Kỷ lục đầu tiên của mùa bão Đại Tây Dương 2024
Bão Beryl đã tăng cường sức mạnh và tốc độ hôm 1-7 khi di chuyển ở vùng biển Caribe với sức gió lên đến 210 km/giờ. Theo đài CNN, cảnh báo bão đã được ban hành ở các đảo quốc Barbados, St. Lucia, St. Vincent và Grenadines, Grenada... Thủ tướng Barbados Mia Amor Mottley đã thúc giục người dân cảnh giác cao độ trước cơn bão.
- 16-05-2024Hết El Nino, lại đến La Nina: Biển Đông dự báo có 13 cơn bão, dồn dập vào cuối năm?
- 14-05-2024Đến buổi họp lớp, Jack Ma chụp một bức ảnh cũng gây bão mạng xã hội: Người xem gật gù ‘người này xứng đáng nhận sự kính nể’
- 12-05-2024Mạnh nhất trong 20 năm, bão mặt trời năm nay có thể "nướng cháy" cả điện thoại trên tay: Thực hư ra sao?
Theo ABC News, đây là cơn bão đầu tiên trong mùa bão Đại Tây Dương năm nay. Beryl cũng là cơn bão cấp 4 (theo thang bão Saffir-Simpson) sớm nhất ở Đại Tây Dương từng được ghi nhận. Kỷ lục trước đó thuộc về bão Dennis, trở thành bão cấp 4 ngày 7-7-2005. Trung bình, cơn bão đầu tiên của mùa bão Đại Tây Dương hình thành vào tuần thứ 2 của tháng 8.
Tại châu Âu, mưa to và bão mạnh đã gây nhiều thiệt hại ở Thụy Sĩ và Ý cuối tuần qua. Trong đó, Thụy Sĩ ghi nhận 4 người thiệt mạng và 2 người mất tích trong lũ lụt và lở đất ở 2 bang phía Nam. Các nhóm cứu hộ cũng tiến hành sơ tán gần 400 người bị ảnh hưởng. Còn tại Ý, theo Reuters, lũ lụt và lở bùn nghiêm trọng cũng buộc 200 người được sơ tán bằng trực thăng tại vùng thung lũng Aosta hôm 30-6.
Số người thiệt mạng vì trận mưa lớn bất thường trong tuần qua ở thủ đô New Delhi - Ấn Độ đã tăng lên 11 người. Theo Reuters, New Delhi đã hứng chịu một trong những đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong lịch sử vào tháng 6 trước khi chứng kiến trận mưa lớn nhất trong nhiều thập kỷ hôm 28-6. Theo Cơ quan Khí tượng Ấn Độ (IMD), lượng mưa trong ngày này vượt mức trung bình cả tháng. IMD cũng đưa ra cảnh báo về thời tiết đến ngày 4-7 khi mưa lớn xảy ra tại nhiều khu vực của Ấn Độ.
Theo bài báo của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), cứ mỗi 1 độ C tăng lên trên trái đất, lượng hơi nước trong khí quyển có thể tăng khoảng 7%. Các chuyên gia cho rằng điều này có thể dẫn đến mưa lớn trong thời gian ngắn. Các nhà khoa học cho biết cuộc khủng hoảng khí hậu đang khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Điều này có thể được thấy rõ ở Ấn Độ - quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu và đang phải hứng chịu thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa lớn, bão… Ấn Độ thường trải qua các đợt nắng nóng trong những tháng mùa hè (tháng 5 và 6). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nắng nóng đến sớm hơn và kéo dài hơn. Các nhà khoa học lập luận hiện tượng này phần nào có liên quan đến biến đổi khí hậu.
Người lao động