MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giống lan đột biến ở Việt Nam, Indonesia bùng lên cơn sốt chim cảnh: Trò tiêu khiển giúp nhiều người đổi đời, nhưng ẩn chứa nhiều bí mật bất chính

01-06-2022 - 15:15 PM | Tài chính quốc tế

Giống lan đột biến ở Việt Nam, Indonesia bùng lên cơn sốt chim cảnh: Trò tiêu khiển giúp nhiều người đổi đời, nhưng ẩn chứa nhiều bí mật bất chính

Những loài chim có tiếng hót hay được đưa đi tham dự tại nhiều giải đấu trên khắp Indonesia, mang về cho chủ sở hữu số tiền thưởng không nhỏ. Nhưng trò tiêu khiển này đang khiến cả một hệ sinh thái lao đao.

Giống lan đột biến ở Việt Nam, Indonesia bùng lên cơn sốt chim cảnh: Trò tiêu khiển giúp nhiều người đổi đời, nhưng ẩn chứa nhiều bí mật bất chính - Ảnh 1.

Một số người đàn ông dành thời gian cuối tuần để xem bóng đá, một số khác như ông Imam Safi’I lại đi xem những con chim biết hót. Mỗi năm, rất nhiều cuộc thi chim diễn ra trên khắp Indonesia. Trước khi các cuộc tụ họp lớn bị hoãn vào tháng 3/2020 vì đại dịch Covid-19, hơn 1.000 cuộc thi chim hót được tổ chức mỗi năm, chủ yếu ở Java. Nhiều cuộc thi đã thu hút hàng nghìn người tham gia với nhiều giải thưởng giá trị.

Hầu hết các ngày cuối tuần, ông Imam đều cùng bạn bè tham dự các trận đấu ở thủ đô Jakarta để cổ vũ cho những chú chim yêu thích. Trọng tài là những người phân định thắng thua giữa những chú chim. Họ đánh giá mức độ phức tạp và độ ngân trong giọng hót của chúng, cũng như sức chịu đựng và tư thế khi chúng bay quanh lồng.

Sở hữu một chú chim vô địch không chỉ mang lại niềm tự hào, người trúng giải còn nhận được tivi, xe máy, ô tô và giải thưởng tiền mặt từ hàng trăm đến hàng nghìn USD.

Trong hơn 4 năm qua, chú chim ác là Ethes của ông Imam đã giành được nhiều danh hiệu và làm giàu cho chủ nhân của nó với khoản tiền 15 triệu rupiah (1.000 USD), bằng nửa mức lương trung bình hàng năm. Ông Imam cho rằng thành công của chú chim là do tình yêu, sự chăm sóc và chế độ dinh dưỡng tốt. Ông nói rằng chăm sóc cho những con chim biết hót cũng giống như chăm sóc cho những đứa trẻ.

Paul Jepson của Đại học Oxford cho biết người Indonesia coi các loài chim biết hót như một "tài sản về xã hội và tài chính". Các cuộc thi chim như vậy là một cơ hội để họ kết nối và cũng là lý do để bạn bè gặp gỡ nhau.

Ông Imam nói rằng các giải đấu rất "náo nhiệt" và là "khoảng thời gian tuyệt vời", đặc biệt là khi Ethes không thi đấu. Việc xem các loài chim thi đấu giống như giải trí cuối tuần, giúp làm giảm căng thẳng. Nam giới thuộc mọi lứa tuổi đều tham gia. Thậm chí, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng từng đưa chú chim chích choè đuôi trắng của ông đi thi đấu.

Giống lan đột biến ở Việt Nam, Indonesia bùng lên cơn sốt chim cảnh: Trò tiêu khiển giúp nhiều người đổi đời, nhưng ẩn chứa nhiều bí mật bất chính - Ảnh 2.

Vào cuối tháng 1/2020, hàng nghìn người đam mê chim, hầu hết là đàn ông, đã đổ xô đến công viên để tham dự Cúp Cảnh sát Trưởng Nam Jakarta.

Sáu mươi cuộc thi cá nhân, được tổ chức theo loài và mức độ cạnh tranh, diễn ra trong hai gian hàng mở. Có đến 77 con chim tham gia trong mỗi sự kiện. Giải thưởng cao nhất là 715 USD.

Những cuộc thi chim như thế này không giống với việc nghe chim hót trong rừng yên tĩnh mà giống như một trận đấu quyền anh. Sau khi treo lồng chim, những người chủ đứng sau hàng rào cách đó vài mét và ra sức hét để gợi những giai điệu hay cho chú chim của mình. Và thật ngạc nhiên khi giám khảo có thể nghe được tiếng của từng con chim trong một cuộc thi như vậy.

Chiến thắng cuộc thi đó là một chú chích choè đuôi trắng của Andika Asa, một nhà lai tạo đã giành được giải thưởng 430 USD. Sau khi rời cuộc thi, một người đã đề nghị mua lại chú chim của Andika với giá 8.000 USD, nhưng ông từ chối. Ông cho rằng nó có giá gấp đôi như thế.

Ông Andika, 40 tuổi, một cựu quản lý trường đại học, cho biết ông đã tự nhân giống loài chim này và dành rất nhiều thời gian để huấn luyện nhà vô địch của mình.

Ông Andika cho biết, để huấn luyện sức chịu đựng của con chim, ông và con trai đập vào các cạnh của chiếc lồng để khiến nó bay 500 vòng mỗi ngày. Ông ấy cũng đưa những "con chim bậc thầy" của các loài khác vào để nó học các giai điệu của chúng.

Giống lan đột biến ở Việt Nam, Indonesia bùng lên cơn sốt chim cảnh: Trò tiêu khiển giúp nhiều người đổi đời, nhưng ẩn chứa nhiều bí mật bất chính - Ảnh 3.

Người dân Java, hòn đảo đông dân nhất của Indonesia, đã nuôi chim biết hót trong nhiều thế kỷ. Các loài chim biết hót là biểu tượng của hiệp sĩ Java. Nhưng đến những thập niên 1980 và 1990 thì các cuộc thi mới bắt đầu trở nên phổ biến.

Những người đam mê bắt đầu thay thế những con chim bồ câu vằn nhập khẩu có giọng hót không thay đổi bằng những con chim bộ sẻ bản địa có thể huấn luyện. Điều này đã mở ra các giải đấu cho bất kỳ ai có thời gian và sự kiên nhẫn để huấn luyện những chú chim của họ.

Việc sở hữu các loài chim biết hót ở Java đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua. Trên đảo có khoảng từ 66-84 triệu con chim nuôi nhốt. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2018, gần 1/3 số hộ gia đình có nuôi chim.

Những người nuôi chim đã không thể đáp ứng kịp nhu cầu gia tăng. Trong khi đó, những loài chim hoang dã được đánh giá cao vì giọng hót vượt trội của chúng. Rất nhiều loài chim đã bị săn bắt từ các khu rừng ở Indonesia, khiến hơn chục loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Giống lan đột biến ở Việt Nam, Indonesia bùng lên cơn sốt chim cảnh: Trò tiêu khiển giúp nhiều người đổi đời, nhưng ẩn chứa nhiều bí mật bất chính - Ảnh 4.

Trốn trong khu rừng rậm Sumatra, kẻ săn trộm chọn một cành cây mỏng, phủ keo tự chế và bật một đoạn tiếng chim hót từ chiếc điện thoại cũ. Trong giây lát, 3 con chim nhỏ đậu xuống cành cây và bị mắc lại đó.

Chúng là chim chích bông xám tro, sinh sống tại đảo Java của Indonesia. Nhưng đây cũng là nơi chúng có thể sẽ phải sống cả đời trong lồng của một nhà sưu tập chim.

Hàng triệu con chim trương tự đã bị săn bắt từ tự nhiên mỗi năm. Những con chim quý được đánh giá cao sẽ có thể bán với giá hàng nghìn đô la. Chúng là chim quý không vì bộ lông hay thịt, mà là vì giọng hót của chúng.

Cuộc săn bắt và mua bán bất hợp từ các khu rừng nguyên sinh đưa nhiều loài chim đến thủ đô Jakarta. Tại đây, chúng được tham gia vào các cuộc thi hót với giải thưởng lớn thường xuyên do quan chức chủ trì.

Kẻ săn trộm Afrizal nhẹ nhàng kéo những con chim khỏi cành cây, bóc keo dính ở chân chúng và đặt chúng vào một chiếc lồng kim loại, trên đó anh ta phủ một chiếc áo phông "Angry Birds" đã bạc màu. Đây là cách mà Afrizal thực hiện phần việc của mình để bắt động vật hoang dã của Indonesia. Ông đã bắt được hơn 200.000 con chim biết hót trong 15 năm qua.

Ông nói: "Tôi làm công việc này để mưu sinh. Tất nhiên, tôi cảm thấy tội lỗi. Nếu chúng chết, tôi còn cảm thấy buồn hơn".

Giống lan đột biến ở Việt Nam, Indonesia bùng lên cơn sốt chim cảnh: Trò tiêu khiển giúp nhiều người đổi đời, nhưng ẩn chứa nhiều bí mật bất chính - Ảnh 5.

Các quan chức và các nhà bảo tồn cho biết các loài chim biết hót hoang dã đang biến mất với tốc độ khủng khiếp trên khắp quần đảo rộng lớn của Indonesia. Cơn sốt ngày càng tăng của các cuộc thi chim hót thúc đẩy phần lớn nhu cầu hiện tại.

Như đã nhắc ở trên, nuôi chim biết hót trong lồng là một truyền thống lâu đời của những người đàn ông Java giàu có và quyền lực. Nhưng các cuộc thi chim đã trở thành một hiện tượng phổ biến với nhiều tầng lớp, điều này kéo theo việc sở hữu những chú chim gia tăng. Những sự kiện lớn quy tụ hàng nghin người thường được tổ chức dưới danh nghĩa của các lãnh đạo và quan chức.

Tuy nhiên, đằng sau các cuộc thi chim hót lại là những hoạt động kinh doanh bất chính đang bùng nổ. Loài chim bị săn lùng đặc biệt nhiều đó chính là murai batu, hay còn gọi là chích choè đuôi trắng. Chúng có thể bắt chước giai điệu của các loài khác. Loài chích choè này được nhiều nhà sưu tập ưa chuộng và đang nhanh chóng biến mất khỏi các khu rừng của Indonesia.

Vào năm 2018, chú chim chích choè đuôi trắng của ông Joko đã lọt vào chung kết giải President’s Cup, nhưng để thua Dede Alamsyah, một chủ tiệm rửa xe đến từ Trung Java.

Tổng thống nói với các phóng viên rằng ông ấy đã đề nghị mua con chim chiến thắng, nhưng ông Dede đã từ chối bán. Ông Dede ra giá của con chim là 47.000 USD, đủ để mua một ngôi nhà lớn.

Marison Guciano, người sáng lập và giám đốc điều hành của tổ chức bảo vệ chim Flight, ước tính rằng những kẻ săn trộm bắt hơn 20 triệu con chim biết hót mỗi năm, chủ yếu từ Sumatra, hòn đảo lớn thứ ba của Indonesia.

Giống lan đột biến ở Việt Nam, Indonesia bùng lên cơn sốt chim cảnh: Trò tiêu khiển giúp nhiều người đổi đời, nhưng ẩn chứa nhiều bí mật bất chính - Ảnh 6.

Nuôi nhốt các loài chim biết hót đã phát triển như một ngành công nghiệp sân sau. Tại cuộc thi năm 2018, ông Joko ca ngợi việc kinh doanh chăn nuôi là một lợi ích cho "nền kinh tế của người dân". Tổng thống, người đã thả hàng chục con chim mua từ chợ cho biết, việc bán chim, lồng, thức ăn và thuốc tạo ra 120 triệu USD mỗi năm.

Nhưng việc đánh bắt chim hoang dã, mặc dù thường là bất hợp pháp, rẻ hơn so với việc nuôi chúng. Ông Marison nói, nhiều người buôn bán vô đạo đức, sử dụng dây đeo chân giả và thông tin giả mạo. Họ buôn bán những con chim hoang dã và coi chúng như những con chim mà họ đã tự nhân giống.

Ông Marison cho biết việc buôn lậu loài chim biết hót diễn ra rầm rộ và công khai. Điều đó đã trở thành chuyện bình thường ở Indonesia. Quá trình rửa tiền diễn ra ngay trước mắt mọi người.

Ông Marison cho biết, khi số lượng chim biết hót ở Sumatra giảm, những kẻ săn trộm đã bắt đầu săn bắt trong các khu rừng ở Malaysia và miền nam Thái Lan, đặc biệt là với loài chích choè đuôi trắng.

Các quan chức thực thi pháp luật Indonesia thừa nhận rằng một số thành viên của cảnh sát và quân đội có liên quan đến việc buôn bán trái phép và giúp những kẻ buôn lậu vận chuyển chim.

Hifzon Zawahiri, Chánh văn phòng Bảo vệ Động vật Hoang dã Quốc gia ở Lampung, tỉnh cực nam của Sumatra, cho biết cơ quan của ông phải đối mặt với một tội phạm buôn lậu chim hót có tổ chức.

Giống lan đột biến ở Việt Nam, Indonesia bùng lên cơn sốt chim cảnh: Trò tiêu khiển giúp nhiều người đổi đời, nhưng ẩn chứa nhiều bí mật bất chính - Ảnh 7.

Lỗ hổng pháp lý và việc thực thi chắp vá đã bị những người buôn chim cảnh khai thác. Theo một ước tính, khoảng 1 triệu con chim đã bị buôn lậu từ các khu rừng ở Sumatra, một hòn đảo lớn của Indonesia, vào năm 2019. Tình yêu chim hót của Indonesia đe dọa chính sự sống còn những loài chim nhỏ bé này.

Chính phủ Indonesia đã nhận thức được vấn đề buôn lậu chim hoang dã và cấm buôn bán các loài chim được bảo vệ. Năm 2018, hàng trăm loài chim, bao gồm cả chim biết hót như chích choè đuôi trắng, đã được liệt vào danh sách đó.

Về mặt lý thuyết, chủ sở hữu của những chú chim sẽ phải chứng minh xuất xứ trước khi đưa chim tham dự các cuộc thi hót. Nhưng ông Marison nói rằng quy định đó hiếm khi được thực thi. Nhiều loài khác được liệt kê trong danh sách bảo vệ sẽ tìm đường vào các chợ chim khác của Indonesia.

Với việc quần thể chim biết hót trong tự nhiên ngày càng giảm, ông Marison đã kêu gọi chính phủ ưu tiên bảo vệ chúng. Ông cho biết, bước đầu tiên sẽ là đóng cửa các chợ chim, từ các hoạt động nhỏ lẻ như quầy hàng ven đường cho đến chợ Pramuka rộng lớn ở Jakarta, chợ chim lớn nhất ở Đông Nam Á.

Ông nói: "Việc giữ các loài chim này không hề mang lại lợi ích gì cho hệ sinh thái hoặc cho sự an toàn của các loài chim. Nó chỉ để mua vui cho chủ sở hữu".

Tổng hợp

https://cafef.vn/giong-lan-dot-bien-o-viet-nam-indonesia-bung-len-con-sot-chim-canh-tro-tieu-khien-giup-nhieu-nguoi-doi-doi-nhung-an-chua-nhieu-bi-mat-bat-chinh-20220601150722385.chn

Khánh Ly

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên