MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Ông trùm” xuất khẩu cà phê lý giải về diễn biến lạ của giá cà phê

14-11-2024 - 10:50 AM | Thị trường

(NLĐO) – Giá cà phê tăng trở lại giữa lúc nông dân Việt Nam đang thu hoạch rộ khiến ai nấy đều vui mừng nhưng cũng thấy khó hiểu

Rạng sáng 14-11 (giờ Việt Nam), chốt phiên giao dịch trên sàn London (Anh), giá cà phê Robusta bật tăng mạnh 2,04 – 2,09% so với phiên giao dịch ngày hôm trước, tùy kỳ hạn. 

Ở kỳ hạn cà phê giao tháng 1-2025, giá cà phê Robusta lên mức 4632 USD/tấn, tăng 95 USD/tấn; kỳ hạn giao hàng tháng 3-2025, giá cà phê Robusta lên 4552 USD/tấn, tăng 91 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 5-2025 giá cà phê ở mức 4486 USD/tấn, tăng 92 USD/tấn và kỳ hạn tháng 7-2025 lên 4405 USD/tấn, tăng 88 USD/tấn.

Là nông dân trồng cà phê lâu năm nhưng ông Lý Thông Hạ (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) chưa bao giờ thấy hiện tượng lạ như năm nay khi giá cà phê lại tăng ở thời điểm thu hoạch rộ.

"Giá cà phê rất khó đoán định khi chịu tác động rất nhiều bởi yếu tố vĩ mô bên ngoài. Do đó, tâm lý người nông dân thường được lúc nào hay lúc đó vì rất khó đoán giá" – lão nông này nói.

“Ông trùm” xuất khẩu cà phê lý giải về diễn biến lạ của giá cà phê- Ảnh 1.

Cũng theo ông Hạ, hiện giá cà phê tươi tại Lâm Đồng đang được thu mua từ 20.000 – 22.000 đồng/kg (1 kg cà phê nhân cần từ 4 – 4,5 kg cà phê tươi), là mức cao nhất từ trước đến nay và người trồng cà phê đang có lãi khoảng 60-70%, tức 1 vốn 2 lời.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về giá cà phê hiện nay, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, nói về một yếu tố đặc biệt mà ít người nói đến chính là vai trò điều tiết giá của nông dân Việt Nam. Ông Nam cũng đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA). 

Trong niên vụ 2023-2024 vừa qua, Intimex và các công ty trực thuộc đã xuất khẩu tổng cộng gần 885 triệu USD cà phê, dẫn đầu cả nước nên Intimex được xem là "ông trùm" xuất khẩu cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, xét về doanh nghiệp riêng lẻ thì Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai) dẫn đầu với kim ngạch hơn 520 triệu USD.

Ông Đỗ Hà Nam cho hay giá cà phê nhân bình quân nông dân bán ra ở mức khoảng 110.000 đồng/kg là mức "mơ ước" trong nhiều năm qua.

"Cà phê đang thu hoạch rộ nhưng nông dân lại chưa bán ra nhiều, nguồn cung không dồi dào nên giữ được giá ở mức cao. Họ làm được điều này bởi không gặp áp lực về tài chính và cà phê có thể trữ được 1-2 năm" – ông Đỗ Hà Nam lý giải.

Dù vậy, với vai trò là nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu, ông Nam nói rằng các nhà nhập khẩu kêu ca về việc giá cà phê Robuta Việt Nam hiện quá đắt đỏ. Trong thời gian ngắn họ vẫn cần cà phê Việt Nam vì người tiêu dùng đã quen với vị cà phê Việt nhưng nếu cà phê Việt Nam ở mức quá cao trong thời gian dài nhà mua sẽ phải điều chỉnh công thức. Khi người tiêu dùng quen với vị cà phê mới thì xuất khẩu cà phê sẽ gặp khó.

"Do vậy, một mức giá vừa phải xung quanh 100.000 đồng/kg là hài hòa lợi ích các bên để cà phê Việt Nam ổn định thị trường và phát triển bền vững" – ông Nam bày tỏ.

Tăng nóng sau khi ông Trump đắc cử

Ở kỳ hạn cà phê Robusta giao tháng 1-2025, giá đã tăng 325 USD/tấn chỉ sau 1 tuần (tính từ 7-11) tính từ sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ 47 và ông Donal Trump là người đắc cử.


Theo Ngọc Ánh

Người Lao Động

Trở lên trên