MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giới trẻ ngày càng ủng hộ trào lưu 'nằm yên mặc kệ sự đời', Trung Quốc lo sốt vó 'giấc mộng Trung Hoa' đổ bể

25-10-2021 - 17:52 PM | Tài chính quốc tế

Giới trẻ ngày càng ủng hộ trào lưu 'nằm yên mặc kệ sự đời', Trung Quốc lo sốt vó 'giấc mộng Trung Hoa' đổ bể

Dù làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày 1 tuần nhưng người trẻ Trung Quốc vẫn không đủ tiền mua nhà, không có được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Do đó, ngày càng nhiều người mất động lực để cố gắng.

"Tang ping" – nằm yên, mặc kệ sự đời đang là cách sống của nhiều người trẻ Trung Quốc. Trong nhiều tháng qua, những bình luận về "tang ping" đã tràn ngập các trang mạng xã hội của Trung Quốc, khiến Chủ tịch Tập Cận Bình phải đích thân lên tiếng.

Trên trang tạp chí của nhà nước – Qiushi, ông Tập cho biết: "Điều cần thiết là ngăn chặn sự trì trệ của thế hệ này, tạo cơ hội cho nhiều người trẻ có cơ hội làm giàu hơn và hình thành một môi trường tốt hơn để mọi người có thể tham gia, cùng với đó là tránh tình trạng ‘nằm yên, mặc kệ sự đời’."

"Nằm yên, mặc kệ sự đời" là gì?

Cụm từ này được dùng để miêu tả trạng thái con người chỉ làm những việc tối thiểu để sống qua ngày. Họ không phấn đấu tiến xa hơn, chỉ thực hiện những mục tiêu cơ bản. Quan điểm này trái ngược với mục tiêu trở thành một cá nhân nhiệt huyết đối với xã hội. Thay vì nỗ lực học tập chăm chỉ, mua nhà hay lập gia đình, một bộ phận của xã hội Trung Quốc lựa chọn bỏ qua những mục tiêu đó.

Một số người nhận định quan điểm này đi ngược lại chủ nghĩa duy vật, một số khác nghi ngờ đây chỉ đơn giản là sự lười biếng. Trong khi đó, nhiều người cho rằng thái độ chống đối như vậy là kết quả tất yếu khi mọi người đã quá mệt mỏi với áp lực, cạnh tranh của cuộc sống hàng ngày, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ.

Nguồn gốc của khái niệm "nằm yên, mặc kệ sự đời"

Không như nhiều từ thông dụng trước đó, "tang ping" không phải đại diện cho xu hướng mới. Tuy nhiên, một bài đăng về chủ đề này trở nên "viral" vào tháng 4/2021, thu hút sự chú ý lớn của nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ ở Trung Quốc.

Trên Baidu, một người đàn ông khoảng 20 tuổi – Luo Huazhong, đã viết về việc anh lựa chọn lối sống tối giản này trong 2 năm. Người dùng này cho biết: "Cuộc sống của tôi đơn giản chỉ là nằm yên."

Luo giải thích rằng, anh lựa chọn cuộc sống không áp lực, ít đam mê về vật chất, không cần cố gắng để có một việc làm ổn định khi sống cùng bố mẹ ở Chiết Giang. Anh đã tìm được một công việc hoàn hảo cho bản thân, đó là đóng vai xác chết trong các bộ phim.

Luo đăng tải hình ảnh mình đang nằm, mặc trang phục thích khách trong một bộ phim cổ trang. Anh nói: "Khi nằm yên, không có nghĩa là tôi chỉ như vậy và không làm bất cứ điều gì. ‘Nằm yên’ là một khái niệm trong tâm trí của tôi, đó là khi tôi cảm thấy mình không cần giành nhiều sự quan tâm và sức lực cho nhiều thứ."

Tại sao nhiều người trẻ Trung Quốc đồng tình với quan điểm này?

Trước đây, nhiều người trẻ Trung Quốc cũng chia sẻ câu chuyện tương tự như Luo. Một nhóm lao động nhập cư tự gọi mình là "đại thần Tam Hà" từng chia sẻ họ đi lang thang trong khu Tam Hà thuộc quận Long Hoa của Thâm Quyến. Họ cảm thấy mệt mỏi khi phải làm việc nhiều giờ trong nhà máy với mức lương ít ỏi. Nhóm này chỉ nhận những công việc tạm bợ và nhận tiền cho 1 ngày làm việc.

