MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc khuất gần 1000 tỷ nợ gốc mất khả năng thanh toán BIDV cho vay Công ty Trung Dũng

16-09-2020 - 11:12 AM | Tài chính - ngân hàng

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa có kết luận điều tra bổ sung để làm rõ 6 nội dung theo yêu cầu của Viện KSND Tối cao trong vụ án xảy ra tại BIDV dưới thời cựu Chủ tịch Trần Bắc Hà.

Các nội dung điều tra bổ sung này đều liên quan đến những vụ kiện dân sự giữa Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Trung Dũng (Công ty Trung Dũng).

Theo kết quả điều tra bổ sung, hồ sơ, tài liệu đã thu thập được trong quá trình điều tra bổ sung không mâu thuẫn, không ảnh hưởng đến nội dung, bản chất vụ án đã được kết luận tại bản Kết luận điều tra số 22/CSKT-P13 ngày 18/03/2020 của Cơ quan CSĐT, Bộ Công an.

Với kết luận điều tra này, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã chuyển toàn bộ hồ sơ và Kết luận điều tra bổ sung vụ án sang Viện KSND Tối cao, đồng thời giữ nguyên quan điểm kết luận và kiến nghị truy tố các bị can theo nội dung tại bản Kết luận điều tra số 22/CSKT-P13.

Trước đó, phiên tòa xét xử vụ án này đã phải hoãn do Viện KSND Tối cao yêu cầu điều tra bổ sung. Nội dung điều tra đều liên quan đến khoản nợ của Công ty Trung Dũng tại BIDV.

Về nội dung xác minh làm rõ toàn bộ quá trình mua bán khoản nợ của Công ty Trung Dũng giữa BIDV và VAMC, Cơ quan CSĐT xác định BIDV đã đánh giá Công ty Trung Dũng là khách hàng có nợ xấu, có tài sản đảm bảo và thuộc đối tượng được VAMC  mua bằng trái phiếu đặc biệt.

Ngày 27/3/2014, BIDV thực hiện bán khoản nợ 1.202 tỷ đồng của Công ty Trung Dũng cho VAMC với giá 779,580 tỷ đồng. Khoản nợ này có tài sản đảm bảo chỉ 247,433 tỷ đồng.

Sau đó, VAMC đã ký 3 hợp đồng ủy quyền cho BIDV thực hiện các quyền của VAMC đối với khoản nợ xấu của Công ty Trung Dũng tại BIDV, bao gồm: ủy quyền thu hồi, đòi nợ; quản lý khoản nợ xấu; xử lý tài sản đảm bảo.

Về việc BIDV mua lại các khoản nợ đã bán cho VAMC, tổng giá trị mua bán các khoản nợ này là 765,371 tỷ đồng.

Về nội dung xác minh làm rõ quá trình BIDV và VAMC khởi kiện Công ty Trung Dũng tại TAND quận Hoàn Kiếm (TPHà Nội), BIDV kiện Trung Dũng theo ủy quyền của VAMC do công ty này vi phạm nghĩa vụ trả nợ.

Trong vụ kiện này, BIDV yêu cầu Công ty Trung Dũng thực hiện trả toàn bộ nợ vay, lãi phát sinh quá hạn là 1.086 tỷ đồng và 21,094 triệu USD. Đến tháng 12/2017, BIDV theo ủy quyền của VAMC đã thỏa thuận được với công ty Trung Dũng và các bên liên quan về việc giải quyết tranh chấp. Phía Trung Dũng cam kết trả nợ trong vòng 12 tháng kể từ ngày 8/12/2017. Nội dung này đã được TAND quận Hoàn Kiếm công nhận, có hiệu lực ngay khi ban hành.

Đối với khởi kiện theo ủy quyền của BIDV, ngày 6/12/2017, BIDV chi nhánh Hà Thành khởi kiện công ty Trung Dũng ra TAND quận Hoàn Kiếm. Yêu cầu Công ty Trung Dũng phải trả cho BIDV số tiền phát sinh theo các hợp đồng với số tiền 429 tỷ đồng và 372.430 USD. Sau đó, hai bên đạt được thỏa thuận và phía Trung Dũng cam kết thanh toán toàn bộ số tiền nói trên kể từ 19/12/2017 đến khi thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ cho BIDV.

Ngày 18/8/2020, Viện KSND cấp cao tại Hà Nội đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, kháng nghị toàn bộ quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa BIDV và công ty Trung Dũng đối với cả hai thỏa thuận nói trên. Ngày 28/8/2020, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy quyết định của TAND quận Hoàn Kiếm công nhận sự thỏa thuận giữa BIDV và Công ty Trung Dũng.

Theo kết luận điều tra, kể từ năm 2012, hoạt động kinh doanh của Công ty Trung Dũng gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ, không thực hiện được việc trả nợ. Từ tháng 9/2013 đến tháng 12/2017, BIDV đã xử lý 13 tài sản thế chấp, thu hồi số tiền 358,446 tỷ đồng.

Tại CQĐT, bị can Đoàn Hồng Dũng, Giám đốc Công ty Trung Dũng khai sau khi BIDV đã xử lý toàn bộ tài sản đảm bảo, khoản nợ gốc còn lại 956 tỷ đồng (chưa kể lãi).

Công ty Trung Dũng đã ngừng hoạt động và không còn khả năng thanh toán.

Công ty Trung Dũng do vợ chồng Đoàn Hồng Dũng thành lập từ năm 2000, vốn điều lệ 200 tỉ đồng để kinh doanh sắt, thép, vật liệu xây dựng.

Ngoài việc thành lập Công ty Trung Dũng, Đoàn Hồng Dũng còn nhờ người thân quen trong gia đình thành lập thêm 2 công ty khác với mục đích hỗ trợ nhau trong việc kinh doanh, mở rộng địa bàn gồm: Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hà Nam (Công ty Hà Nam) do Nguyễn Thị Thanh Sơn (vợ Dũng) làm Giám đốc; Công ty CP Đầu tư và Phát triển Trung Dũng (Công ty Đầu tư Trung Dũng) do Đoàn Mạnh Trung (con trai Dũng) là Chủ tịch HĐQT.

Từ năm 2007-2011, BIDV Chi nhánh Hà Thành đã cấp tín dụng cho Công ty Trung Dũng với 3 hình thức: Bảo lãnh phát hành, bảo lãnh thanh toán trái phiếu để đầu tư vào Công ty CP gang thép Thái Nguyên (Công ty TISCO); Cho vay theo hạn mức tín dụng ngắn hạn để phục vụ mua bán hàng hóa (sắt thép thành phẩm, phôi thép, thép phế) và cấp tín dụng bằng hình thức phát hành L/C nhập khẩu hàng hóa (phôi thép, thép phế).


Theo Ngân Giang

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên