Giữ 'đường bơi' cho cá tra Việt
Ngành hàng cá tra Việt Nam đã gặt hái những thành công đáng tự hào, khẳng định vị thế số 1 thế giới trong nhiều năm, nhưng cũng trải qua không ít thăng trầm. Sau thắng lợi kép của năm 2018, cá tra lại trở về “bơi” trong trạng thái loay hoay. Bên cạnh chấp nhận quy luật của thị trường, cần xem xét một cách toàn diện, khắc phục hạn chế, phát huy lợi thế để phát triển bền vững cho ngành hàng này.
- 19-12-2019Xuất khẩu cá tra sẽ đạt 2,3 tỷ USD
- 08-12-2019Thị trường tôm, cá tra ấm trở lại
- 27-11-2019Nghề nuôi cá tra đang gặp khó khăn
Giữ ổn định
Theo Quyết định số 50/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của Việt Nam (Quyết định có hiệu lực từ ngày 30/1/2019), cá tra là một trong ba đối tượng thuộc danh mục này (cùng với tôm sú và tôm thẻ chân trắng) phải hội đủ các tiêu chí như: Thuộc vào danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam; tạo nhiều việc làm và thu nhập cao cho người lao động; phát huy hiệu quả tài nguyên, điều kiện tự nhiên và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, có năng suất và hiệu quả sản xuất cao; có khả năng thu hút đầu tư để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh, giá trị xuất khẩu tối thiểu đạt 100 triệu USD/năm...
Sản lượng nuôi tập trung hầu hết ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cá tra là mặt hàng Việt Nam xuất khẩu “thống trị” thế giới nhiều năm qua. Đặc biệt, năm 2018, năm đỉnh cao thành công của ngành hàng này với những kỷ lục về sản lượng nuôi (đạt hơn 1,4 triệu tấn, tăng trên 20% so với năm 2017) và kim ngạch xuất khẩu (đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước). Về giá cá tra nguyên liệu, từ cuối năm 2017 đến cả năm 2018 và sang đầu năm 2019, giá luôn ở trên mức 25.000 đồng/kg, đỉnh điểm có lúc đạt 36.000 đồng/kg, lãi trên dưới 10.000 đồng/kg. Người nuôi phấn khởi, doanh nghiệp lợi nhuận cao, ngành hàng cá tra có một năm thắng lợi kép khi trúng mùa được giá. Hiệu ứng sau đó là những chương trình, dự án lạc quan tiếp theo như mở rộng diện tích ao nuôi, tăng cường quy mô nhà máy, tìm thị trường… được thực hiện.
Chính lợi nhuận kinh tế trên đã tạo nên tình trạng ồ ạt đào ao thả cá. Điển hình ở Long An, dù không nằm trong các địa phương nuôi nhiều cá tra nhưng sau sự hấp dẫn trên, diện tích nuôi cá tra của tỉnh này lên đến hàng ngàn héc ta. Người dân chạy theo phong trào, bất chấp khuyến cáo. Tuy nhiên, kể từ tháng 3/2019, việc dư thừa nguồn cung, xuất khẩu chậm lại đã khiến giá cá tra nguyên liệu rớt xuống dưới mức 30.000 đồng/kg. Đến tháng 6/2019 giá sụt mạnh xuống mức dưới 20.000 đồng/kg và dao động 18-20.000 đồng/kg từ đó đến cuối năm. Người nuôi lỗ 5-7.000 đồng/kg. Cùng với giá cá nguyên liệu, giá cá tra giống cũng giảm mạnh, không ít người lại đành “treo ao”…
Làm gì để giữ vững vị thế số 1?
Với lợi thế về sản lượng nuôi nhiều nhất thế giới, xuất khẩu cá tra Việt Nam đã giữ vị thế “độc tôn”, “một mình một chợ” nhiều năm trước đây, nhưng ngành hàng này cũng trải qua không ít thăng trầm, các rào cản thuế quan và phi thuế quan đặt ra không ít thách thức. Trong khi đó, những năm gần đây, các nước như Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh cũng đã nuôi cá tra với sản lượng hàng trăm ngàn tấn mỗi năm. Hay ở Trung Quốc là thị trường tiêu thụ số 1 của cá tra Việt Nam thì hiện nay họ cũng nuôi được cá này với sản lượng hàng chục ngàn tấn. Đó là những “đối thủ” cạnh tranh nhãn tiền của cá tra Việt.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong hai thị trường dẫn đầu của xuất khẩu cá tra Việt Nam, thị trường Trung Quốc đã hồi phục mạnh và vượt xa Mỹ. Trước đây, Việt Nam chỉ xuất khẩu cá tra nguyên con tới một số tỉnh biên giới phía Nam Trung Quốc, nhưng nay sản phẩm cá tra phi-lê có mặt tại những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Đại Liên.
Nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long
Còn thị trường Mỹ, rào cản thương mại và kỹ thuật, giá cá tra nguyên liệu trong nước giảm mạnh tác động trực tiếp tới giá xuất khẩu khiến cho giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm.
Với thị trường Trung Quốc, ông Võ Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng các nhà xuất khẩu Việt Nam đã quen với việc xuất khẩu chính ngạch là lý do cho việc tăng trưởng trở lại. Xét về nhu cầu và sức tiêu thụ thì thị trường Trung Quốc còn nhiều dư địa cho cá tra, vấn đề là chính sách thường hay thay đổi hoặc hành vi của các nhà nhập khẩu trong chiến lược cạnh tranh.
Ngoài hai thị trường lớn trên, ở các thị trường quy mô nhỏ hơn khó đoán định sự thay đổi thất thường. Bức tranh xuất khẩu cá tra năm 2020 phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc và sự phục hồi của thị trường Mỹ cho thấy tính bấp bênh của các dự báo. Với thị phần trên 30% của Trung Quốc, có thể nói độ rủi ro là cực kỳ cao, các nhà sản xuất nên thận trọng. Nguồn cung cần được kiểm soát tốt cho đến khi các thông tin rõ ràng hơn từ thuế chống bán phá giá của Mỹ cũng như thông tin từ thị trường Trung Quốc. Theo ông Dũng, không làm chủ được thị trường thì phải kiểm soát trở lại chính mình. Tiếc rằng chẳng có số liệu đáng tin về nguồn cung, ai cũng kêu gọi giảm sản lượng, tăng tính minh bạch thông tin, nhưng chẳng ai chịu là người đi đầu để làm việc này.
Những người nuôi cá tra cho rằng để giải quyết tình trạng mất kiểm soát, cần phải “đánh” vào kinh tế. Doanh nghiệp phải cam kết chỉ mua cá những ao nuôi nằm trong vùng quy hoạch, không mua bên ngoài. Theo ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đa phần doanh nghiệp đều có liên kết xây dựng vùng nuôi với nông dân, sản xuất có chứng nhận đàng hoàng, nhưng khi có nhu cầu cao từ khách hàng thì doanh nghiệp mua cả trong lẫn ngoài vì lợi nhuận cao. “Nếu sản xuất tự phát không có nơi tiêu thụ, liệu còn ai dám mở rộng nuôi cá ngoài quy hoạch?”. Đó là cách kiểm soát tốt nhất nhằm tạo ổn định cho ngành cá tra. Điều cốt lõi là hãy quan tâm đến chất lượng và thương hiệu cho ngành hàng này, vì cá tra Việt Nam là số 1 thế giới nhưng… chưa có thương hiệu.
Theo đại diện một hiệp hội thủy sản ở ĐBSCL (cũng là người nuôi cá tra), ngành cá tra có quy hoạch tỉnh, huyện, khu vực nhằm cấp "giấy thông hành" dưới hình thức mã số ao nuôi. Trong Nghị định 36 và nay được thay thế bằng Nghị định 55 về sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra cũng có những quy định về vùng nuôi, nhưng việc nuôi tự phát vẫn ồ ạt, cho thấy việc quản lý bằng mệnh lệnh hành chính của chính quyền chưa thực sự hiệu quả.
Tiền phong