sống trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng cụ Haji bị mắc một chứng bệnh gọi là ablutophobia - hay hội chứng sợ tắm. Đây là một dạng lo lắng biểu hiện bằng cảm giác sợ hãi khi tắm.

Và tháng trước, dân làng đã tìm cách thuyết phục cụ ông tắm rửa lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ. Thế rồi sau đó không lâu, cụ Haji bị ốm và qua đời. Dường như sự thay đổi quá đột ngột đã khiến cơ thể cụ không kịp thích nghi.

Giới khoa học mổ sẻ tìm câu trả lời: Vì sao người bẩn nhất thế giới lại qua đời sau khi tắm lần đầu tiên? - Ảnh 2.

Cụ ông thích hút thuốc làm từ phân động vật khô - Ảnh: Getty


Song, dù thế nào đi chăng nữa thì các chuyên gia vẫn đưa ra lời cảnh báo, việc không tắm trong thời gian dài sẽ gây nên nhiều tác động xấu đến cơ thể như:

- Vi khuẩn xâm nhập: Cơ thể người có cả vi khuẩn tốt và vi khuẩn xấu. Trong đó, da chính là rào cản quan trọng để ngăn vi khuẩn có hại xâm nhập vào cơ thể.

Tiến sĩ Aishah Muhammad, một bác sĩ nhi khoa tại Ấn Độ cho biết chúng ta tiếp xúc với rất nhiều loại vi khuẩn trong ngày. Nếu không tắm, những vi khuẩn này lưu lại trên da, nguy hiểm nhất là gây ra nhiễm trùng da và ngực.

- Tăng khả năng bị ốm: Khi tắm, chúng ta rửa sạch những vi trùng gặp phải trong ngày, bao gồm cả những vi trùng có thể xâm nhập vào cơ thể qua mắt, miệng và mũi và gây bệnh. Việc không tắm khiến chúng ta tăng khả năng bị nhiễm các loại bệnh thường gặp như cảm lạnh, cảm cúm, đau mắt, viêm họng...

- Cơ thể bị biến đổi: Bên cạnh những tác động trực tiếp tới sức khỏe, việc không tắm lâu ngày còn khiến da bị khô do bụi bẩn tích tụ lại trên da và mồ hôi không được rửa sạch, tóc bị nhờn, nổi mụn trên khắp cơ thể, bốc mùi khó chịu do vi khuẩn trên da phân hủy mồ hôi thành axit...

Ở một số người, cơ thể cũng có thể biến đổi theo hướng thích nghi với việc không tắm, như chuyển đổi hệ miễn dịch và kháng lại một số căn bệnh. Đây có lẽ là điều đã xảy ra với Amou Haji, khi ông đã sống lâu như thế mà không cần tới một lần đi tắm.

Được biết, sau cái chết của Haji, kỷ lục người bẩn nhất thế giới còn sống có thể thuộc về một người đàn ông Ấn Độ, người cũng đã không tắm trong phần lớn cuộc đời.

Hindustan Times đưa tin Kailash “Kalau” Singh trú ở một ngôi làng bên ngoài thánh địa Varanasi, không tắm rửa trong hơn 30 năm nhằm giúp chấm dứt “mọi vấn đề mà quốc gia phải đối mặt”.

Ông từ chối dùng nước để ủng hộ cái mà ông gọi là “tắm lửa”.

“Mỗi buổi tối khi dân làng tụ tập, Kalau đốt lửa trại, hút cần sa và đứng bằng một chân để gửi lời cầu nguyện tới thần Shiva”, tờ báo viết.

Singh được cho là đã nói: “Cũng giống như dùng nước để tắm, tắm lửa giúp tiêu diệt tất cả vi khuẩn trong cơ thể ”.


Theo Nguyễn Phượng

Thể Thao Văn Hóa

Trở lên trên