MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gỡ “điểm nghẽn” trong xử lý nợ xấu

23-05-2017 - 10:28 AM | Tài chính - ngân hàng

Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng - về vấn đề xử lý nợ xấu.

Xử lý nợ xấu hiện vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”, trong đó có những vướng mắc, bất cập về hàng lang pháp lý. Nếu Luật sửa đổi một số điều của Luật các tổ chức tín dụng 2010 và Nghị quyết về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua sẽ giúp gì cho xử lý nợ xấu, thưa ông?

Giai đoạn 2011 - 2015, hệ thống ngân hàng đã có sự nỗ lực lớn trong triển khai các giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Nếu nhìn lại tình hình hiện nay so với 5 năm trước, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn, các ngân hàng hoạt động ổn định, thanh khoản bảo đảm, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát, khống chế chặt chẽ, giảm lãi suất cho vay giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng

Tuy vậy, quá trình xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều vướng mắc, vì nhiều lý do, trong đó có những vướng mắc về pháp lý liên quan đến các quy định của nhiều lĩnh vực khác nhau. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất với Chính phủ, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi một số điều của Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) 2010 và Nghị quyết về xử lý nợ xấu để đưa ra kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV giúp ngân hàng và doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Từ thực tế của Việt Nam, theo ông cần có những cơ chế, giải pháp mạnh nào để hỗ trợ xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu?

Một trong những điểm mấu chốt để xử lý nợ xấu chính là phải xử lý được tài sản bảo đảm (TSBĐ). Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu sẽ giúp xử lý TSBĐ được nhanh, thuận lợi hơn. Muốn vậy phải để bên cho vay (TCTD) có quyền thu giữ TSBĐ khi bên vay vi phạm cam kết không trả được nợ; sau khi thu giữ TSBĐ, TCTD được bán TSBĐ theo giá thị trường, có thể thấp hơn giá trị sổ sách; TCTD chuyển nhượng, sang tên tài sản cho người mua; được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ; khi có tranh chấp khởi kiện ra tòa thì được giải quyết theo thủ tục rút gọn để rút ngắn quy trình, thủ tục tố tụng tại tòa án, giúp TCTD xử lý nhanh TSBĐ. Đây là những tiền đề cần thiết để hình thành thị trường mua - bán nợ theo thông lệ quốc tế và giúp các tổ chức quản lý tài sản, các công ty xử lý nợ, bao gồm cả Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) có thể giải quyết nhanh chóng khối lượng nợ xấu đã mua từ các TCTD.

Ông kỳ vọng gì vào công tác xử lý nợ xấu trong thời gian tới?

Nợ xấu và xử lý nợ xấu không phải là vấn đề riêng của ngành ngân hàng, mà là của cả nền kinh tế, có nhiều tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính những vướng mắc về quy định pháp luật đã dẫn đến việc phối hợp chưa đồng bộ giữa các ngành, các cấp, gây chậm trễ, khó khăn cho quá trình xử lý nợ xấu, đặc biệt là xử lý TSBĐ. Khi Nghị quyết về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, các cấp chính quyền, tôi tin rằng trong thời gian tới sẽ có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt hơn giữa các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương với ngành ngân hàng, giúp thúc đẩy việc xử lý nợ xấu được nhanh hơn, triệt để hơn, đạt được yêu cầu Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra.

Xin cảm ơn ông!

Theo Duy Minh

Báo Công Thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên