Góc đã giàu lại càng giàu hơn: 10 tỷ phú giàu nhất thế giới tăng gấp đôi tài sản trong đại dịch, mất 414 năm mới tiêu hết
Theo báo cáo của tổ chức từ thiện Oxfam, tài sản của 10 tỷ phú giàu nhất thế giới tăng hơn một tỷ USD mỗi ngày, trong khi 99% dân số thế giới giảm thu nhập vì Covid-19.
Mười người giàu nhất thế giới đã chứng kiến khối tài sản của mình tăng gấp đôi, lên đến 1.500 tỷ USD kể từ thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Sự gia tăng giá cổ phiếu và bất động sản đã làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, theo Guardian.
Tài sản của tỷ phú Elon Musk đã tăng 10 lần, đạt 294 tỷ USD trong 20 tháng đầu của đại dịch, giúp ông vượt qua Jeff Bezos - nhà sáng lập của Amazon - trở thành người giàu nhất thế giới.
Trong giai đoạn cổ phiếu công nghệ tăng vọt ở Phố Wall, tài sản ròng của Bezos tăng 67% lên 203 tỷ USD, tài sản của Mark Zuckerberg tăng gấp đôi lên 118 tỷ USD, trong khi tài sản của người sáng lập Microsoft, Bill Gates, tăng 31% lên 137 tỷ USD.
Tài sản ròng của 10 tỷ phú giàu nhất thế giới tăng gấp đôi trong đại dịch. (Ảnh: Guardian)
Báo cáo của Oxfam chỉ ra đại dịch đã khiến khoảng cách giàu nghèo tiếp tục tăng. Thu nhập của 99% dân số thế giới giảm từ tháng 3/2020 đến tháng 10/2021, trong khi tài sản của 10 vị tỷ phú tăng 1,3 tỷ USD mỗi ngày. 10 tỷ phú này sẽ mất 414 năm để tiêu hết tài sản của họ với tốc độ một triệu đô la mỗi ngày.
"Sự bùng nổ của tài sản các tỷ phú trong bối cảnh tình trạng nghèo đói ngày càng tăng phản ánh những lỗ hổng cơ bản trong nền kinh tế của chúng ta", ông Danny Sriskandarajah, giám đốc điều hành của Oxfam GB cho biết.
Giá cổ phiếu giảm mạnh ở những tuần đầu của đại dịch, nhưng đã tăng mạnh khi các ngân hàng trung ương và bộ tài chính trên thế giới tung ra những gói kích thích kinh tế.
Lãi suất thấp kỷ lục và nguồn tiền tăng thông qua việc mua trái phiếu đã đẩy thị trường chứng khoán tăng vọt, đặc biệt ở các công ty công nghệ như Amazon, Google, Apple và Facebook, khi nhu cầu mua sắm và làm việc tại nhà gia tăng.
Oxfam cũng cho biết, do giá cả thực tế trong đại dịch đã tăng lên nên họ điều chỉnh theo lạm phát bằng cách sử dụng chỉ số CPI của Mỹ.
Báo cáo của Oxfam cũng dựa trên số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết tình trạng không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nạn đói, bạo lực giới và biến đổi khí hậu đã khiến cho cứ 4 giây lại có một người chết.
Theo tổ chức này, 160 triệu người đang sống dưới mức 5,5 USD/ngày - mức nếu không có tác động của đại dịch. WB sử dụng mức 5,5 USD/ngày làm thước đo tỷ lệ nghèo đói ở các nước có mức thu nhập dưới mức trung bình.
Đại dịch đang buộc các nước đang phát triển cắt giảm chi tiêu xã hội khi các khoản nợ quốc gia tăng lên. Vấn đề bình đẳng giới cũng đang được đặt ra với 13 triệu phụ nữ đi làm hiện nay ít hơn so với năm 2019 và hơn 20 triệu trẻ em gái có nguy cơ không bao giờ được đến trường.
Ông Sriskandarajah cho rằng, ngay cả thời kỳ khủng hoảng toàn cầu, các hệ thống kinh tế không công bằng vẫn mang lại lợi nhuận hấp dẫn cho giới giàu nhất nhưng lại không bảo vệ được những người nghèo nhất.
Đầu tháng này, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cũng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc gia tăng bất bình đẳng toàn cầu và cho rằng tác động của lạm phát và các biện pháp giải quyết có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn cho các nước nghèo hơn.
Tham khảo: The Guardian