MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giới siêu giàu dùng ngân hàng: Chọn dịch vụ "trên trời", hưởng đặc quyền xa xỉ nhưng vẫn phải "tiền đẻ ra tiền"

23-09-2021 - 11:16 AM | Sống

Giới siêu giàu dùng ngân hàng: Chọn dịch vụ "trên trời", hưởng đặc quyền xa xỉ nhưng vẫn phải "tiền đẻ ra tiền"

Người thuộc giới siêu giàu sử dụng cùng một ngân hàng với bạn không có nghĩa là cả hai đang giao dịch theo cùng một cách.

Trong lĩnh vực ngân hàng, cũng giống như trong cuộc sống bình thường vậy, việc bạn sở hữu khối tài sản khủng sẽ mang đến cho bạn những đặc quyền riêng mà không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm.

Bản thân ngân hàng luôn muốn hợp tác kinh doanh với các cá nhân có giá trị ròng cao - gọi nôm na là giới giàu và siêu giàu, chính vì thế mà những khách hàng này sẽ không phải chờ đợi việc được thực hiện các dịch vụ như người khác, và đương nhiên, cũng hiếm khi phải đứng trong diện thăm dò ý kiến chung chung. Thay vào đó, giới siêu giàu sẽ nhận được những ưu đãi riêng biệt, nghe thôi cũng thấy hấp dẫn.

Trong lúc đang ngồi và mơ mộng ngày trở thành triệu phú/ tỷ phú, hay đơn giản là "mượn" một vài chiến lược làm giàu của họ thì đây, bạn có thể tham khảo trước một số thói quen ngân hàng của giới giàu và siêu giàu, để xem họ khác gì nhé!

1. Họ thường gắn bó với các ngân hàng tên tuổi

Giới siêu giàu có xu hướng lựa chọn các ngân hàng lớn và tên tuổi nhất, trong khi mọi người đơn giản là lựa chọn ngân hàng phù hợp với nhu cầu. Ngay cả khi bạn cũng lựa chọn ngân hàng như họ thì xin thứ lỗi, cách họ hợp tác với các tổ chức ngân hàng vẫn có sự khác biệt, điều này chúng ta sẽ khám phá trong phần tiếp theo.

Giới siêu giàu dùng ngân hàng: Chọn dịch vụ trên trời, hưởng đặc quyền xa xỉ nhưng vẫn phải tiền đẻ ra tiền - Ảnh 1.

Vậy tại giới siêu giàu lại bỏ qua các ngân hàng nhỏ hơn? Nói ngắn gọn, đáp án xoay quanh một vài khía cạnh chính là khả năng tiếp cận, công nghệ và tài nguyên.

Khả năng tiếp cận là mối quan tâm chính của nhiều khách hàng giàu có, vì họ thường phải di chuyển rất nhiều. Một ngân hàng với nhiều chi nhánh đặt ở nhiều địa điểm chắc chắn là một sự lựa chọn đáng cân nhắc hơn các ngân hàng chỉ phục vụ trong một khu vực cụ thể. Và trong khi các hiệp hội tín dụng và ngân hàng cộng đồng ngày càng có xu hướng công nghệ hóa mọi thứ thì các ngân hàng lớn sẽ có khả năng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tối tân hơn, hiện đại hơn và sáng tạo hơn. Cuối cùng, một ngân hàng lớn với vốn lưu động khổng lồ chắc chắn sẽ đem đến những cơ hội đầu tư và nguồn lực phát triển hơn một ngân hàng quy mô nhỏ hẹp.

2. Họ tìm kiếm các dịch vụ ngân hàng cá nhân tốt nhất

Người thuộc giới siêu giàu sử dụng cùng một ngân hàng với bạn không có nghĩa là hai bạn đang giao dịch theo cùng một cách. Ví dụ đơn giản, khi một người sở hữu khối tài sản 5 triệu đô la, họ sẽ không đến ngân hàng và yêu cầu mở một tài khoản thông thường. Bởi nếu làm vậy, họ có thể sẽ bỏ lỡ hàng loạt lợi ích có giá trị liên quan đến các dịch vụ ngân hàng cá nhân (private bank). Việc tìm kiếm một giám đốc tư vấn quản lý tài sản riêng hay một cố vấn tài chính sẽ ý nghĩa hơn nhiều so với việc chỉ tích trữ một số tiền lớn trong ngân hàng.

Sự khác biệt đáng chú ý nhất giữa ngân hàng cá nhân và ngân hàng truyền thống là dịch vụ cá nhân hóa cao đi kèm với ngân hàng cá nhân. Thay vì mỗi lần giao dịch, bạn lại làm việc với một giao dịch viên khác nhau thì nay, sẽ có một, thậm chí một nhóm nhân viên ngân hàng chuyên dụng, thậm chí là một nhóm nhân viên ngân hàng chuyên phụ trách giúp đỡ bạn về các dịch vụ liên quan đến tài khoản nói riêng và bức tranh tài chính nói chung của bạn. (Các) chuyên viên này sẽ điều chỉnh các dịch vụ của họ để phù hợp với nhu cầu và mong muốn của bạn, thay vì yêu cầu bạn chạy theo họ.

Tuy nhiên, để có thể thỏa mãn điều kiện nằm trong danh sách phục vụ của ngân hàng cá nhân, thường phía ngân hàng sẽ yêu cầu bạn có số dư tối thiểu không nhỏ chút nào. Lấy ví dụ ở Mỹ đi, một ngân hàng tầm trung tại đây yêu cầu khách hàng có số dư ít nhất là 50.000 đô la để mở dịch vụ ngân hàng cá nhân. Một vài ngân hàng thậm chí còn đặt mức tối thiểu là 500.000 - 1 triệu đô la. Đây là lý do tại sao các dịch vụ ngân hàng cá nhân thường được dành cho giới siêu giàu.

Một số ngân hàng nổi tiếng thế giới chuyên cung cấp dịch vụ ngân hàng cá nhân có thể kể đến UBS của Thụy Sĩ, Morgan Stanley, Merrill Lynch và Wells Fargo của Mỹ. Tại Việt Nam, một vài ngân hàng lớn những năm gần đây cũng bắt đầu triển khai dịch vụ đặc biệt này, tiểu biểu nhất phải kể đến MB.

Theo tìm hiểu, khách hàng thuộc nhóm đối tượng mà MB hướng đến này phải có tài sản trị giá từ một triệu USD trở lên (tương đương hơn 23 tỷ đồng). Những khách hàng siêu giàu này được phục vụ trọn gói các dịch vụ ngân hàng, giải pháp về đầu tư, bảo hiểm, tín dụng; được hỗ trợ hoạch định tài sản... Bên cạnh đó, nhóm khách hàng còn có thể tiếp cận các dịch vụ chuẩn quốc tế thông qua mạng lưới đối tác hàng đầu thế giới ở nhiều lĩnh vực, bao gồm các dịch vụ như bác sĩ gia đình, hỗ trợ tiện ích cá nhân và phong cách sống, dịch vụ tư vấn định cư di trú, chuyển giao thừa kế tài sản và lập kế hoạch tài chính, dịch vụ quản trị gia đình...

Ngoài MB thì VPBank hay Techcombank cũng cung cấp một số dịch vụ tương đương ngân hàng cá nhân dẫu chưa thực sự hoàn thiện. Theo đó, Techcombank đưa ra điều kiện tối thiểu là các khách hàng cần duy trì số dư tiền gửi bình quân trong 3 tháng liên tiếp từ 5 tỷ đồng trở lên. Với VPBank, ở hạng cao nhất là Diamond Elite, khách hàng được tham gia dịch vụ ngân hàng cá nhân phải có tổng tài sản bình quân tháng từ 5 tỷ đồng trở lên (ngoại tệ quy đổi tương đương), hoặc khách hàng có số dư trên tài khoản thanh toán bình quân tháng từ 500 triệu đồng trở lên (ngoại tệ quy đổi tương đương). Đương nhiên, đặc quyền họ nhận được cũng không thua kém chút nào với chuyên viên quan hệ khách hàng riêng, được ưu tiên thời gian phục vụ, có dịch vụ phòng chờ tại sân bay...

3. Họ không bỏ lỡ cơ hội phát triển sự giàu có của mình

Nhiều nhà đầu tư giàu có hiểu rằng họ cần đầu tư thông minh để vừa giữ được tài sản vừa tăng giá trị cho chúng. Một báo cáo gần đây cho thấy trong số các cá nhân có giá trị ròng từ 100.000 đến 25 triệu đô la, chỉ có 13% tài sản của họ là tiền mặt hoặc các khoản đầu tư thanh khoản trong khi gần 60% tài sản của họ là cổ phiếu. Điều đó có nghĩa là trong khi những người giàu đang gửi một số tiền lớn vào tài khoản séc và tài khoản tiết kiệm của họ, họ vẫn đang đầu tư phần lớn tài sản của mình vào thị trường.

Tất nhiên thỉnh thoảng cũng có những tình huống trái ngược. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy các nhà đầu tư Mỹ điển hình lại ưa chuộng việc giữ khoảng 65% tài sản của mình bằng tiền mặt và chỉ đầu tư 18% bằng cổ phiếu. Họ không cần bạn dạy đầu tư bởi ở vị thế của mình, giới siêu giàu sẽ không bao giờ để tài sản của họ bị hao mòn trong các tài khoản kiếm được lợi nhuận thấp, trừ một vài trường hợp bất khả kháng. Có nghĩa là họ vẫn đang kiếm thêm nhờ khoản tiền trong ngân hàng, thậm chí kiếm khá - và điều đó đồng nghĩa với việc họ cũng đang đầu tư - một hình thức đầu tư an toàn hơn.

Giới siêu giàu dùng ngân hàng: Chọn dịch vụ trên trời, hưởng đặc quyền xa xỉ nhưng vẫn phải tiền đẻ ra tiền - Ảnh 2.

Suy cho cùng thì tất cả chúng ta đều cần giữ một khoản tiền tiết kiệm nhất định để giải quyết các chi tiêu hàng ngày, và đối với những người thực sự giàu có, 13% tài sản của họ đã đồng nghĩa với rất rất rất nhiều tiền mặt trong tay rồi! Còn với người bình thường như chúng ta, số tiền chúng ta cần cho các chi tiêu thường xuyên lại chiếm tỷ lệ đáng kể tổng tài sản mà chúng ta sở hữu.

Kết

Khi bạn có hàng triệu đô la trong ngân hàng, bạn sẽ có quyền đưa ra các quyết định khác nhau khi giao dịch ngân hàng và đầu tư. Giới siêu giàu thích lựa chọn các ngân hàng lớn và các tổ chức ngân hàng cá nhân. Họ cũng có xu hướng đổ tiền vào các phương tiện đầu tư rủi to hơn bởi bằng cách đó, họ sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng được khối tài sản của mình.

Nguồn: Smartasset Tổng hợp

Ảnh: Tổng hợp

Theo Vikendi

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên