Giới phân tích Phố Wall chia sẻ chiến thuật phòng hộ giữa căng thẳng Nga – Ukraine
Dow Jones ngày 17/2 có phiên tệ nhất kể từ đầu năm 2022 do nhà đầu tư lo lắng liên quan tình hình Ukraine.
Thị trường toàn cầu vừa có một tuần biến động với Dow Jones của Phố Wall ngày 17/2 có phiên tệ nhất kể từ đầu năm, nhà đầu tư tiếp tục lo ngại về căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 17/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi khẩn cấp “ngăn một cuộc tấn công từ Nga”, sau khi các lãnh đạo phương Tây hoài nghi tuyên bố bắt đầu rút quân của Nga và Ukraine cáo buộc phe ly khai ủng hộ Nga ở miền đông nã pháo vào một ngôi làng dân sự.
Áp lực bán phần nào hạ nhiệt trong sáng 18/2, nhờ kỳ vọng cuộc gặp giữa Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuần tới có thể mang lại giải pháp ngoại giao cho tình hình hiện tại. Nhưng vẫn còn nhiều rủi ro, với các lãnh đạo phương Tây và NATO thận trọng trước các tuyên bố của Nga và Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Nga có thể đang dùng chiến lược “đánh lạc hướng”.
Nhiều loại tài sản đã bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị, bao gồm dầu và khí đốt, lúa mỳ, ruble Nga, hay vàng, trái phiếu chính phủ, yên Nhật Bản và franc Thụy Sĩ.
Binh sĩ quân đội Ukraine tham gia tập trận ở vùng Rivne, Ukraine, ngày 16/2. Ảnh: Reuters.
Philipp Lisibach, giám đốc chiến lược toàn cầu tại Credit Suisse, hồi đầu tuần nói mọi dấu hiệu xác nhận căng thẳng hạ nhiệt sẽ là lực đẩy cho tài sản rủi ro sau một giai đoạn bất ổn và biến động vừa qua.
“Nếu chúng ta có một giải pháp cho vấn đề địa chính trị đang đối mặt, tôi có thể tưởng tượng nền kinh tế toàn cầu thở phào, các tài sản rủi ro phục hồi…”.
‘Phòng hộ địa chính trị nói chung’
Do có thể có nhiều kết cục cho tình trạng đối đầu hiện tại, nhà đầu tư không muốn vẽ ra một kịch bản cơ sở, thay vào đó chọn phòng hộ danh mục đầu tư nhằm giảm thiểu tác động từ trường hợp Nga tấn công Ukraine, đồng thời tranh thủ một số vị thế cho trường hợp giảm leo thang.
“Chúng tôi hiếm khi tính đến yếu tố địa chính trị bởi rất khó đoán. Chúng tôi có sự phòng hộ nhất định với yếu tố địa chính trị trong danh mục đầu tư, chủ yếu là vàng, và tùy theo nguồn cơn rủi ro, có thể thêm dầu, trái phiếu chính phủ…”, theo Anthony Rayner, nhà quản lý đa tài sản tại Premier Miton Investors.
Bhanu Baweja, giám đốc chiến lược tại UBS Investment Bank, hồi đầu tuần cho rằng ngoài năng lượng và các tài sản liên quan Nga, thị trường vẫn chưa thực sự tính vào giá yếu tố rủi ro.
“Chúng ta chứng khiến thị trường cổ phiếu đi xuống một chút nhưng nếu nhìn vào lĩnh vực tiêu dùng dài hạn - đây là lĩnh vực chắc chắn bị ảnh hưởng nếu tăng trưởng yếu và lạm phát cao - ở châu Âu đang diễn biến tốt hơn nhiều so với ở Mỹ”, ông nói.
Baweja bổ sung rằng trái phiếu lợi suất cao tại Mỹ cũng diễn biến kém hơn so với của châu Âu, euro cũng tương đối ổn định.
Các thị trường đang theo “sổ tay năm 2014”, Baweja đánh giá, nhắc đến thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ và phải chịu hàng loạt lệnh trừng phạt sau đó.
“Trong giai đoạn này, chuyện thực sự xảy ra là thị trường ngoại hối Trung – Đông Âu (CEE) bị ảnh hưởng, giá dầu tăng một chút sau đó giảm, thị trường chứng khoán không biến động nhiều nên đó là sự kiện khá mang tính địa phương”, Baweja nói hôm 15/2.
“Lần này tình hình có vẻ nghiêm trọng hơn nhưng tôi không nghĩ nhà đầu tư muốn thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của họ và dường như tìm cách phòng hộ hơn là thay đổi danh mục đầu tư cốt lõi”.
Về phòng hộ, Baweja gợi ý rằng với biến động cao trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu do những kỳ vọng về hành động từ Fed sắp tới, nhà đầu tư nên tìm đến các thị trường ngoại hối, nơi biến động còn tương đối thấp.
“Tương tự như năm 2014, tôi sẽ xem xét thị trường ngoại hối CEE, như zloty Ba Lan, koruna Czech, để phòng hộ. Các tài sản liên quan Nga và năng lượng đã tính vào giá nhiều rủi ro, do đó, trong trường hợp tình hình cải thiện, bạn sẽ không thấy thị trường cổ phiếu toàn cầu phục hồi mạnh, thay vào đó là các tài sản liên quan Nga tăng, giá năng lượng giảm”.
Nếu tình hình leo thang, Baweja gợi ý phòng hộ qua ngoại hối hơn là mua cổ phiếu phòng thủ hoặc ưu tiên tài sản ở Mỹ hơn châu Âu.
NDH