Phương châm sống của nhóm này là "với 1 ngày lương, bạn có thể ăn chơi trong 3 ngày". Họ ngủ ở các công viên công cộng, ăn mì gói và chơi ở các quán internet đến khi hết tiền. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã can thiệp và câu chuyện của họ không còn được chia sẻ rộng rãi.

Trong thời đại internet phát triển, các trang mạng xã hội có vô số những bài đăng với nội dung phàn nàn về khó khăn trong việc cạnh tranh do công việc, cuộc sống. Theo SCMP, khái niệm "tang ping" trở nên nổi tiếng vì nó khuyến khích mọi người không hành động gì, chỉ ngồi im.

Luo cho biết: "Vì chúng ta chưa từng có tư tưởng đề cao tính chủ quan của con người, nên tôi sẽ tự tạo ra nó. Nằm yên chính là hành động khôn ngoan đối với tôi."

Quan điểm này đã có sức ảnh hưởng đến người lao động trẻ Trung Quốc. Nhóm này vốn chán nản, thất vọng vì chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nền kinh tế suy thoái, căng thẳng thương mại với phương tây và đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, lao động trẻ Trung Quốc cũng mệt mỏi sau nhiều năm phải trải qua văn hóa làm việc "996" khiến họ cạn kiệt sức lực. Dù làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày 1 tuần nhưng họ vẫn không đủ tiền mua nhà, không có được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Do đó, ngày càng nhiều người mất động lực để cố gắng.

Rủi ro của quan điểm "nằm yên" đối với "giấc mộng Trung Hoa"

Từ những nhân viên văn phòng ở các thành phố lớn cho đến sinh viên đại học, rất nhiều người trẻ Trung Quốc đã tự gọi mình là "thế hệ trẻ nằm yên" trên các trang mạng xã hội. Thậm chí, những chiếc áo phông in logo "Thế hệ trẻ nằm yên, không làm gì" cũng bán rất chạy. Giới chức Trung Quốc đang nỗ lực kiểm soát trào lưu này, họ lo ngại rằng tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và xã hội.

Theo các nhà kinh tế và bình luận xã hội, về lâu dài, việc "nằm yên, mặc kệ sự đời" sẽ không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động tiêu dùng hay tăng trưởng kinh tế, mà còn tác động đến tỷ lệ sinh vốn đã giảm mạnh ở Trung Quốc. Các nhà tâm lý học và bác sĩ cũng cảnh báo việc người trẻ lâu ngày không vận động sẽ làm tăng nguy cơ mắc các chứng rối loạn thể chất và tinh thần, bao gồm bệnh tim và trầm cảm.

Tiến sĩ Gavin Sin Hin Chiu, cựu phó giáo sư ở Đại học Thâm Quyến, nhận định rằng việc giới chức Trung Quốc tỏ ra lo ngại là điều không khó hiểu. Ông cho hay: "Nếu việc này trở nên phổ biến, kỳ vọng của người trẻ về việc tăng thu nhập, tiêu dùng, kết hôn và sinh con sẽ bị ảnh hưởng. Điều này sẽ gây bất lợi cho mục tiêu tránh bẫy thu nhập trung bình của Trung Quốc, khi tăng trưởng và thu nhập đã suy giảm."

Kinh tế Trung Quốc đã ghi nhận sự hồi phục ấn tượng sau đại dịch, nhưng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như những rắc rối của thị trường bất động sản, khủng hoảng năng lượng, tâm lý tiêu dùng đi xuống và chi phí nguyên vật liệu tăng cao.

Trong nỗ lực giải quyết những vấn đề hiện có, ông Tập đã bổ sung chi tiết cho mục tiêu "thịnh vượng chung" và cho biết đã đến lúc Trung Quốc phải thúc đẩy mục tiêu là mọi công dân đều có cơ hội trở nên giàu có. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng chính quyền các cấp không nên đưa ra những lời hứa hẹn mà không thể làm, tránh tiếp tay cho những người lười biếng.

Tham khảo SCMP

Vu Lam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên