MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gỡ “nút thắt” kinh doanh lĩnh vực hàng không

Nghị định số 92/2016/NĐ-CP mang tính đột phá lớn, cởi bỏ các nút thắt, thúc đẩy XHH đầu tư trong lĩnh vực hàng không.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng với nhiều quy định mang tính đột phá lớn, cởi bỏ các nút thắt, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động này.

Gỡ rào cản về vốn nhà nước cho doanh nghiệp

Một trong những điểm đáng lưu ý nhất tại Nghị định 92 mới được Chính phủ ban hành là việc những rào cản về vốn Nhà nước và tỷ lệ vốn góp của hãng hàng không trong DN kinh doanh CHK đã được tháo gỡ.

Cụ thể, Nghị định 92 đã gỡ bỏ điều kiện vốn với DN kinh doanh CHK là ”tỷ lệ vốn Nhà nước không được thấp hơn 65% vốn điều lệ” như quy định cũ tại Nghị định 102, tạo điều kiện thúc đẩy xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng CHK.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư tư nhân đang đầu tư xây dựng CHK Quảng Ninh, Lào Cai... khi đáp ứng được các điều kiện về vốn, về phương án kinh doanh và chiến lược phát triển, tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài (chiếm không quá 30% vốn điều lệ để đảm bảo các yếu tố về quốc phòng, an ninh) được phép thành lập DN để kinh doanh CHK, thu hồi nguồn vốn đã đầu tư xây dựng.

Tương tự, quy định về tỷ lệ vốn Nhà nước đối với DN cung cấp dịch vụ khai thác khu bay cũng đã được tháo gỡ để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh khai thác CHK, sân bay.


Nghị định 92 tạo điều kiện thúc đẩy xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng Cảng hàng không - Ảnh: Ngô Vinh

Nghị định 92 tạo điều kiện thúc đẩy xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng Cảng hàng không - Ảnh: Ngô Vinh

Bỏ quy định tỷ lệ vốn tham gia của hãng hàng không trong DN cảng

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không tham gia đầu tư xây dựng, kinh doanh CHK, tạo thành một chu trình dịch vụ khép kín, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, Nghị định 92 cũng đã bỏ quy định về tỷ lệ vốn tham gia của các hãng hàng không trong DN cảng.

Cần phải nhắc lại rằng, trước đây, nhằm ngăn ngừa việc các hãng hàng không lạm dụng lợi thế trong việc sở hữu CHK, tạo sự bất bình đẳng đối với hoạt động khai thác của các hãng hàng không khác nên các VBQPPL đã quy định tỷ lệ vốn góp của hãng hàng không vào DN kinh doanh CHK tối đa không quá 30% vốn điều lệ. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu, xem xét Chính phủ thấy rằng việc kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của các hãng hàng không sẽ được điều tiết theo quy định của pháp luật về cạnh tranh và các quy định về quản lý khai thác CHK, sân bay.

Đơn giản hóa thủ tục cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không

Nghị định 92 cũng tạo ra bước đột phá trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch hơn trong quá trình cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung. Theo đó, từ quy trình thủ tục phức tạp với thời gian cấp phép kéo dài gần 263 ngày quy định tại Nghị định 30/2010, thủ tục cấp giấy phép theo Nghị định 92 đã cắt giảm 72% thời gian làm thủ tục xuống còn 60 ngày; Thủ tục cấp lại giấy phép cũng đã giảm từ 37 ngày xuống còn 18 ngày đối với trường hợp cấp lại do thay đổi nội dung và còn 5 ngày đối với trường hợp cấp lại do mất, rách.

Đặc biệt, đối với việc chuyển nhượng cổ phần nhà đầu tư nước ngoài, tại Nghị định 92, Chính phủ đã giao thẩm quyền xem xét chấp thuận nội dung chuyển nhượng vốn đầu tư cho nước ngoài của DN không có vốn đầu tư nước ngoài cho Bộ trưởng Bộ GTVT để tạo tính chủ động cho Bộ chuyên ngành, rút ngắn thời gian xem xét chấp thuận hoặc không chấp thuận cho DN chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài xuống còn 10 ngày để DN không bị mất chi phí cơ hội trong việc thu hút vốn đầu tư do phải kéo dài thủ tục hành chính.

Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung cho DN sử dụng tàu bay để đào tạo, huấn luyện, bay hiệu chuẩn theo quy định tại Nghị định này cũng đã được gỡ bỏ, tạo sức hút DN đầu tư vào lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước, đáp ứng nhu cầu của thị trường hàng không dân dụng Việt Nam. Theo đó, DN kinh doanh trong lĩnh vực này chỉ phải đáp ứng các quy định về kinh doanh dịch vụ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không mà không đồng thời phải đáp ứng các quy định về kinh doanh vận tải hàng không.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT Trịnh Thị Hằng Nga

Báo Giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên