MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giữa lúc bất động sản khó bán, chủ nhà vẫn chốt cứng: “Giá nét không giảm, muốn mua rẻ đi tìm chỗ khác!”

21-04-2023 - 08:13 AM | Bất động sản

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Mặc dù thị trường nhiều khu vực đang xảy ra tình trạng giảm giá, bán cắt lỗ, song một số nhà đầu tư vẫn nhất quyết không giảm giá sâu.

Bước sang quý II/2023, thị trường bất động sản vẫn giữ nhịp độ trầm lắng, thanh khoản ở mức thấp, vì đó mà giá cũng đi xuống. Nhiều mảnh đất tại các khu vực bất động sản từng diễn biến sôi động như vùng ven Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên,... đến nay giá trung bình đã giảm khoảng 20 - 30% chỉ sau 1 năm.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, giá bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền ở những khu vực từng xảy ra sốt đất tiếp tục được điều chỉnh về giá trị phù hợp, tương xứng với giá trị đầu tư vào nội tại sản phẩm và hạ tầng khu vực. Nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, đặc biệt có sử dụng chương trình ưu đãi lãi suất, ân hạn nợ gốc giai đoạn 2018 - 2022 của các chủ đầu tư buộc phải cắt lỗ 10 - 30%, thậm chí lên đến 30 - 50% giá trị đầu tư.

Tuy nhiên, thị trường vẫn xuất hiện một số chủ bất động sản dù giữa bối cảnh giá đi xuống nhưng nhất quyết không chịu giảm giá. Thậm chí, chủ nhà còn chốt cứng: “Muốn mua rẻ thì đi chỗ khác”.

Đơn cử, một căn nhà mặt đường 295B (Việt Yên, Bắc Giang) có diện tích 80m2 đang được rao bán với mức giá 3,6 tỷ đồng, tương đương 45 triệu đồng/m2. Theo chủ nhà cho biết, hiện đã có nhà xây sẵn 3 tầng, nằm ở khu vực đông dân cư, gần khu công nghiệp nên tiềm năng tăng giá, kinh doanh hoặc cho thuê lớn. Căn nhà cũng đang được cho thuê với mức giá 13 triệu đồng/m2.

Nhận thấy giá căn nhà này vẫn cao tương đương với thời điểm thị trường diễn biến sôi động, do đó chúng tôi đã liên hệ tới người bán và thử trả giá. Người này cho hay: “Chỉ có những người vay ngân hàng hoặc bất động sản chưa sinh ra dòng tiền mới cắt lỗ thời điểm này. Tôi không nợ nên không cần bán gấp. Nếu ai mua đúng giá rao tôi mới bán, còn muốn mua giá rẻ thì đi chỗ khác tìm”.

Đang rao bán một mảnh đất tại Đông Anh (Hà Nội), anh Thanh, nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, mảnh đất của anh có diện tích 90m2, được mua vào thời điểm giữa năm 2021. Hiện nay, mảnh đất của anh đang được rao bán với mức giá 3,5 tỷ đồng.

“Nếu so với thời điểm giữa năm ngoái, tôi đã chấp nhận giảm giá 10%. Đầu năm nay, do gia đình cần một khoản tiền lo công việc nên tôi mới rao bán. Nhưng hiện nay tôi đã xoay sở được tiền nên cũng không bán gấp, hơn nữa mảnh đất này tôi mua bằng tiền thật và nằm ở vị trí dân cư đông đúc. Do đó, nếu ai chấp nhận mua giá 3,5 tỷ đồng tôi mới bán”, người này nói.

Được biết, dù giảm giá 10% so với giữa năm 2022, song mảnh đất của anh Thanh vẫn có lãi so với thời điểm xuống tiền.

Thực tế, hiện nay một số nhà đầu tư không gặp phải áp lực tài chính lớn, mảnh đất họ mua đều nằm ở những khu vực đã hình thành khu dân cư, có tiềm năng dài hạn nên không chấp nhận cắt lỗ hoặc giảm giá. Những nhà đầu tư này thường có tâm lý "đắt bán chơi, rẻ để đấy".

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, sở dĩ đất nền một số địa phương vẫn có xu hướng tăng giá rao bán là do kỳ vọng của người mua. Nếu đất ở những khu vực có hạ tầng, tiện ích tốt, hay cạnh khu công nghiệp thì mặt bằng giá sẽ ổn định và có dư địa tăng.

Tuy nhiên, theo ông, còn những loại đất đầu tư không có giá trị sử dụng cao, mua xong để đó thì giá sẽ giảm. Những tỉnh có lượng FDI lớn hầu hết có mặt bằng giá đất nền ổn định, ít khi sụt giảm sâu.

Vị này cũng cho rằng, trong năm 2023 sẽ không xảy ra cơn "sốt đất". Bởi vì thị trường bất động sản đang ở trạng thái trầm lắng, thanh khoản thấp, đặc biệt là loại hình đất nền. Tuy nhiên, xét về dài hạn, đất nền vẫn là loại hình đầu tư tiềm năng nếu biết lựa chọn những sản phẩm đất nền có giá trị sử dụng cũng như khả năng khai thác tạo ra dòng tiền trên chính sản phẩm đó như có thể xây nhà trọ, nhà kho, công xưởng hoặc trở thành căn nhà thứ hai.

"Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội khoảng 49% và TPHCM khoảng 70%, cả nước ta có 8 tỉnh thành có tỷ lệ đô thị hóa trên 50%. Như vậy, vẫn còn dư địa phát triển và nhu cầu về đất đai luôn hiện hữu", ông Quốc Anh nêu.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thời gian qua, tình trạng chờ đợi, trầm lắng vẫn đang tồn tại. Tuy nhiên, thị trường vẫn xuất hiện những điểm sáng ở các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng, tốc độ đô thị hóa cao, đặc biệt là các sản phẩm nhà ở được đầu tư bởi các chủ đầu tư uy tín, có pháp lý tốt, phục vụ nhu cầu thực, có thanh khoản tốt trong dài hạn và nhu cầu cho thuê cao.



Minh Tâm

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên