Giới trẻ ngày nay nhiều người mắc ‘căn bệnh’ trầm kha: Chỉ biết đến công việc, thích sống một mình và ít hài lòng với bản thân hơn
Căn bệnh cô đơn của giới trẻ là phản ứng cảm xúc đối với việc cảm thấy bị cô lập hoặc không có bạn bè.
- 21-05-2018Hẹn hò bạn gái mới có nhiều điểm chung trong cuộc sống, liệu thiên tài "sợ cô đơn" Elon Musk có tìm thấy bến đỗ bình yên?
- 02-05-2018Làm thế nào để “sống sót” thành công qua giai đoạn thất nghiệp dài, cô đơn?
- 27-04-2018Nỗi khổ của con nhà tỷ phú: Phải học việc suốt 20 năm, bị bắt cóc và chịu cảnh cô đơn vì quá giàu
Cô đơn là cảm giác khi bạn đi bộ xuống phố và thấy những nhóm người hạnh phúc nói chuyện và cười đùa cùng nhau. Bạn lên mạng và nhìn thấy các bức ảnh về bữa tiệc nướng ngoài trời vui vẻ mà bạn bè đã tham gia vào dịp cuối tuần.
Thế giới ngày nay làm bạn cảm thấy như mọi người đang vui vẻ cùng nhau mà không có bạn. Nói cách khác, chúng ta thật dễ cảm thấy cô đơn. Khi thấy cô đơn thì bạn cũng dễ nghĩ rằng mình là người duy nhất cảm thấy như vậy. Nhưng sự thật chẳng phải vậy. Ngày nay, nhiều người ở mọi lứa tuổi và hoàn cảnh cũng trải qua cảm giác cô đơn như bạn.
Cô đơn là phản ứng cảm xúc đối với việc cảm thấy bị cô lập hoặc không có bạn bè. Cô đơn hoàn toàn khác cô độc. Ví dụ, bạn có thể ở một mình trong căn hộ của mình và hoàn toàn thấy hài lòng. Nhưng cũng có thể ở giữa một bữa tiệc lớn nhưng vẫn cảm thấy mình rất cô đơn. Vấn đề nằm ở chỗ bạn nhìn nhận mọi thứ như thế nào.
Tại sao chúng ta lại cô đơn?
Việc có quá nhiều người cảm thấy cô đơn làm dấy lên câu hỏi: Tại sao chúng ta lại cô đơn như vậy? Mặc dù chúng tôi không có câu trả lời chắc chắn nhưng có nhiều lý do hợp lý cho việc này:
- Có nhiều người sống một mình hơn trước đây. Tình trạng thiếu kết nối khi một người ở nhà có thể tác động đến cách họ nhận thức về đời sống xã hội của mình.
- Con người đang sống lâu hơn. Vào năm 1970, tuổi thọ trung bình của người Mỹ là 75 tuổi đối với phụ nữ và 67 tuổi đối với nam giới. Vào năm 2014, con số này là 81 tuổi đối với phụ nữ và 76 tuổi đối với nam giới.
- Chúng ta làm việc khác. Con người hiện đại tập trung nhiều vào công việc hơn là vào các mối quan hệ.
- Chúng ta giao tiếp khác đi. Ngày nay người ta ít đối thoại trực tiếp mà liên lạc qua các ứng dụng trò chuyện. Điều này có thể dẫn đến việc giảm tương tác cá nhân giữa con người với nhau.
- Chúng ta sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội có thể ảnh hưởng tiêu cực đến một số người. Mặc dù các mạng xã hội có thể giúp người lớn tuổi cảm thấy kết nối nhiều hơn với người khác. Nhưng nó cũng làm cho họ ít hài lòng hơn với đời sống của mình.
- Các nhóm xã hội thay đổi. Nghiên cứu của Pew Research vào năm 2009 cho thấy các nhóm xã hội chủ chốt của chúng ta đang thu hẹp lại. Với các mạng xã hội nhỏ hơn và liên hệ xã hội ít hơn, cảm giác kết nối xã hội của chúng ta có thể bị giảm đi.
- Chúng ta biết nhiều hơn về sự cô đơn so với trước đây. Với số lượng nghiên cứu ngày càng tăng về chủ đề này, ta có thể đơn giản là nhận ra tầm quan trọng của một vấn đề đã tồn tại trong một thời gian dài.
Ảnh hưởng của sự cô đơn
Việc thỉnh thoảng cảm thấy cô đơn có thể không gây ảnh hưởng gì nhiều đến chúng ta. Tuy nhiên, cô đơn kéo dài có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và hạnh phúc của ta:
- Tăng huyết áp: Những người lớn tuổi cô đơn được phát hiện là dễ bị tăng huyết áp hơn.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu và các chứng sưng viêm gia tăng: Nghiên cứu cho thấy cảm giác cô đơn có thể khiến hệ miễn dịch suy yếu khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh hoặc nhiễm trùng cao hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự cô đơn có thể làm gia tăng các chứng sưng viêm khắp cơ thể, liên quan đến các vấn đề sức khỏe như ung thư và các biến chứng từ bệnh thận.
- Trầm cảm gia tăng: Cảm giác cô đơn làm tăng triệu chứng bệnh trầm cảm ở người lớn tuổi.
- Chất lượng giấc ngủ kém: Sự cô đơn có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ. Điều này có nghĩa là ngay cả khi bạn ngủ đủ giấc thì chất lượng giấc ngủ kém cũng có thể gây ra các vấn đề trong ngày như cảm giác lờ đờ hoặc thiếu năng lượng.
- Nguy cơ tử vong tăng: Nguy cơ tử vong của những người có nhiều mối quan hệ cá nhân thấp hơn 50% so với những người không có các mối quan hệ này.
Ai dễ bị cô đơn hơn?
Sự cô đơn có thể tác động đến bất cứ ai. Và hầu hết mọi người đều có lúc cảm thấy cô đơn trong cuộc sống của mình. Mặc dù không có nhóm nào dễ bị cô đơn nhất, nhưng nghiên cứu về sự cô đơn đã tập trung vào một số nhóm người nhất định.
Nhiều nghiên cứu về sự cô đơn đã được thực hiện ở người lớn tuổi. Sự cô đơn có thể có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc của họ
Nhưng ngược lại với những gì nhiều người nghĩ, người lớn tuổi dường như cảm thấy ít cô đơn hơn những nhóm tuổi khác. Ví dụ, một nghiên cứu của AARP vào năm 2010 trên những người từ 45 tuổi trở lên đã phát hiện ra rằng 35% trong khoảng 3.000 người tham gia nghiên cứu cho biết họ cảm thấy cô đơn. Tuy nhiên, khi chia nhỏ theo độ tuổi, nghiên cứu đó cho thấy 43% những người trong độ tuổi từ 45 đến 49 là người cô đơn, con số này chỉ có 25% những người ở độ tuổi 70 trở lên.
Các nghiên cứu khác cho thấy sự cô đơn đặc biệt gây phiền muộn cho giới trẻ. Một nghiên cứu vào năm 2010 ở Anh cho thấy những người từ 18 đến 34 tuổi bị ảnh hưởng bởi sự cô đơn nhiều hơn so với những người trên 55 tuổi. Nghiên cứu bổ sung đã khám phá ra rằng sự cô đơn phổ biến ở 80% người dưới 18 tuổi.
Trẻ vị thành niên và thanh niên ở giai đoạn nhạy cảm trong sự phát triển cá nhân. Họ vẫn đang hình thành cá tính của mình, xây dựng khả năng độc lập và điều chỉnh các cơ chế đối phó xã hội của họ. Do đó, họ có thể nhạy cảm hơn với các áp lực xã hội như cảm giác cô đơn. Các nhà nghiên cứu cũng lo lắng sự cô đơn ở lứa tuổi thanh thiếu niên có thể dẫn đến trầm cảm, lo âu và giảm sự hài lòng đối với cuộc sống sau này.
Ngoài tuổi tác, nhiều yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến sự cô đơn ví dụ như sức khỏe thể chất. Người mắc bệnh mãn tính có thể bị sự cô đơn tác động, vì tình trạng sức khỏe khiến họ khác biệt so với những người khác. Họ có thể bị cô lập do cần sự chăm sóc đặc biệt, hoặc các hạn chế về thể chất có thể cản trở họ tham gia các hoạt động xã hội. Họ cũng có thể cảm thấy xa cách với những người khác vì bệnh tật của mình.
Các yếu tố môi trường cũng ảnh hưởng đến sự cô đơn. Các tình trạng như Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) có thể làm gia tăng cảm giác cô đơn. Cảm giác này cũng được phát hiện ở những người nhập cư, những người có thể đối mặt với nhiều rào cản xã hội khi tham gia vào một nền văn hóa hoặc một xã hội mới.
Làm sao để bớt cô đơn?
Cô đơn có thể là một trải nghiệm đau đớn và thậm chí gây hại. Việc cảm thấy cô đơn có thể thật sự dẫn đến hành vi chống đối xã hội, khiến ta khó kết nối với người khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta không thể thoát khỏi sự cô đơn.
Phương thuốc cho sự cô đơn chính là gia tăng các mối quan hệ xã hội có ý nghĩa. Nói cách khác, hãy xây dựng mối quan hệ với những người mà ta quan tâm - những mối quan hệ mà ta cảm thấy được quan tâm và thấu hiểu.
- Nói "có" với các mối quan hệ giao tiếp xã hội. Hãy ra ngoài và gặp gỡ bạn bè hoặc những người mới, ngay cả khi bạn thích ở nhà hơn với một quyển sách hay.
- Làm tình nguyện. Xây dựng mối quan hệ với người khác qua hoạt động tình nguyện là một cách được chứng minh là chống lại được sự cô đơn.
- Đi bộ. Ra ngoài thiên nhiên được cho thấy là giúp giảm các triệu chứng của trầm cảm - có thể là sản phẩm phụ của sự cô đơn.
- Nuôi thú cưng. Một con chó, con mèo, hoặc bất kỳ thú cưng nào cũng có thể đem đến cảm giác được bầu bạn cũng có thể mang lại lợi ích đáng ngạc nhiên.
- Tiếp cận với những người có cùng tình trạng như bạn. Ví dụ, nếu bạn mắc bệnh mãn tính nào, hãy tham gia vào một nhóm hỗ trợ cho những người như vậy.
- Hiểu rằng bạn không thật sự đơn độc. Nếu bạn cảm thấy cô đơn, thật dễ để chỉ trích bản thân về điều đó. Bạn chỉ cần nhớ rằng, nhiều người khác cũng cô đơn, và không ai phải cô đơn cả. Chỉ cần thực hiện bước đầu tiên và banh sẽ ở trên con đường tìm kiếm người banh tiếp theo cho mình.
Trí thức trẻ