MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giữa “bão tranh luận” về kỷ luật trẻ, cô giáo mầm non đưa ra quan điểm: “Giáo dục bằng yêu thương, sự kiên nhẫn và lòng bao dung mới thành công đưa trẻ đến bến trưởng thành”

02-10-2021 - 15:18 PM | Sống

"Khi giáo dục trẻ em, chúng tôi luôn cẩn trọng và nâng niu. Đó là lý do mà chúng tôi chọn cách yêu thương, kiên nhẫn và bao dung để đồng hành cùng các em trên con phát triển để trưởng thành".

Giáo dục trẻ em luôn là chủ đề được rất nhiều người quan tâm. Vừa qua, chủ đề "Giáo dục khuyên nhủ, không phạt đang dần hủy hoại trẻ" đã nhận được sự quan tâm và phản hồi của đông đảo độc giả.

Cô giáo Thùy Dương, một giáo viên được đào tạo để chăm sóc và hướng dẫn trẻ mầm non, độ tuổi 3-6 đã bày tỏ một góc nhìn khác của mình: Giáo dục bằng tình yêu thương, sự kiên nhẫn và lòng bao dung mới thành công đưa trẻ đến bến trưởng thành.

Theo chị Thùy Dương, con trẻ là tấm gương trung thực phản chiếu đầy đủ hành vi của người lớn. Mỗi người lớn cần ý thức rằng hành vi, lời nói của mình đều có tác động đến sự phát triển, hình thành nhân cách của trẻ em xung quanh mình:

Trẻ em, dẫu đã được khoa học chứng minh mang trong mình một tiềm năng to lớn, kế thừa toàn bộ những năng lực ưu việt của loài người khi các em đến với thể giới này, trẻ em vẫn là trẻ em. Các em vẫn còn non nớt, ngây thơ và vụng dại, dễ bị tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần.

Do đó, khi giáo dục trẻ em, chúng tôi luôn cẩn trọng và nâng niu. Đó là lý do mà chúng tôi chọn cách yêu thương, kiên nhẫn và bao dung để đồng hành cùng các em trên con phát triển để trưởng thành.

1. Giáo dục bằng tình yêu thương

Giữa “bão tranh luận” về kỷ luật trẻ, cô giáo mầm non đưa ra quan điểm: “Giáo dục bằng yêu thương, sự kiên nhẫn và lòng bao dung mới thành công đưa trẻ đến bến trưởng thành” - Ảnh 1.

Giáo dục bằng tình yêu thương chính là chúng tôi cố gắng mỗi ngày để thay đổi, rèn luyện bản thân trở thành hình mẫu tốt cho trẻ bắt chước theo. Trẻ học hỏi bằng cách bắt chước theo người lớn.

Ví dụ, hành vi bé chỉ tay vào người lớn khi tức giận hay phản đối. Bé phải có đủ số lần chứng kiến hành vi này để suy đoán được cách thức sử dụng trong trường hợp cụ thể thì bé mới có thể thực hiện việc chỉ tay khi bé tức giận với ai đó.

Trước khi trách phạt hành vi của trẻ, ba mẹ, thầy cô cần bình tĩnh, ngẫm lại hành vi của mình, của mọi người và cả môi trường quanh trẻ.

Giáo dục bằng tình yêu thương chính là luôn cố gắng để thấu hiểu trẻ. Trẻ em có những nhu cầu nội tại cần được thỏa mãn để phát triển trí tuệ, tâm lý và thể chất.

Trẻ em cũng có những vấn đề về tâm lý, tình cảm, thể chất tác động đến các em. Tuy nhiên, các em không nhận thức được các nhu cầu nội tại và các em chưa biết cách diễn đạt những vấn đề của mình để yêu cầu người lớn hỗ trợ.

Do đó, khi làm việc với trẻ, chúng tôi sử dụng những kiến thức về trẻ, cùng với việc quan sát cẩn trọng, khách quan, để nhận ra và giúp các em đúng điều các em cần.

Nếu nhu cầu nội tại không được thỏa mãn, trẻ sẽ dễ cáu kỉnh, buồn chán, tức giận. Mọi cảm xúc tiêu cực này được thể hiện qua việc trẻ quấy khóc. Khi nhu cầu nội tại được thỏa mãn, một sự phát triển về trí tuệ, tâm hồn, kỹ năng được hình thành, làm nền tảng cho các bước phát triển tiếp theo.

Giáo dục bằng tình yêu thương chính là tôn trọng trẻ và để trẻ được tự do. Trẻ em được tự do khám phá môi trường xung quanh, lựa chọn và thực hiện những hoạt động phù hợp với nhu cầu phát triển của các em, làm các em thích thú.

Trẻ được tư do giao tiếp, thể hiện cảm xúc của bản thân, diễn đạt bản thân. Trẻ cũng được tự do đưa ra các lựa chọn của mình. Trao cho các em tự do nhưng chúng tôi phải chuẩn bị một môi trường phù hợp với độ tuổi của các em với các hoạt động phù hợp với nhu cầu của trẻ.

Chúng tôi cũng phải thiết lập những quy định, là những giới hạn đối với hành vi của trẻ chứ chúng tôi không để trẻ muốn làm gì thì làm, dẫn đến buông thả, bừa bãi.

Những giới hạn này phải hợp lý, được đặt ra để bảo vệ mỗi cá nhân cũng như bảo vệ trật tự, lợi ích chung của tập thể.

Chúng tôi cũng phải hướng dẫn trẻ cách thức cư xử phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội.

Sau đó, chúng tôi chính là những hình mẫu sống để luôn nhắc trẻ nhớ và để trẻ bắt chước theo.

2. Giáo dục bằng sự kiên nhẫn

Giữa “bão tranh luận” về kỷ luật trẻ, cô giáo mầm non đưa ra quan điểm: “Giáo dục bằng yêu thương, sự kiên nhẫn và lòng bao dung mới thành công đưa trẻ đến bến trưởng thành” - Ảnh 2.

Tôi sẽ nêu ra một ví dụ về vai trò của sự kiên nhẫn trong việc hướng dẫn hành vi của trẻ.

Trong quá trình giáo dục, chúng tôi luôn cố gắng làm gương, thường xuyên thực hiện các hoạt động đóng vai để hướng dẫn trẻ cách cư xử. Mỗi bài học đều được lặp lại nhiều lần vào các thời điểm khác nhau.

Chúng tôi chờ đợi, cho trẻ thời gian để những bài học này thẩm thấu, trở thành thói quen của trẻ. Bởi vì, ngay cả đối với người lớn, việc sửa một thói quen hay hình thành một thói quen mới cũng cần nhiều thời gian và nỗ lực.

Khi trẻ quên, chúng tôi sẽ nhắc nhở. Ví dụ: trẻ đã được dạy quy định trả lại đồ dùng về vị trí cũ sau khi làm việc.

Khi trẻ quên, chúng tôi chỉ dắt trẻ quay trở lại chỗ đồ vật và hỏi trẻ, con có quên điều gì không? Nếu tình trạng vẫn diễn ra thường xuyên, hay trẻ không hợp tác điều đó có thể là do bài học chưa được thẩm thấu hoặc trẻ muốn thử vượt qua giới hạn.

Chúng tôi sẽ chọn một thời điểm thích hợp để trình bày lại bài học về quy định hay hành vi cư xử cho trẻ cùng với các trẻ khác. Trẻ em rất nhạy cảm và cái tôi non nớt của trẻ rất dễ bị tổn thương.

Mặt khác, khi trẻ không nhận ra bài học đó được thực hiện nhắm vào bản thân mình, trẻ sẽ không tự vệ mà tiếp thu bài học đó một cách dễ dàng hơn.

Cuối cùng, khi cần thiết, chúng tôi sẽ nói cho trẻ biết hệ quả của hành vi này và trẻ sẽ được quyền lựa chọn hành vi của mình.

Ví dụ: Trẻ cương quyết không đồng ý cất đồ dùng về vị trí cũ. Chúng tôi sẽ ngồi xuống, nhìn vào mắt bé, nét mặt, ánh mắt nghiêm túc, nhẹ nhàng nhưng kiên định và nói rằng "Con sẽ được lấy đồ dùng mới ngay sau khi con cất đồ dùng cũ về vị trí".

Việc này có thể sẽ lặp lại nhiều lần trước khi trẻ quyết định cần thay đổi lựa chọn là tuân thủ theo quy định và cho đến khi sự tự giác tuân thủ quy định được hình thành như một thói quen trong hành vi của trẻ.

3. Dạy trẻ bằng sự bao dung

Chúng tôi chấp nhận sai lầm là nguyên liệu để trẻ trưởng thành và trẻ tiến bộ thông qua việc học hỏi, rút kinh nghiệm từ sai lầm.

Chúng tôi chọn không đánh giá hay phạt trẻ mà chỉ cho trẻ thấy hệ quả và trong phạm vi phù hợp nhất định, cho trẻ trải nghiệm hệ quả từ những lựa chọn, hành vi của bản thân.

