Go-Viet tuyển dụng hàng loạt vị trí cấp cao, chuẩn bị ra mắt Go-Pay sẵn sàng "nhảy vào chảo dầu" mang tên ví điện tử
Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các ứng dụng đang cùng dẫn đến cuộc chiến trung tâm mang tên ví điện tử, hòng giành lấy túi tiền khách hàng, với những GrabPay, AirPay và tới đây sẽ có thêm Go-Pay.
- 21-06-2019FastGo, be đang "lớn như thánh gióng" và đây là cách họ đương đầu với ông lớn Grab, Go-Viet
- 20-06-2019TGĐ Go-Viet Lê Diệp Kiều Trang: Công nghệ không có biên giới, đừng mặc cảm vì mình đến từ Việt Nam!
- 14-06-2019Viettel Post bất ngờ tung ứng dụng gọi xe MyGo, tương tự Grab, be, Go-Viet
Mới đây, theo thông tin từ facebook cá nhân bà Lê Diệp Kiều Trang - Tổng giám đốc Go-Viet, doanh nghiệp này đang tuyển dụng hàng loạt nhân sự các cấp, trong đó có rất nhiều vị trí cấp cao như giám đốc vận hành tại Hà Nội, giám đốc marketing, giám đốc pháp chế, giám đốc đối ngoại...
Trong đợt tuyển dụng này, Go-Viet cũng đồng thời tuyển dụng giám đốc phát triển kinh doanh cho Go-Pay Việt Nam và quản lý cấp cao bộ phận pháp chế của Go-Pay.
Như vậy, sau các dịch vụ gọi xe máy (Go-Bike), gọi đồ ăn (Go-Food), giao hàng (Go-Send), Go-Viet sẽ tiếp tục triển khai dịch vụ ví điện tử Go-Pay.
Cách đây 1 năm, Go-Jek, startup kỳ lân của Indonesia đã chính thức có mặt tại Việt Nam với ứng dụng mang tên Go-Viet. Tiến vào Việt Nam cũng đánh dấu bước chân mở rộng đầu tiên ra khỏi biên giới quê nhà của Go-Jek. Cùng thời điểm này, Go-Jek cũng có mặt tại Thái Lan với tên gọi GET.
Thử nghiệm từ tháng 7/2018 tại TPHCM và chính thức có mặt từ tháng 8/2018, Go-Viet đã phần nào giảm bớt sức mạnh của Grab tại Việt Nam sau khi công ty này mua lại Uber khu vực Đông Nam Á. Tháng 9/2018, Go-Viet chính thức tiến ra thị trường Hà Nội.
Trước thềm ra mắt thị trường Việt Nam, trong thông cáo gửi báo chí, phía Go-Jek nói rằng Go-Viet sẽ được điều hành bởi đội quản lý địa phương, còn Go-Jek "cung cấp kiến thức, kinh nghiệm cũng như công nghệ và tiền đầu tư".
Để có thể đánh bại thế độc tôn của Grab, ngay từ khi ra mắt tại TP.HCM, Go-Việt đã tung ra những ưu đãi "khủng" như đi 8km chỉ với 5.000 đồng. Chiến lược ưu đãi này đã đem lại hiệu quả cho Go-Việt khi chiếm tới 35% thị phần xe ôm công nghệ chỉ sau 2 tháng.
Với chiến lược tương tự, ngay khi ra Hà Nội, Go-Việt tiếp tục tung gói cước đồng giá 1.000 đồng, áp dụng cho mọi chuyến đi dưới 6km nhằm thu hút khách hàng. Không chỉ đẩy mạnh khuyến mãi, Go-Việt còn đẩy mạnh hoạt động tiếp thị đến từng… quán trà đá, hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng, thậm chí còn phát wifi miễn phí hỗ trợ người dùng cài đặt ứng dụng ngay trên… vỉa hè.
Dù vậy, sau 1 năm vận hành với không quá nhiều thành công ở thị trường gọi xe máy, Go-Viet hiện đang tập trung lực lượng vào cuộc đua giao đồ ăn bằng Go-Food.
Mảng gọi đồ ăn hiện là cuộc so tài "tam quốc diễn nghĩa" của Go-Food, Now, Grab-Food. Sự cạnh tranh khốc liệt các ứng dụng này đang cùng dẫn đến cuộc chiến trung tâm mang tên ví điện tử, hòng giành lấy túi tiền khách hàng, với những GrabPay - Moca của Grab, AirPay của deliveryNow, ViMo của FastGo và tới đây sẽ có thêm Go-Pay của Go-Viet.
Trên thực tế, sau gần 1 năm vận hành, người dùng Go-Viet mới chỉ có lựa chọn thanh toán duy nhất là bằng tiền mặt. Trong khi đó, tại quê nhà Indonesia, Go-Pay của Go-Jek đang thống trị thị trường khi hợp tác với gần 400.000 đối tác kinh doanh, tính đến tháng 12/2018.
Trước tháng 3/2019, vị trí Tổng giám đốc của Go-Viet do ông Nguyễn Vũ Đức - đồng sáng lập Go-Viet đảm nhiệm. Sau khi ông Đức từ chức vào tháng 3, Go-Viet bổ nhiệm bà Lê Diệp Kiều Trang – cựu CEO Facebook Việt Nam làm tổng giám đốc từ tháng 4/2019.
Trí thức trẻ