Giới nhà giàu vẫn mê bất động sản bất chấp dịch bệnh
Ông Nguyễn Tuấn, Chủ tịch Công ty CPTM Địa ốc 5 Sao, chia sẻ về đầu tư bất động sản thời dịch bệnh.
Trong bối cảnh dịch bệnh và kinh tế khó khăn, giới đầu tư bất động sản có chùn tay hay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Tuấn: Không thể phủ nhận dịch bệnh đang khiến nhu cầu đầu tư bất động sản giảm mạnh. Từ đầu năm đến nay, nguồn cung và thanh khoản sụt giảm rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp địa ốc, đặc biệt là các sàn môi giới đang gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, dù thị trường bất động sản chung trầm lắng, nhu cầu đầu tư luôn hiện hữu. Song, khác với thời điểm bất động sản phát triển, khách hàng hiện nay khắt khe hơn trong việc lựa chọn sản phẩm đầu tư.
Nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến các bất động sản “thực”. Yếu tố thực tôi đang muốn nói đến là chất lượng dự án. Dự án đó phải có vị trí đẹp, chủ đầu tư uy tín, pháp lý đảm bảo minh bạch, đơn vị quản lý vận hành có thương hiệu mới có thể hấp dẫn khách hàng.
Chỉ cần đáp ứng đủ các yếu tố này, dự án bất động sản dù ở bất kỳ phân khúc nào, để ở hay đầu tư, cho thuê, chắc chắn sẽ đều có thanh khoản.
Nếu thị trường vẫn còn yếu tố tích cực như vậy, tại sao nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn kêu khó khăn?
Ông Nguyễn Tuấn: Trong khó khăn vẫn luôn có cơ hội, song cơ hội đó không chia đều cho tất cả mọi người. Điều quan trọng đối với các doanh nghiệp là trong mọi giai đoạn, dù thị trường đi lên hay đi xuống, đều nhìn thấy cơ hội để phát triển.
Ví dụ, chúng tôi cũng phải "giật mình" khi số lượng khách hàng tiếp cận chiến dịch tiếp thị bán các dự án bất động sản của Địa ốc 5 Sao trong thời gian dịch bệnh vừa qua lên đến 500-600 nghìn lượt mỗi tháng. Điều này chứng tỏ khách hàng vẫn rất quan tâm đến đầu tư bất động sản.
Nhưng quan trọng hơn, khi cách ly xã hội, phần lớn người dân đều ở nhà, thời gian rảnh họ ở trên mạng xã hội, internet rất nhiều. Đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn qua các kênh truyền thông.
Mặt khác, nếu như khi thị trường bất động sản sôi động, hàng trăm dự án xuất hiện chào bán, doanh nghiệp phải cạnh tranh mạnh mẽ về sản phẩm, thương hiệu với các doanh nghiệp khác để bán được hàng, thì khi thị trường khó khăn, chỉ có một số ít dự án xuất hiện, sự quan tâm của khách hàng dành cho doanh nghiệp sẽ nhiều hơn. Việc nhận diện thương hiệu và truyền thông cho dự án bất động sản sẽ hiệu quả hơn.
Đó chính là cơ hội cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.
Bên cạnh đó, để doanh nghiệp bất động sản có thể bán được hàng thì bắt buộc sản phẩm mà đơn vị đó phân phối phải có chất lượng tốt. Doanh nghiệp phải đặt mình vào vị trí của khách hàng để nghiên cứu xem với sản phẩm bất động sản đó, mình có thể đầu tư được không. Từ đó, lọc thật kỹ các sản phẩm để bán cho khách hàng, không bán cho khách hàng sản phẩm kém chất lượng.
Nếu không khắt khe trong khâu lựa chọn sản phẩm, các sàn giao dịch sẽ không có thanh khoản dẫn đến phải tạm dừng hoạt động, thậm chí phá sản là điều tất yếu.
Việc 800 sàn giao dịch đóng cửa do dịch bệnh chưa chắc là tín hiệu tiêu cực. Nguyên nhân là do khi thị trường sôi động, sàn giao dịch mọc lên như nấm, nhiều sàn môi giới nhỏ làm ăn chụp giật, thiếu chuyên nghiệp, gây rủi ro cho nhà đầu tư.
Chính vì vậy, ở khía cạnh nào đó, việc hàng loạt sàn giao dịch phải đóng cửa lại là điều tích cực với thị trường bất động sản, giúp làm minh bạch thị trường.
Giới nhà giàu vẫn đang săn lùng đầu tư bất động sản
Còn việc dịch bệnh khiến kinh tế suy thoái, tài chính của khách hàng bị thu hẹp, ông có cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư bất động sản của họ?
Ông Nguyễn Tuấn: Đúng là khi kinh tế khó khăn, người dân sẽ tiết kiệm hơn, chặt chẽ hơn trong chi tiêu. Các hoạt động mua bất động sản để ở hoặc đầu tư sẽ bị hạn chế.
Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra đối với những khách hàng bình dân và trung lưu, còn đối với các khách hàng giàu có, nền kinh tế càng khó khăn, họ sẽ càng có xu hướng săn lùng bất động sản để đầu tư nhiều hơn.
Tại sao lại như vậy, thưa ông?
Ông Nguyễn Tuấn: Những khách hàng thượng lưu thường có nguồn tài chính rất mạnh và ổn định. Họ không chịu nhiều tác động từ sự suy giảm kinh tế như người bình dân và trung lưu. Do đó, họ sẽ đầu tư bất động sản bất cứ khi nào phù hợp.
Trong thời điểm thị trường hiện nay, có hai yếu tố khiến người giàu mua nhiều bất động sản. Thứ nhất, họ muốn tìm đến bất động sản như một kênh tích trữ tài sản giá trị vì lo ngại khủng hoảng.
Kinh tế khó khăn, đồng tiền có nguy cơ bị mất giá thì bất động sản chính là kênh đầu tư hiệu quả. Bất động sản mang đến cơ hội cho các nhà đầu tư, làm gia tăng tài sản của họ nhiều hơn nữa nhờ khả năng sinh lợi.
Thứ hai, giá bất động sản hiện đang ở mức hợp lý hơn do chính sách kích cầu của các chủ đầu tư, sàn giao dịch để đẩy thanh khoản. Lúc này, các nhà đầu tư sẽ chạm được mức giá có lợi nhất cho họ mà với điều kiện thị trường bình thường, sẽ rất khó tiếp cận được.
Chính vì những yếu tố có lợi như vậy nên dù thị trường có khó khăn hay không họ vẫn xuống tiền đầu tư, thậm chí còn mua nhiều hơn trước.
Bất động sản nghỉ dưỡng sở hữu có thời hạn sẽ khó được chấp nhận
Vậy các khách hàng thượng lưu họ đang quan tâm đến các sản phẩm bất động sản nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tuấn: Các nhóm khách hàng thượng lưu đang quan tâm nhiều tới sản phẩm đầu tư cao cấp có khả năng sinh lời cao. Các sản phẩm này thường là các bất động sản đầu tư gắn với yếu tố du lịch như bất động sản nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng, biệt thự biển, shophouse trong các khu du lịch.
Trong thời gian vừa qua, du lịch của Việt Nam rất phát triển. Đây chính là yếu tố cộng hưởng cho khả năng tăng giá và gia tăng lợi nhuận từ việc đầu tư các sản phẩm bất động sản này.
Ông đang nói đến các bất động sản nghỉ dưỡng, thời gian vừa qua, các sản phẩm này đang gặp vướng mắc rất lớn liên quan đến pháp lý và cam kết lợi nhuận khiến nhiều dự án không có thanh khoản. Vậy các bất động sản nghỉ dưỡng được giới nhà giàu săn lùng có gì khác biệt?
Ông Nguyễn Tuấn: Các dự án nghỉ dưỡng không có thanh khoản, bị khách hàng trên thị trường quay lưng chủ yếu là do năng lực chủ đầu tư yếu, đơn vị vận hành không có tên tuổi, uy tín trên thị trường.
Mặt khác, một yếu tố rất quan trọng đối với các sản phẩm nghỉ dưỡng là yếu tố pháp lý. Hiện phần lớn các dự án nghỉ dưỡng trên thị trường hiện nay đều chỉ là sở hữu có thời hạn. Những dự án như vậy sẽ rất khó được khách hàng chấp nhận.
Trong khi đó, bất động sản nghỉ dưỡng có sổ đỏ lâu dài mới là các sản phẩm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Tất nhiên, các sản phẩm tốt thì mức giá không thể rẻ.
Về vấn đề cam kết lợi nhuận , đây đã là câu chuyện của quá khứ vài năm trước. Khi đó, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn là các sản phẩm "chân ướt chân ráo" vào thị trường nên để tạo xu hướng đầu tư mới, các chủ đầu tư đã đưa ra chính sách cam kết lợi nhuận để hấp dẫn khách hàng.
Tuy nhiên, ở hiện nay, khi khách hàng đã hiểu về thị trường nghỉ dưỡng và ngành du lịch đã chứng minh được công suất phòng rất tốt, khách hàng không cần yếu tố cam kết lợi nhuận nữa.
Đặc biệt, sau Covid-19, khách hàng càng ngấm câu chuyện cam kết lợi nhuận của chủ đầu tư, họ sẽ phân biệt được chủ đầu tư nào thực sự phát triển dự án và chủ đầu tư nào chỉ "vẽ" ra cam kết để lôi kéo khách hàng.
Do đó, xu hướng trên thị trường bất động sản hiện nay và trong thời gian tới sẽ là chia sẻ lợi nhuận. Dự án nghỉ dưỡng chỉ cần có chất lượng tốt, chuẩn pháp lý, chủ đầu tư, đơn vị vận hành uy tín và chính sách chia sẻ lợi nhuận minh bạch, tất yếu sẽ được các nhà đầu tư quan tâm.
Hiện nay, trên thế giới mô hình chia sẻ lợi nhuận tại các dự án bất động sản nghỉ dưỡng cũng đang rất phát triển. Đó mới là bản chất của bất động sản nghỉ dưỡng chứ không phải là cam kết lợi nhuận như thời gian vừa qua.
Ông dự báo như thế nào về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Tuấn: Thị trường năm 2020 sẽ chắc chắn sẽ khó khăn. Song vẫn có những phân khúc bất động sản phát triển được. Quan trọng nhất là đó phải là các sản phẩm đầu tư tốt, chất lượng.
Đặc biệt sau dịch bệnh, người dân sẽ quan tâm nhiều hơn đến chất lượng cuộc sống, nhu cầu về bất động sản thứ hai, ngôi nhà thứ hai để thư giãn, giải trí sẽ tăng mạnh. Đây sẽ là cơ hội rất lớn của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Du lịch trong thời gian tới sẽ thiên về du lịch ngoại ô, du lịch núi rừng, chứ không hạn hẹp chỉ là du lịch biển như trước đây. Bên cạnh đó, các bất động sản nghỉ dưỡng "hot" sẽ là các sản phẩm có thiết kế đẹp, lạ, thiên về các sản phẩm gắn liền với đất và có mức giá vừa với túi tiền hơn, khoảng dưới 10 tỷ đồng.
Xin cảm ơn ông!
TheLEADER