Gỡ vướng pháp lý cho dự án quan trọng hàng đầu
Doanh nghiệp kêu khát vốn, lãi vay cao, nhưng ngân hàng cũng có lý của họ. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp bất động sản với ngân hàng cần phải nhìn nhận một cách tổng thể, khách quan, và theo tôi, vấn đề an toàn hệ thống phải được xác định là quan trọng hàng đầu.
- 09-02-2023Khởi động đầu tư dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài
- 09-02-2023Lý do 3 gói thầu lớn dự án cao tốc Bắc - Nam chưa chọn xong nhà thầu
- 09-02-2023Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục rà soát, bán bớt dự án
Nói về lãi suất huy động, một số người đặt vấn đề, tại sao tỷ lệ lạm phát của chúng ta thấp như vậy mà lãi suất lại cao như thế? Có thể do thay đổi phương pháp tính, nên con số lạm phát chưa phản ánh đúng sự mất giá của đồng tiền. Căn cứ vào việc chi tiêu, ăn ở, sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình sẽ cho thấy rõ điều đó. Nếu nói lạm phát thấp như công bố để hạ lãi suất xuống thì người dân sẽ không gửi tiền vào ngân hàng. Có lẽ, bản thân phía ngân hàng họ cũng thực sự bí lắm rồi mới buộc phải nâng lãi suất đầu vào cao như vậy. Và chính lãi suất huy động của ngân hàng cho thấy sự mất giá của đồng tiền còn lớn hơn những con số công bố.
TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Còn lãi suất đầu ra của dòng tiền, bản thân các ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, nên họ phải tính đến bài toán lỗ lãi. Họ sẵn sàng cho vay, nhưng với điều kiện phải thu hồi được nợ. Trong khi đó, hiện có đến 70% số dự án đang vướng mắc về mặt pháp lý. Nếu ngân hàng cho vay thì rủi ro sẽ rất lớn, buộc họ phải chọn mặt gửi tiền thôi. Dự án còn vướng mắc pháp lý, lại quá tập trung vào phân khúc bất động sản cao cấp với rất nhiều bất ổn, rủi ro, thì không thể cứ bắt ngân hàng phải nới tay rót vốn vào đó được.
Cuối cùng vẫn là bài toán đưa đi đẩy lại giữa ngân hàng với doanh nghiệp. Doanh nghiệp kêu khát vốn, lãi vay cao, nhưng ngân hàng cũng có lý của họ. Bản thân họ cũng cay đắng khi không cho vay được. Bởi nếu cứ cho vay vào những chỗ rủi ro, nếu lạm phát mà bùng phát trở lại, lúc đó ngân hàng và Nhà nước sẽ gặp khó. Mặt khác, nếu rót quá nhiều vào bất động sản, lại không biết nguồn vốn đó được sử dụng ra sao sẽ rất nguy hiểm. Doanh nghiệp nói vay vốn để phục vụ cho mục tiêu này, nhưng vòng quay thứ hai của đồng tiền, liệu ngân hàng có nắm được không?
Do vậy, cần phải nhìn nhận một cách tổng thể, khách quan và vấn đề an toàn hệ thống phải được xác định là yếu tố quan trọng hàng đầu. Cũng có ý kiến cho rằng, cứu được doanh nghiệp thì lúc đó sẽ đảm bảo được an toàn hệ thống, đó cũng là một cách. Mà muốn cứu doanh nghiệp, thì vấn đề gỡ vướng về pháp lý quan trọng hàng đầu.
Để hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và ngân hàng, cần phải tập trung vào câu chuyện thể chế, tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý và thủ tục của các dự án. Đó là điều quan trọng hàng đầu để khơi thông nguồn vốn. 70% dự án vướng mắc về pháp lý thì cần phải tập trung để xử lý. Có xử lý được không? Nếu xử lý được và dự án đó thực sự mang lại hiệu quả, tự khắc sẽ huy động được nguồn lực từ thị trường, từ xã hội chứ chưa cần phải Nhà nước bỏ tiền ra. Suy cho cùng, nguồn lực trên thị trường chỉ được huy động khi vấn đề pháp lý của dự án được đảm bảo.
Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, có ý kiến đề xuất cho phép doanh nghiệp được chuyển đổi lấy một phần dự án như một hình thức góp vốn. Đó cũng là một cách, nhưng cần phải xem xét kỹ về mặt pháp lý. Thực tế, lâu nay các doanh nghiệp đã bán tài sản hình thành trong tương lai để huy động vốn, phát triển dự án bất động sản. Đây cũng là vấn đề khá đặc thù của Việt Nam, cũng trở thành động lực thúc đẩy thị trường bất động sản trong thời gian qua. Tuy nhiên vấn đề này cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng, Tài chính cần có câu trả lời, xem vấn đề pháp lý có thực sự ổn không.
Tiền phong