Gỡ “nút thắt” dòng tiền cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp kiến nghị đã nhiều lần gửi hồ sơ để được vay vốn từ gói hỗ trợ lãi suất 0% của Ngân hàng Chính sách nhưng chưa được giải quyết (ảnh minh hoạ)
Nhiều doanh nghiệp cùng kiến nghị, không thể đối thoại với ngân hàng thương mại và khó tiếp cận chính sách là những “nút thắt” trong mong mỏi khơi thông dòng tiền giữa bối cảnh hiện nay.
- 03-10-2021Thủ tướng chỉ đạo ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất, tín dụng, hướng dẫn về miễn giảm thuế cho doanh nghiệp
- 30-09-2021NHNN sắp cho phép giữ nguyên nhóm nợ cho chủ thẻ tín dụng bị giảm thu nhập do dịch bệnh?
Thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp theo Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cùng với đó, mặt bằng lãi suất huy động cũng đã về mức thấp của nhiều năm, dao động từ 2,7-4 % cho kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7-5 % cho kỳ hạn 6-12 tháng, 4,6-6,5% cho kỳ hạn trên 12 tháng.
Theo ông Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, tuy nhiên qua 4 tháng giãn cách ở các mức độ khác nhau và đợt sau càng nghiêm ngặt hơn đợt trước, doanh nghiệp đã trở nên rất khó khăn. Mọi người hiện đang trông đợi từ đầu tháng 10 bắt đầu mở cửa nền kinh tế trở lại, có thể tiến tới các hoạt động bình thường.
Một số báo cáo khảo sát cho thấy, khoảng 70% các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh giao dịch; khoảng 15% giải thể hoặc chờ giải thể, chỉ có 16% doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động theo mô hình 3 tại chỗ hoặc một cung đường hai điểm đến, riêng TP.HCM, các con số này còn cao hơn nhiều.
Ông Phạm Bình An
Như vậy, do tình hình tạm ngưng và hoạt động cầm chừng, thì câu chuyện sức khỏe tài chính của doanh nghiệp đương nhiên là gặp khó, trong đó, khoảng 86,4% các doanh nghiệp nói là có thể duy trì được dưới 3 tháng. Đây là một con số rất đáng báo động, vì nếu kéo dài nữa thì doanh nghiệp sẽ cạn kiệt và không còn sức chịu đựng, kể cả những doanh nghiệp đang sản xuất. Vấn đề đặt ra hiện nay là bơm vốn cho doanh nghiệp, nhưng còn có rất nhiều "nút thắt" trong việc này.
Đặc biệt, trong yêu cầu giảm lãi suất, thì không phải tất cả các ngân hàng đều giảm và doanh nghiệp vẫn phải xét các dự án, các điều kiện, tiêu chí và chờ ngân hàng tính toán xem có cho vay hay không.
“Nếu không có sự can thiệp của NHNN, của chính quyền, kể cả chính quyền địa phương, thì rất khó để có thể hỗ trợ được cho doanh nghiệp. Cho nên, cần phải có sự đồng hành, không phải chỉ là kêu gọi, khuyến khích mà phải có chính sách cụ thể hơn”, ông An nhấn mạnh.
Bà Lâm Thuý Ái, Phó Tổng Giám Đốc Công ty TNHH SX-TM Mebipha cho biết, vừa qua, TP HCM có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ gần như phá sản, chỉ còn một số ít các doanh nghiệp cung cấp về thực phẩm và doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu, đang duy trì với số ít nhà máy đủ điều kiện để"sản xuất "ba tại chỗ". Trong khi đó, lợi nhuận gần như là hy sinh, mà chủ yếu là để nuôi người lao động và duy trì sản xuất cho mình. Trong lúc bùng dịch như thế này, tất cả các lý thuyết về quản lý chuỗi cung ứng, quản trị sản xuất làm sao để tiết kiệm tối đa gần như không còn phù hợp nữa.
Bà Lâm Thuý Ái
“Song, đa phần những doanh nghiệp như chúng tôi đi vay tiền đều phải có thế chấp, nhưng chúng tôi đâu còn tài sản để thế chấp, mà một tài sản thế chấp ngân hàng chỉ được định giá khoảng trên dưới 70% so với giá thị trường, sau đó chỉ được vay khoảng 70% trên giá trị thẩm định đó. Nếu không có NHNN can thiệp, thì ngân hàng thương mại sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải bỏ thêm tài sản vào mới được vay. Thực tế có nhiều người đã phải bán nhà, bán tài sản để trả nợ, trả lương nhân viên, chi trả cho các chi phí doanh nghiệp. Nếu cứ để doanh nghiệp với ngân hàng đối thoại với nhau, mà không có sự hỗ trợ từ NHNN, thì không thể đi đến hồi kết”, bà Ái bày tỏ.
Cũng theo vị nữ doanh nhân này, theo Nghị quyết 68 /2021, Quyết định 23/2021 về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 có nội dung quy định là Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để trả lương nhân viên, nhưng khi phân tích lại thì vô cùng khó tiếp cận. Vì chính sách đòi hỏi doanh nghiệp phải có phương án sản xuất kinh doanh, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Điều đó là bất khả kháng mà không doanh nghiệp nhỏ và vừa nào có thể đáp ứng được.
Đồng thuận với kiến nghị trên, ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Tân Quang Minh (Bidrico) đánh giá, Nghị định 68 của Chính phủ về hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội là rất tốt. Các doanh nghiệp đã trông từng ngày để có được những khoản vay như vậy, tuy nhiên đến nay công ty đã đưa lên đưa xuống hồ sơ tới Bảo hiểm xã hội mà vẫn chưa được giải quyết. Có thể nhiều doanh nghiệp khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Ông Nguyễn Đặng Hiến
Đối với ngân hàng thương mại, ông Hiến đề nghị một số giải pháp như:
Thứ nhất, không có tái định giá lại giá trị tài sản cho năm tới, tại vì qua một năm, giá trị cầm cố đã mất đi hoặc giảm đi một phần do khấu hao.
Thứ hai, đề nghị ngân hàng nâng hạn mức cho vay từ 70% lên là 85 %.
Thứ ba, nợ đáo hạn xin được không phải thanh toán, mà tiếp tục để đó, giãn ra, thậm chí cộng luôn tiền lãi để thành một khoản nợ mới và có thể kéo dài đến hết năm 2021, giúp doanh nghiệp có cơ hội “thở” được.
Về vấn đề này, ông Phạm Bình An bày tỏ sự đồng tình, bởi đối với tài sản thế chấp, nếu ngân hàng cứng nhắc quá, cứ định giá 70% rồi lại chỉ cho vay 70% giá trị, sau đó mỗi năm lại hạ xuống theo khấu hao, thì rõ ràng doanh nghiệp không còn tài sản để thế chấp nữa, mà hạn mức ngày càng thu hẹp dần. Cho nên giữa ngân hàng và doanh nghiệp cùng có sự chia sẻ, nâng hạn mức ở con số 85% sẽ rất là hợp lý và ý nghĩa. Ngân hàng cũng cần phải tin tưởng vào tín chấp, chứ không thể hoàn toàn dựa vào tài sản thế chấp, sẽ không đúng hoàn toàn với chức năng của ngân hàng.
Ngoài kiến nghị và đề xuất giải pháp của các doanh nghiệp cũng như các chuyên gia về việc gỡ nút thắt dòng tiền cho doanh nghiệp, mới đây, Liên minh Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đã có thư kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ để xin triển khai các chính sách hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn.
Cụ thể, Liên minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính lập quỹ bảo lãnh cho vay doanh nghiệp SME với mức 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp và không cần tài sản đảm bảo là bất động sản.
Doanh nghiệp được vay phải chứng minh hoạt động tốt trước dịch (có báo cáo tài chính lành mạnh); doanh nghiệp phải có hợp đồng/đơn hàng xuất nhập khẩu hoặc bán hàng trong vòng 6 tháng tới để được nhận bảo lãnh.
Đồng thời, Liên minh SME kiến nghị Thủ tướng Chính phủ lập tổ công tác đặc biệt để phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trong việc rà soát, giám sát việc triển khai chính sách, đưa ra các tiêu chí về chỉ tiêu mở cửa hoạt động kinh doanh như là một tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí đánh giá kết quả phòng chống dịch và hồi phục kinh tế.
Diễn đàn doanh nghiệp