MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gỡ “thẻ vàng" hải sản - Còn nhiều việc phải làm

26-10-2019 - 14:38 PM | Thị trường

Tháng 11 tới, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang kiểm tra lần thứ hai việc khắc phục các khuyến nghị của EC trong vấn đề khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Dù đã có nhiều nỗ lực song sau đợt kiểm tra trên, Việt Nam có được EC gỡ "thẻ vàng" với hải sản XK hay không còn là điều khá mong manh.

Lắp thiết bị giám sát hành trình chưa đạt

Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua, triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC để khắc phục cảnh báo "thẻ vàng", chống khai thác IUU đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song cũng còn không ít tồn tại, bất cập.

Một số địa phương còn chủ quan, chưa tập trung nguồn lực, chưa thực sự vào cuộc quyết liệt để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Đáng chú ý, từ thời điểm EC cảnh báo "thẻ vàng" (23/10/2017) đến nay, việc tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực vẫn chưa được kiểm soát triệt để. "Điều đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực tháo gỡ "thẻ vàng". Bởi theo yêu cầu của EC, kiểm soát, giảm thiểu tàu cá Việt Nam vi phạm tại vùng biển nước ngoài là một điều kiện tiên quyết cần phải giải quyết trong nhóm các khuyến nghị của EC về khai thác IUU", Bộ NN&PTNT nhận định.

Bên cạnh đó, câu chuyện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cũng chưa đáp ứng theo đúng yêu cầu đặt ra. Báo cáo của Bộ NN&PTNT chỉ rõ: Theo quy định đến ngày 1/7/2019, 100% tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có kết nối với vệ tinh. Tuy nhiên, đến ngày 30/9/2019 các địa phương mới lắp đạt được 1.733/2.618 (66,19%) tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ: Cà Mau là tỉnh đi tiên phong trong lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, học tập kinh nghiệm từ Thái Lan, sau đó đặt hàng với nhà cung cấp. Đến nay, với tàu từ 15m trở lên đến dưới 24m, tỉnh đã lắp đặt thiết bị đạt 55%; tàu trên 24m lắp đặt đạt trên 88%.

"Trong lắp thiết bị giám sát hành trình, khâu xây dựng thông số kỹ thuật, tiêu chí thiết bị địa phương chưa được Trung ương hướng dẫn mà trên cơ sở học tập Thái Lan, tự xây dựng ra 12 tiêu chí cho mình, sau đó yêu cầu nhà cung cấp nghiên cứu làm theo. Trong các nhà cung cấp có Viettel đáp ứng yêu cầu, sau đó có thêm VNPT và một nhà cung cấp nước ngoài tham gia. Điểm khó là phần mềm quản lý chung giữa các nhà mạng. Làm sao để quản lý thiết bị thống nhất là điều rất khó", ông Hải nói.

Liên quan tới câu chuyện thiết bị giám sát hành trình, ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chia sẻ thêm: Với tàu 15m trở lên đến dưới 24m, tỉnh đã lắp đặt đạt hơn 74%; tàu 24m trở lên đạt 90%. Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là việc quan trọng để giám sát tàu cá. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh là có những tàu lắp xong không mở thiết bị. Trong số đó, có tàu đang nằm bờ nên lấy lý do nằm bờ không đi đánh bắt ngoài biển nên không mở thiết bị. Tuy nhiên, có những tàu đi đánh bắt cũng không mở thiết bị.

Ông Hải kiến nghị, thời gian tới, Chính phủ nên có hướng dẫn tiêu chí chung về phần mềm quản lý, tiêu chí chung về thiết bị giám sát tàu cá và hỗ trợ địa  phương. Và cần hỗ trợ trong giai đoạn đầu để bắt buộc tàu phải gắn thiết bị giám sát hành trình.

Truy xuất nguồn gốc khó khăn

Bên cạnh câu chuyện đánh bắt hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài hay lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, truy xuất nguồn gốc hải sản hiện cũng là khâu đối mặt nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá: Công tác truy xuất nguồn gốc chưa đáp ứng được yêu cầu của EC về kiểm soát theo chuỗi tính hợp pháp của sản phẩm xuất sang thị trường EU. Thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm nay, các nước đã đề nghị xác minh 33 trường hợp về các thông tin liên quan đến việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác vào thị trường EU...

Ông Nguyễn Tiến Hải cho hay, Cà Mau cũng đang gặp vướng mắc trong khâu chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản. Hiện nay có tình trạng một số tàu của Cà Mau đi khai thác dài ngày nhưng không vào bờ, trong đó có cả tàu chưa được gắn thiết bị giám sát hành trình. Trong khi đó, có những tàu dịch vụ đem dầu, nước ngọt, nhu yếu phẩm cho tàu khai thác. Sau đó, tàu khai thác bán luôn cá cho tàu dịch vụ. Tình trạng này diễn ra thậm chí còn có những tàu khai thác đã hết thời hạn đăng kiểm nhưng cũng không vào bờ. "Vùng biển cà Mau rộng tới 80 nghìn km2, mênh mông như vậy. Chúng tôi yêu cầu lực lượng kiểm ngư đi ra biển kiểm tra và yêu cầu tàu vào bờ, kiểm tra thủ tục, đăng kiểm nếu hết hạn. Tuy nhiên, lực lượng kiểm ngư còn mỏng nên việc kiểm tra còn hạn chế", ông Hải nhấn mạnh.

Về yếu tố xử lý vi phạm, đặc biệt là với đánh bắt hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, ông Mai Anh Nhịn kiến nghị, thời gian tới Bộ Ngoại giao và Bộ Công an hỗ trợ địa phương trong xử lý các đối tượng móc mối, câu kết với nhau cả trong và ngoài nước, tiếp tay cho việc đưa ngư dân đi khai thác bất hợp pháp, đồng thời cũng phải kiên quyết đấu tranh với phía "bạn". "Trên thực tế cũng có tình trạng tiêu cực từ nước bạn. Lực lượng ở nước ngoài bán ngư trường cho ngư dân khai thác. Tàu của ngư dân ra tới ngư trường nước bạn được tiến hành đổi số, đổi sơn để nhập vào đội tàu của doanh nghiệp nước ngoài", ông Nhịn nói.

Góp thêm quan điểm vào câu chuyện khắc phục "thẻ vàng", ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho rằng, chế tài xử lý ngư dân vi phạm cần nặng hơn. Bên cạnh đó, nhân lực tại các địa phương hiện còn nhiều khó khăn. Ông Thế mong muốn Bộ NN&PTNT sẽ quan tâm, cử thêm lực lượng tăng cường cho địa phương, đặc biệt là lực lượng kiểm ngư...

Theo Thanh Nguyễn

Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên