MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giữ lãi suất không tăng là thành công của nền kinh tế

28-07-2016 - 15:44 PM | Tài chính - ngân hàng

Thị trường tài chính, tiền tệ đã khá ổn định trong 6 tháng đầu năm với các giải pháp điều hành kiên định và linh hoạt. Trao đổi với chúng tôi, TS Trần Du Lịch-thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc giữ ổn định, không để lãi suất tăng là một thành công đáng ghi nhận của ngành ngân hàng trong thời điểm hiện nay.

Phóng viên (PV): Ông có thể đánh giá những điểm nổi bật trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm?

TS Trần Du Lịch: Trước hết, nhìn về hoạt động của ngân hàng không thể tách rời với bối cảnh kinh tế 6 tháng qua với mấy yếu tố: Thứ nhất, tốc độ phục hồi kinh tế chậm, mức tăng trưởng GDP thấp hơn cùng kỳ năm trước, tác động của thiên tai khá nặng. Đặc biệt, xuất khẩu cũng tăng chậm. Những vấn đề căn cơ hơn, ví dụ như tái cơ cấu nền kinh tế theo mục tiêu đề ra còn chậm.

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn điều hành chính sách tiền tệ rất nhất quán. Trước hết, NHNN đã và sẽ tiếp tục tranh thủ chỉ đạo của Chính phủ và không chủ quan trong vấn đề kiềm chế lạm phát, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới chỉ tăng 2,35% so với cuối năm ngoái, nhưng không thể chủ quan, không được để lạm phát vượt 5% trong năm nay. Tôi cho rằng, NHNN đã và đang lưu tâm vấn đề này. Và có thể nói, những tháng đầu năm, kết quả bước đầu đã khá tích cực.

Thứ hai, NHNN tiếp tục đưa ra chủ trương trong điều hành là ưu tiên cấp tín dụng sản xuất với các lĩnh vực ưu tiên như: Cho vay để phát triển ngành thủy sản, cho vay thu mua lúa gạo… hỗ trợ tích cực cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ ba, trong 6 tháng đầu năm, ngành ngân hàng đã giữ ổn định đồng tiền, cố gắng không để lãi suất cho vay tăng lên-nhiệm vụ mà trước đó nhiều chuyên gia dự báo rằng rất khó thực hiện nhưng đến nay hệ thống ngân hàng vẫn làm được. Tiếp theo, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn thể hiện được vai trò là lực lượng chủ yếu mua lượng trái phiếu Chính phủ phát hành.

PV: Ngành ngân hàng đã rất nỗ lực trong việc ổn định và giảm dần mặt bằng lãi suất, nhưng các doanh nghiệp vẫn mong muốn lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS Trần Du Lịch: Theo quan sát của tôi, lãi suất trung hạn bình quân thì vẫn còn cao nhưng trong 6 tháng qua, nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt đã vay được lãi suất thấp, thậm chí có nơi ngân hàng chào mời mức lãi suất cho vay 6%/năm. Tức là những doanh nghiệp làm ăn tốt đều có cơ hội để vay lãi suất thấp, thuận lợi để đầu tư mới, mở rộng sản xuất.

PV: Tăng trưởng GDP trong nửa đầu năm nay không được như mong đợi, một số ý kiến lo ngại rằng nền kinh tế có dấu hiệu chững lại. Như vậy, liệu nền kinh tế có hấp thụ được vốn để đạt tăng trưởng tín dụng từ 18-20% trong năm nay không, thưa ông?

TS Trần Du Lịch: Thực ra, tăng trưởng GDP có thể chững lại một chút trong năm nay cũng không quá lo. Và nếu nguồn tín dụng của ngân hàng vẫn đưa vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thiết yếu và nếu tín dụng đưa vào trung, dài hạn thì có thể chưa tác động tới GDP năm nay. Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng thông tin đến ngày 30-6 tín dụng đối với nền kinh tế đã tăng 8,16%, trong khi cùng kỳ năm 2015 chỉ tăng 7,08%. Điểm tích cực trong 6 tháng đầu năm là tín dụng trung và dài hạn tăng 9,81%, cao hơn tín dụng chung của nền kinh tế. Như vậy, với tín dụng trung, dài hạn thì sẽ tác động tới GDP năm 2017-2018 chứ nó không tác động GDP trong năm nay.

Tôi không lo việc hấp thụ vốn yếu, vì thực sự những doanh nghiệp làm ăn tốt vẫn đang vay vốn mở rộng đầu tư và lượng vốn đổ vào những doanh nghiệp đó sẽ mang lại kết quả tích cực cho năm sau. Đặc biệt hiện nay, tín dụng vốn vẫn chủ yếu từ nguồn vốn NHTM, nhất là vốn trung, dài hạn, nên không đáng lo.

PV: Qua những tình huống như việc trưng cầu ý dân của nước Anh về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) vừa qua, ông có cho rằng phản ứng chính sách của NHNN đã khá nhanh nhạy?

TS Trần Du Lịch: Tôi cho rằng, ứng phó vừa rồi của NHNN là tốt, bởi tác động ở đây chủ yếu là tâm lý. Do đó, NHNN đã có thông điệp để người dân thấy rằng không nên đầu tư, đầu cơ vàng và ngoại tệ. Và việc loại vàng miếng ra khỏi phương tiện thanh toán đang cho kết quả tích cực, và NHNN nên tiếp tục kiên định mục tiêu, không để vàng miếng trở thành phương tiện thanh toán như đã từng xảy ra.

Nông dân vay vốn để phát triển sản xuất tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Nông dân vay vốn để phát triển sản xuất tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

PV: Còn với những khó khăn trong những tháng cuối năm, theo ông NHNN cần phải có giải pháp điều hành như thế nào?

TS Trần Du Lịch: Tôi đồng tình là phải giữ mức tăng tín dụng năm nay ở mức 18-20%, để bảo đảm tiếp tục làm công cụ kích thích tăng trưởng. Mặc dù, tăng trưởng GDP năm nay khó đạt được 6,7% như kế hoạch, mà hiện một số tổ chức dự báo chỉ 6%. Theo tôi, tăng trưởng GDP khoảng 6-6,3% là tốt.

Với lĩnh vực ngân hàng, tôi đề nghị chúng ta phải có biện pháp mạnh xử lý nợ xấu, nhất là vấn đề tài sản thế chấp ở Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Ngành ngân hàng nên có lộ trình từng bước xử lý tài sản thế chấp nợ phải thoát ly giá thực tế trên sổ sách. Nôm na là giá trị khoản nợ có tài sản thế chấp phải đưa về giá trị thực của nó. Về chính sách tỷ giá, phải tiếp tục linh hoạt không neo tỷ giá, nó phù hợp với quan hệ thương mại, thanh toán hiện nay giữa sức mua tiền Việt Nam với các đồng tiền chủ chốt. Cuối cùng là chúng ta phải dự liệu những biến động bất thường của thị trường tài chính quốc tế để không bất ngờ.

Dù vậy, tôi nhận định 6 tháng cuối năm không có gì đột biến đối với chính sách điều hành đề ra trong Nghị quyết 01 của Chính phủ. Tôi cho rằng, NHNN cần tiếp tục linh hoạt trong điều hành, ví dụ như sửa Thông tư 36 vừa qua là hợp lý, nhất là nới thời gian với việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn với lộ trình mềm.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Quang Cảnh ( thực hiện)

Quân đội nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên