Giới kinh doanh nói gì về đề xuất nhà nước phát voucher mua sắm cho người dân để kích cầu?
Các doanh nghiệp cho rằng cần có giải pháp kích cầu mạnh mẽ hơn để thúc đẩy tiêu dùng nội địa trong bối cảnh sức mua phục hồi chậm
- 03-10-2024Chủ tịch TPHCM thông tin về 2 chính sách quan trọng sắp triển khai
- 03-10-2024Livestream bán sản phẩm làng nghề trên TikTok
- 03-10-2024Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia
Tại buổi gặp giữa Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân ngày 4-10, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn TTC Huỳnh Bích Ngọc đã đề xuất Chính phủ có những chính sách để thúc đẩy hơn nữa lưu thông hàng hóa, kích cầu tiêu dùng.
Trong đó, xem xét việc cung cấp phiếu mua sắm (voucher) đến người dân, sử dụng trong thời hạn nhất định nhằm tập trung cân đối những mặt hàng cần kích cầu và nhu cầu thực tế của người dân, giúp hàng hóa được lưu thông, logisitcs và các dịch vụ đi kèm được phát triển, nhà nước thu được ngân sách…
Bà Ngọc dẫn ví dụ một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines đã lựa chọn chương trình hỗ trợ tiền mặt cho người dân tiêu dùng, hoặc Singapore cung cấp phiếu mua sắm với các chương trình hỗ trợ tài chính tương tự.
Những voucher này sẽ tập trung cân đối được những mặt hàng cần kích cầu và nhu cầu thực tế của người dân. Điều này giúp hàng hóa, dịch vụ được lưu thông, nhà nước thu được ngân sách, hệ sinh thái logistic và các dịch vụ đi kèm được phát triển…
Ngoài ra, biện pháp này cũng như một giải pháp thêm vào các chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân, vì bản thân phiếu voucher chính là cách giảm thuế thu nhập cá nhân.
Đề xuất trên nhận được sự đồng tình của nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, phân phối và cả chuyên gia kinh tế. Tiêu dùng nội địa đang là 1 trong 3 trụ cột của tăng trưởng kinh tế. Từ sau dịch COVID-19, Chính phủ, bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp liên tục đẩy mạnh các chính sách và giải pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Các ý kiến cho rằng tổng mức bán lẻ hàng hóa trên thị trường cả nước có tăng, cầu thị trường được cải thiện nhưng chưa bền vững. Do đó, cần có chính sách kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn nữa.
Ông Nguyễn Lê Thái Hòa, Giám đốc Công ty TNHH TM Hòa Mai, cho biết trước giờ, trong những dịp đặc biệt như lễ, Tết…, một số tổ chức, doanh nghiệp ở TP HCM đã triển khai phát voucher cho người dân mua sắm tại các hội chợ, ngày hội mua sắm. Chương trình "siêu thị 0 đồng" của Hội Nữ doanh nhân TP HCM khởi xướng cũng phát voucher cho cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Trong các chương trình này, doanh nghiệp bán hàng thường nhận thanh toán bằng voucher, đến cuối chương trình sẽ mang voucher đến ban tổ chức đổi lấy tiền mặt.
"Nếu có 1 chương trình phát voucher cho toàn dân mua sắm để kích cầu thì trước tiên, cần tính toán cách quản lý, tổ chức thực hiện thế nào cho hiệu quả. Cũng cần quy định rõ là voucher đó chỉ được dùng để mua những sản phẩm hàng Việt, sản xuất tại Việt Nam, để qua đó thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm hàng Việt"- ông Hòa nêu quan điểm.
Ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing hệ thống siêu thị MM Mega Market (thuộc Thái Lan), cho hay Chính phủ Thái Lan có chính sách tặng 275 USD cho công dân 16 tuổi trở lên, có thu nhập thấp mua sắm.
"Chương trình của họ triển khai qua ví điện tử, không áp dụng đối với thuốc lá và đồ uống có cồn. Việt Nam cũng có thể làm tương tự và giới hạn thời gian sử dụng voucher trong 6 tháng, chắc chắn sẽ kích cầu hiệu quả" - ông Khôi nhìn nhận.
Theo ông Khôi, trong chương trình bán hàng lưu động do Sở Công Thương TP HCM phối hợp tổ chức mới đây, một số quận - huyện cũng đã phát voucher cho người dân có hoàn cảnh khó khăn đi mua sắm. Kết quả là ngoài số tiền được tặng trong voucher, hầu hết người tiêu dùng đã chi thêm tiền túi để mua các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được các doanh nghiệp bán giảm giá. Người tiêu dùng hài lòng vì được hỗ trợ mua sắm hàng hóa chất lượng, giá rẻ; doanh nghiệp cũng phấn khởi vì quảng bá thuơng hiệu, bán hàng hiệu quả.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) - đề xuất nên xác định những ngành cụ thể để kích cầu một cách hiệu quả.
"Quan trọng nhất là cần tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động thông qua các chính sách về thuế, tài khóa, cải cách thủ tục hành chánh. Sức khỏe doanh nghiệp ổn thì sức khỏe nền kinh tế sẽ ổn, đời sống người dân cũng sẽ ổn và tiêu dùng xã hội sẽ gia tăng trở lại " - ông Đức nhấn mạnh.
Người lao động