Nhận biết hậu quả xấu do hành vi gây ra, trẻ mới không tiếp tục hành vi đó. Trẻ phát triển khả năng phán đoán mà tránh những hành vi dẫn đến hậu quả xấu.

Điều chúng tôi hướng đến ở đây là sự tự giác kỷ luật của chính đứa trẻ, đó là tự giác tuân theo các giới hạn, quy định vì hiểu được ý nghĩa của chúng, là khả năng tự kiềm chế bản thân, kiểm soát cảm xúc, là khả năng lựa chọn cái đúng đắn giữa những cái sai.

Khi để trẻ trải nghiệm hệ quả của sự lựa chọn và hành vi, vai trò của người lớn trong giáo dục cũng là kiểm soát các trải nghiệm, đảm bảo trẻ được an toàn tính mạng và sức khỏe, đảm bảo trẻ nhận thấy được mối quan hệ nhân-quả giữa sự lựa chọn và hành vi của trẻ với kết quả mà trẻ trải nghiệm.

Chính đặc điểm này tạo ra sự khác biệt với việc phạt trẻ. Chúng tôi dùng từ "phạt" để chỉ những cách thức răn đe mà không có mối quan hệ nhân-quả với hành vi của trẻ.

4. Lời kết

Chúng tôi nhận thấy rằng, trẻ em của chúng tôi, so với thời gian đầu, các em nhận thức, kiểm soát hành vi cũng như cảm xúc tốt hơn. Các em cũng học được cách giải quyết vấn đề tốt hơn.

Ví dụ, một em bé 5 tuổi rưỡi của tôi biết kiềm chế để không phản ứng mạnh khi một em bé nhỏ tuổi hơn lấy đi món đồ mà em đang sử dụng. Em biết cách tìm món đồ khác, tạo ra hoạt động thú vị với món đồ mới để thu hút sự chú ý của em nhỏ kia và đề nghị trao đổi món đồ mới để lấy lại món đồ của em.

Giữa “bão tranh luận” về kỷ luật trẻ, cô giáo mầm non đưa ra quan điểm: “Giáo dục bằng yêu thương, sự kiên nhẫn và lòng bao dung mới thành công đưa trẻ đến bến trưởng thành” - Ảnh 3.

Đối với việc học tập, cũng với nguyên tắc giáo dục trên, chúng tôi sử dụng những cách thức giúp trẻ cảm thấy hứng thú với các bài học.

Song song đó, khi trẻ đã đạt được khả năng tự kỷ luật, trẻ sẽ thể hiện trách nhiệm đối với việc học tập. Điều này không có nghĩa trẻ em của chúng tôi là những đứa trẻ hoàn hảo, phi thường.

Các em vẫn có lúc khóc, vẫn có lúc khó chịu, vẫn có những lúc không muốn học, vẫn có lúc vụng về, vẫn có lúc sai… Có chăng là, đối với chúng tôi, đây là những biểu hiện hết sức bình thường mà ngay cả người lớn cũng có những lúc trải qua.

Chúng tôi vẫn tiếp tục yêu thương, kiên nhẫn và bao dung. Trẻ em của chúng tôi sẽ nhanh chóng lấy lại cân bằng và tiếp tục phát triển. Trên hết, vì các em nhận sự yêu thương, kiên nhẫn và bao dung, các em sẽ biết cách trao đi những điều tương tự.

Tôi hiểu rằng, quí vị sẽ thắc mắc chúng tôi lấy đâu ra thời gian áp dụng những điều vừa được mô tả.

Câu trả lời là, những gì tôi trình bày ở đây chỉ là một góc rất nhỏ được chọn lọc để mô tả về cách thức chúng tôi giáo dục trẻ bằng yêu thương, kiên nhẫn và bao dung. Trên thực tế, chúng tôi có những phương pháp khoa học để có thể áp dụng thành công phương pháp giáo dục này.

Giáo dục là một ngành khoa học sâu sắc, một nghệ thuật tinh tế và đó chính là món quà mà chúng ta, những người lớn trao cho trẻ với mong muốn hỗ trợ trẻ trưởng thành. Vậy thì món quà đó không thể thiếu sự yêu thương, kiên nhẫn và bao dung.

Bản chất con người luôn mong muốn yêu thương và được yêu thương. Điều này đối với trẻ em càng quan trọng để trẻ được cảm thấy an toàn, không lo lắng mà tự do khám phá thế giới, mở rộng tri thức.

Với chúng tôi, tình yêu thương không bao giờ hủy hoại trẻ em, không bao giờ hủy hoại con người nếu chúng ta biết thể hiện tình yêu thương ấy theo những cách thức đúng đắn.

Thùy Dương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên