Giới trẻ TP HCM nô nức "check in" ở lễ hội trái cây "Trên bến dưới thuyền"
Nhiều người dân TP HCM tranh thủ ngày cuối tuần đến tham quan, trải nghiệm gói bánh ú, xem biểu diễn trò chơi dân gian, mua sắm đặc sản Nam Bộ giá "tận gốc" và chụp hình lưu niệm tại lễ hội trái cây ở Bến Bình Đông, quận 8.
Gần 8 giờ sáng, chị Văn Thị Bích Loan (ngụ quận 8) và bạn hào hứng dạo quanh các gian hàng. Trong bộ áo bà ba duyên dáng, hai chị em vui vẻ tạo dáng chụp hình bên cạnh gian hàng trưng bày linh vật rồng – phụng làm từ trái cây.
"Nay là ngày cuối tuần nên chị em rủ nhau "check in" lễ hội, đến đây mới thấy rất nhiều nhóm bạn trẻ cũng đi dạo, cũng mặc áo bà ba, quần đen để chụp hình giống mình" – chị Loan hào hứng.
Tạo dáng chụp hình bên linh vật bằng trái cây
Khu vực này có 180 gian hàng trưng bày đặc sản Nam Bộ, bao gồm các loại trái cây, bánh dân gian, hàng thủ công mây tre lá…
Nhiều bạn trẻ thích thú trải nghiệm gói bánh ú tại gian hàng của Hội Phụ nữ khu phố 3, phường 5, quận 8. Bánh được gói và nấu trực tiếp để bán cho khách tham quan với giá 100 đồng/chục 12 cái.
Nhiều bạn trẻ hào hứng trải nghiệm gói bánh ú
Bánh gói xong sẽ được nấu tại chỗ và bán cho khách tham quan
Bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận 8, cho biết đây là lần đầu tiên UBND quận tổ chức Tuần lễ trái cây "Trên bến dưới thuyền" từ ngày 28-5 đến 4-6 tại tuyến đường Bến Bình Đông ở phường 13, phường 14.
Lễ hội này nhằm phát huy tối đa thế mạnh của quận 8 về điều kiện tự nhiên, nét đặc trưng văn hóa truyền thống riêng có "trên bến dưới thuyền" gắn với Đề án Chiến lược phát triển ngành văn hóa TP HCM giai đoạn 2020 - 2035, phân kỳ thực hiện giai đoạn 2022 - 2025.
Tuần lễ trái cây "Trên bến dưới thuyền" góp phần tôn vinh những thành quả lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng tầm thương hiệu trái cây Nam Bộ; qua đó quảng bá tiềm năng điểm đến du lịch của quận 8, từng bước nâng tầm quy mô thành Lễ hội trái cây truyền thống "Trên bến dưới thuyền" là một trong những sự kiện lễ hội văn hóa của TP HCM.
"Trong số 180 gian hàng được ban tổ chức phân bố và lắp đặt sẵn, có 10 gian hàng mây tre lá trưng bày sản phẩm đặc sản của 2 tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và 170 gian hàng nhà bạt kinh doanh trên bến dưới thuyền" - bà Hoa thông tin.
Nghệ nhân nhà vườn chăm sóc cặp linh vật rồng - phụng làm bằng trái cây
Lễ hội cũng là nơi để nông dân nhà vườn thể hiện sự sáng tạo với các gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm được chế biến từ các loại trái cây; gian hàng triển lãm, trình diễn nghệ thuật chưng mâm ngũ quả, linh vật từ cây - củ - quả của Vĩnh Long, Bến Tre; gian hàng biểu diễn trò chơi dân gian (nặn tò he), tạo hình bong bóng nghệ thuật; gian hàng gói, nấu bánh ú lá tre.
Một số hình ảnh tại lễ hội:
Người lao động