"Gỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại của Mỹ với Việt Nam là đúng người, đúng thời điểm"
Cách đây 30 năm, ngày 3/2/1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton công bố quyết định bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm đối với Việt Nam, khởi đầu cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Đúng người, đúng thời điểm
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm gỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cho rằng sự kiện Tống thống Clinton tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam ngày 3/2/1994 đã mở đường cho tất cả các bước phát triển mà hai quốc gia đã đạt được trong thương mại song phương và quan hệ kinh tế.
Kể từ khi lệnh cấm vận thương mại được bãi bỏ năm 1994 và hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, riêng trong năm 2022, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã đạt 139 tỉ đô la, tăng gấp 300 lần so với năm 1995, Đại sứ Marc Knapper dẫn chứng.
Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ trên thế giới và đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ ở ASEAN trong khi Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nhấn mạnh.
Cho rằng sự kiện dỡ bỏ cấm vận thương mại là “đúng người, đúng thời điểm”, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia và thành viên Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương Việt Nam (VNCPEC) nhận định, điều này đã giúp mở ra tiềm năng to lớn cho hợp tác thương mại cũng như kinh tế hai nước.
“Tôi nghĩ đó là một quyết định thông minh của Mỹ. Sau khi cấm vận thương mại được dỡ bỏ, các ngân hàng và doanh nghiệp đã đồng loạt vào Việt Nam. Dường như mọi người đã mong chờ thời điểm thích hợp này từ rất lâu”, ông Cấn Văn Lực nói.
Triển vọng hợp tác Việt - Mỹ 30 năm sau khi lệnh cấm vận kinh tế được gỡ bỏ
Nói về triển vọng hợp tác giữa hai nước sau 30 năm lệnh cấm vận kinh tế được gỡ bỏ, các diễn giả cho rằng trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, cần nhiều thêm những kế hoạch hành động cụ thể để các sáng kiến hợp tác thành hiện thực, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân hai nước.
"Chúng tôi có lòng tin vững chắc vào tầm quan trọng của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi Tổng thống Biden đến thăm Việt Nam vào năm ngoái, chúng tôi đã cam kết hợp tác với Việt Nam để giúp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghệ cao khác; hợp tác với Việt Nam xây dựng lực lượng lao động cho thế kỷ 21 với các nhà khoa học, kỹ sư máy tính và công nghệ thông tin có thể làm việc trong nền kinh tế công nghệ cao mà Việt Nam và Mỹ hướng tới. Vì vậy, chúng tôi rất hào hứng với quan hệ hợp tác đang chờ đợi chúng ta trong tương lai", Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Marc Knapper cũng cho biết, Mỹ hoan nghênh tất cả những cải cách kinh tế to lớn dựa trên cơ chế thị trường mà Việt Nam đã thực hiện, cũng như các cam kết của Việt Nam. Mỹ cũng cam kết hợp tác và hỗ trợ Việt Nam một cách sâu rộng trong quá trình Việt Nam tiếp tục chuyển dịch sang nền kinh tế thị trường.
Về việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết, Bộ Thương mại Mỹ đang tiến hành quy trình này. Quy trình bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái, bao gồm việc lấy ý kiến đóng góp công khai và có thời hạn 270 ngày.
Đại sứ Mỹ cũng nhấn mạnh chính phủ Mỹ cam kết thực hiện một quy trình công bằng và minh bạch, phù hợp với các quy tắc quốc tế.
Đời sống Pháp luật