Gỡ vướng mặt bằng dự án cầu yếu trên địa bàn Hà Nội
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ giai đoạn 1.
- 24-09-2023Phê duyệt quy hoạch khu công nghiệp 160 ha ở Bắc Giang
- 24-09-2023Đón thêm 1,4 tỷ USD, Hải Phòng trở thành ‘quán quân’ về thu hút FDI
- 24-09-2023Mức độ tự do của kinh tế Việt Nam xếp thứ bao nhiêu trên thế giới?
Theo đó, công trình cầu Đa Phúc trên Quốc lộ 3 (địa bàn huyện Sóc Sơn, Hà Nội) thuộc dự án cầu yếu đã triển khai thi công từ tháng 6/2022 và dự kiến hoàn thành tháng 12/2023. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư), hiện nay UBND huyện Sóc Sơn mới bàn giao được 13 thửa đất công, còn vướng 18 thửa đất ở của các hộ dân và công trình hạ tầng kỹ thuật (đường điện chiếu sáng, điện hạ thế, đường nước, cáp quang).
Việc bàn giao mặt bằng cho dự án đang rất chậm, chưa đáp ứng tiến độ triển khai thi công. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND thành phố Hà Nội quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành các thủ tục, bàn giao mặt bằng cho dự án trong tháng 9/2023 để triển khai thi công, đáp ứng tiến độ yêu cầu và phát huy hiệu quả đầu tư.
Cầu Đa Phúc bắc qua sông Công nối thành phố Hà Nội với tỉnh Thái Nguyên thuộc gói thầu XL-03. Đây là một trong 6 cầu được xây mới trong giai đoạn 1 của dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ sử dụng vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hợp tác và Phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) của Chính phủ Hàn Quốc.
Theo phương án thiết kế được duyệt, dự án sẽ thi công thêm một đơn nguyên bên phải cầu Đa Phúc hiện hữu hướng từ thành phố Hà Nội đi Thái Nguyên trên Quốc lộ 3 cũ.
Thông tin về 5 cầu còn lại thuộc dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ giai đoạn 1, đại diện Ban Quản lý dự án 2 cho hay, cầu Xóm Bóng – gói thầu đầu tiên của dự án đã đưa vào khai thác ngày 20/9 vừa qua. Hiện nay, các dự án đang bám sát tiến độ đề ra, ngoại trừ cầu Đa Phúc bắc qua sông Công trên Quốc lộ 3 cũ.
Ngoài 6 cầu yếu đang triển khai thuộc giai đoạn 1, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 khẩn trương hoàn thành các thủ tục để triển khai xây dựng mới 10 cầu thay thế các cầu yếu tiếp theo thuộc giai đoạn 2 của dự án. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2 khoảng 1.100 tỷ đồng cho 10 cầu nằm rải rác trên toàn quốc, gồm tỉnh Nam Định 1 cầu, Gia Lai trên Quốc lộ 19 với 5 cầu, Kiên Giang, Hậu Giang và An Giang mỗi địa phương 1 cầu.
Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 cho hay, đơn vị cũng vừa ký hợp đồng với nhà thầu tư vấn về thiết kế cho 10 công trình của giai đoạn 2. Dự kiến việc lựa chọn nhà thầu trong quý I/2024 và sau đó sẽ tổ chức thi công các công trình giai đoạn 2.
Dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng; trong đó, vốn vay ưu đãi từ EDCF của Chính phủ Hàn Quốc là hơn 1.145 tỷ đồng, số còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Giai đoạn 1 của dự án sẽ tiến hành cải tạo theo hình thức xây mới 6 cây cầu, gồm: cầu Bến Mới (Quốc lộ 38B, Nam Định), cầu Đoan Hùng (Quốc lộ 2, Phú Thọ), cầu Xóm Bóng (Quốc lộ 1C, Nha Trang), cầu Đa Phúc (Quốc lộ 3, nằm giữa Hà Nội và Thái Nguyên), cầu Sông Trường và Nước Oa (Quốc lộ 40B, Quảng Nam).
Báo tin tức