"Giọt máu đào không hơn ao nước lã": Người phụ nữ bị con gái rút trộm 2 tỷ nhờ lợi dụng tính năng đặc biệt trên tài khoản ngân hàng
Kiểm tra tài khoản mở chung với con gái, người phụ nữ tá hỏa khi phát hiện hơn 2 tỷ tiền hưu trí đã không cánh mà bay. Hóa ra, con gái bà đã âm thầm lợi dụng tính năng này.
- 14-07-2023Cách sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng để lập ngân sách chi tiêu
- 30-06-2023Bà mẹ 47 tuổi kiếm hơn 60 triệu đồng/tháng mà không cần làm việc, tiền cứ thế về tài khoản đều đều
- 16-06-2023Có bao nhiêu tiền trong tài khoản mới tự tin xin nghỉ việc?
Mất tiền vì một tính năng
Một giọt máu đào không phải lúc nào cũng hơn ao nước lã. Người phụ nữ 73 tuổi này không bị lừa bởi người ngoài mà bị chính con gái mình qua mặt. Tất cả chỉ vì một tính năng tiện ích nhưng cũng nhiều rủi ro trong hệ thống tài khoản ngân hàng.
Người phụ nữ 73 tuổi, họ Lee, đã mở ba tài khoản chung vào tháng 5/2021 với con gái út và chia số tiền hưu trí trị giá 180.000 SGD (3,2 tỷ đồng) cho các tài khoản này, tờ Shin Min Daily News đưa tin.
Số tiền trên được vợ chồng bà dày công tiết kiệm và trước đó được giữ trong tài khoản chung của hai vợ chồng. Lee không hề hay biết cô con gái út đã âm thầm chuyển tiền ra khỏi ba tài khoản trong hai năm qua.
Mọi chuyện chỉ được đưa ra ánh sáng khi Lee kiểm tra bảng sao kê ngân hàng một trong các tài khoản vào ngày 26/6. Tài khoản đầu tiên có 85.007 SGD chỉ còn lại 180 SGD, điều này khiến Lee ngay lập tức kiểm tra hai tài khoản còn lại.
Bà phát hiện ra một tài khoản khác đã hoàn toàn trống rỗng và tài khoản thứ ba chỉ còn lại 61 SGD.
"Tôi đã tiết kiệm được 180.000 SGD và trước đó đã rút 50.000 SGD nên vẫn còn 130.000 SGD (2,3 tỷ), nhưng bây giờ tôi chỉ còn hơn 200 SGD", Lee đau khổ nói với phóng viên.
Lee ngay lập tức gọi cho cô con gái út sau phát hiện gây sốc.
"Con tôi thừa nhận đã sử dụng tiền và nói rằng sẽ từ từ trả lại cho tôi, nhưng tôi không biết nó làm thế nào để trả lại", Lee than thở.
Lee chia sẻ với tờ Shin Min rằng con gái út của bà vừa kết hôn vào tháng 3 và được cho là đang gặp bế tắc trong kinh doanh với công ty thủy sản đông lạnh do hai vợ chồng làm chủ.
"Con bé đã chuyển tiền cho các nhà cung cấp, nhân viên và thậm chí cả chồng mình", Lee nói. "Ngay cả lệ phí đăng ký kết hôn của nó cũng được trả bằng tiền của tôi”.
Lee thú nhận rằng bà không nhớ lý do vì sao lại mở tài khoản chung với con gái út, để cơ sự ra nông nỗi này.
Con gái lớn của Lee, chị Zhuo cho biết, mẹ của mình đã làm công việc rửa bát đĩa được 30 năm.
"Bố tôi đã nằm liệt giường vài năm vì sức khỏe yếu. Tôi không ngờ em gái lại chuyển hết tiền của họ đi", Zhuo bày tỏ.
Zhuo nói mối quan hệ của em gái cô với gia đình trở nên xấu đi sau sự việc này. Người con gái út cũng ngừng trả lời tin nhắn của Lee.
Lee gặp khó khăn trong việc liên lạc với con gái mình vì cặp vợ chồng trẻ hiện đang sống ở nơi xa trong khi ngôi nhà của cả hai đang được cải tạo.
Mặc dù Lee đã trình báo cảnh sát nhưng phía cơ quan chức năng nói rằng họ không thể làm gì vì tài khoản chung cũng đứng tên con gái út của bà.
"Họ khuyên chúng tôi nên nhờ luật sư tư vấn, nhưng chúng tôi sẽ phải tốn rất nhiều tiền để làm điều đó", Lee nói.
Bằng cách đưa vụ việc lên báo, gia đình hy vọng cặp vợ chồng trẻ sẽ đứng ra khắc phục tình hình.
Tài khoản chung là gì?
Tài khoản chung là tài khoản ngân hàng có hai hoặc nhiều người cùng quản lý. Quyền hạn sử dụng được trao cho tất cả những người cùng đứng tên tài khoản. Nói cách khác, họ có thể nộp tiền, rút tiền hoặc chuyển tiền một cách tùy ý.
Tài khoản ngân hàng chung khá phổ biến trong các công ty và các tổ chức. Hình thức này cũng ngày càng phổ biến giữa các cặp đôi, người thân trong gia đình, vì có yếu tố chia sẻ.
Trong trường hợp của tổ chức, tài khoản chung nhằm mục đích kiểm soát đồng đều, chịu những ràng buộc về pháp lý, nên mang lại lợi ích và ít rủi ro. Nhưng tài khoản chung giữa các cá nhân như với các cặp vợ chồng thì lại khác.
Bất kể mối quan hệ giữa hai người có tài khoản chung tốt đẹp đến đâu, vẫn có những rủi ro xảy ra khi một người rút hết tiền trong tài khoản, giống trường hợp của bà Lee và con gái.
Không giống như bị kẻ gian lấy trộm tiền, quá trình giải quyết vấn đề này có thể kéo dài và tốn kém, thậm chí là không thể khắc phục vì ngân hàng hay cảnh sát sẽ chỉ đề nghị tự hòa giải chứ không can thiệp.
Ngoài ra, còn có rủi ro về lừa đảo. Một số cặp vợ chồng có thể liên kết thẻ ghi nợ với tài khoản chung. Thẻ khi đó có thể quẹt tại các máy POS tại cửa hàng và trực tuyến trên các trang web thương mại điện tử như Amazon, eBay, v.v.
Khi một người bị kẻ gian chiếm đoạt thông tin cá nhân và lấy hết tiền, người kia cũng phải chịu thiệt thòi chung.
Vì vậy, lời khuyên của các chuyên gia là không nên chỉ có một tài khoản ngân hàng chung. Giữa hai người thân nên có tài khoản ngân hàng riêng và tài khoản chung chỉ là tài khoản phụ.
Các nguồn thu nhập chính, chẳng hạn như tiền lương hoặc tiền tiết kiệm nên được gửi vào tài khoản ngân hàng chính. Chỉ chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng chính sang tài khoản chung để sử dụng cho một số trường hợp cần thiết.
Giữ ít tiền nhất có thể trong tài khoản ngân hàng chung. Điều này sẽ hạn chế được rủi ro trong trường hợp không may xảy ra.
Phụ nữ số