Góc nhìn chuyên gia: Cú "bom hàng thế kỷ" và huỷ lô 75 triệu cổ phiếu của hai "tay to" là đòn dập lửa cho con sóng bất động sản
Ông Tuấn kết luận: "Nhất tiễn song điêu và lập lại trật tự là điều tốt hơn là xấu sau vụ " bom hàng thế kỷ này", dĩ nhiên sẽ có những hệ luỵ là gáo nước lạnh cho những câu chuyện ăn theo mà thôi chứ nếu là vàng thật thì sẽ không sợ lửa!"
Giới tài chính đến vẫn chưa thể hết sốc khi những tin "bom tấn" cùng được tung ra cùng lúc đó là sự việc Tân Hoàng Minh xin tự huỷ đấu giá bỏ cọc 600 tỷ đồng và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) huỷ lô 74,8 triệu cổ phiếu "bán chui" của ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC. Đây có thể coi là những sự kiện vô tiền khoáng hậu trong ngành tài chính.
Chia sẻ về hai sự việc này, ông Huỳnh Minh Tuấn - nhà sáng lập Sáng lập Công ty tư vấn quản lý tài sản FIDT cho rằng hậu công bố đấu giá, hàng loạt áp lực khoá van tiền tài trợ từ cấp cao đã cho thấy rất khó để Tân Hoàng Minh có thể xoay được dòng tiền hơn 1 tỷ USD cho lô đất kim cương này vì vậy câu chuyện bỏ cọc là điều không quá bất ngờ.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, hệ quả sau vụ này là tốt hơn là xấu vì nếu như năng lực tài chính Tân Hoàng Minh không đủ thì đây sẽ là chiêu lấy "mỡ nó rán nó" và tiếp tục bơm lớn quả bom nợ của Tân Hoàng Minh và các sân sau và tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường, ngoài ra đâu đó cũng là một đòn "dập lửa" cho cơn sóng hiệu ứng bất động sản gia tăng sau cuộc đấu giá 2,4 tỷ đồng/m2 đã bơm "doping" cho cơn điên của thị trường.
Ông Tuấn kết luận: "Nhất tiễn song điêu và lập lại trật tự là điều tốt hơn là xấu sau vụ "bom hàng thế kỷ" này, dĩ nhiên sẽ có những hệ lụy là gáo nước lạnh cho những câu chuyện ăn theo mà thôi chứ nếu là vàng thật thì sẽ không sợ lửa!".
Về việc huỷ lô giao dịch "bán chui" cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết, ông Tuấn cho rằng câu câu chuyện ở đây không mới và nó tái diễn nhiều năm rồi, cũng là một trong những lực cản định tính nhất về quá trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam vì hình tượng con voi chui lọt lỗ kim!
Việc huỷ giao dịch và hoàn trả tiền cho khoảng hơn 20.000 nhà đầu tư đối ứng với hơn 74,8 triệu cổ phiếu của ông Quyết là vô tiền khoán hậu và không công bằng vì những hệ quả lan toả và cộng hưởng của nó!
"Không khó để hình dung sau quyết định này thì sự ảnh hưởng về mặt kỳ vọng xấu cho cổ phiếu FLC chắc chắn diễn ra và tiếp diễn trong các phiên tiếp theo. Phiên giao dịch này lên tới hơn 135 triệu cổ phiếu được sang tay thì còn gần 60 triệu cổ còn lại và thiệt hại nếu có sẽ xử lý như thế nào? Vì vậy huỷ giao dịch đối ứng này là một giải pháp chưa hợp lý nhất là trong bối cảnh mà lớp nhà đầu tư F0 gia tăng rất tốt và tạo ra tiền đề phát triển mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán nhờ sự thay đổi về cả lượng lẫn chất! Sự nghiêm minh về luật pháp đi kèm với quản trị minh bạch mới là cái nhà đầu tư cần chứ không phải là một giải pháp tình huống", ông Tuấn nhận định.
Về mặt ảnh hưởng tới thị trường tài chính và chứng khoán của 2 thông tin này, ông Tuấn đánh giá sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc sẽ ảnh hưởng tới dòng bất động sản trong ngắn hạn nhưng cũng chỉ tầm 1-2 phiên vì câu chuyện cục bộ tại Thủ Thiêm và nhìn xa hơn thì nó tạo ra sự lành mạnh cho hệ thống ngân hàng đi kèm giảm nhiệt sức nóng của bất động sản, điều này trực tiếp và gián tiếp giúp cho quá trình đầu tư công hay hạ tầng của Chỉnh phủ thêm thuận lợi vì không đội giá làm chậm trễ đền bù dẫn tới chậm trễ tiến độ và gia tăng chi phí đầu vào của dự án!
Việc huỷ lô giao dịch của ông Trịnh Văn Quyết thì ông Tuấn cho rằng sẽ ảnh hưởng tới nhóm đầu cơ là chắn chắn nhưng đây chỉ là ngọn của vấn đề. Trong 2 năm gần đây nhóm nhà đầu tư F0 rất nhiều với những bài học còn chưa ráo mực thì việc xử lý như trên là chưa hợp lý và tạo tiền đề không tốt cho thị trường chứng khoán!
"Thật ra cái hay nhất của thị trường chứng khoán là sự "mau quên" của nhà đầu tư vì vậy cũng sẽ đâu vào đó khi nhiệt dư luận giảm đi nhưng cần nhìn vào những giải pháp căn cơ hơn là tình thế", ông Tuấn nhận định.
Ông Lynch Phan, Founder Công ty Tư vấn và đầu tư Take Profit Việt Nam cho rằng sự kiện Tân Hoàng Minh xin huỷ đấu giá, ông Trịnh Văn Quyết bị huỷ lô 74,8 triệu cổ phiếu bán "chui" là hồi chuông cảnh báo cho cơn sốt bất động sản, cổ phiếu bất động sản thời gian vừa qua bởi đây là hai "tay to" trong lĩnh vực bất động sản. Nhà đầu tư phải cẩn trọng bởi nhóm cổ phiếu bất động sản thời gian qua đã có đà tăng nóng.
Vị CEO này phân tích, Tân Hoàng Minh huỷ đấu giá bỏ cọc 600 tỷ đồng là sự kiện rúng động giới tài chính, bất động sản bởi số tiền 600 tỷ đồng không phải nhỏ. Trước đó, Tân Hoàng Minh trả giá 2,4 tỷ đồng/m2 cho lô đất ở Thủ Thiêm sau đó tạo nên cơn sốt đất lớn trên cả nước, đặc biệt ở đất xung quanh khu Thủ Thiêm (TP HCM).
"Ngay cả các cán bộ cấp cao của Nhà nước cũng thấy sự bất thường khi giá đất được đẩy lên như vậy. Cơn sốt đất trên cả nước đã được đẩy lên cao trào, tạo nên cơn điên của thị trường trong thời gian qua, 600 tỷ mà đùng cái bỏ cọc", ông Lynch Phan cho rằng các cổ phiếu đầu cơ đặc biệt nhóm cổ phiếu bất động sản theo phương pháp "đếm cua" cùng với dòng tiền mạnh mẽ tham gia thị trường sẽ chịu ảnh hưởng.
Thời gian qua có rất nhiều cổ phiếu bất động sản được nhà đầu tư định giá theo phương pháp "đếm cua". Với dòng tiền đầu cơ cực lớn của nhà đầu tư mới, chỉ cần có một người đứng ra hô hào, các mã cổ phiếu sẽ tăng lên vài trăm ngàn/cổ phiếu. Việc "đếm cua" quỹ đất có thể đúng trong dài hạn 5-10 năm nhưng trong ngắn hạn khi cổ phiếu đã tăng quá nóng mà lợi nhuận doanh nghiệp không thể theo kịp trong ngắn hạn có thể sẽ tác động sâu đến giá cổ phiếu. Những cổ phiếu như DIG có quỹ đất lớn bao nhiêu năm nay nhưng sao đến giờ này nó mới tăng bằng lần...
"Tất cả do dòng tiền đầu cơ, do cơn sốt đất, cơn sốt cổ phiếu bất động sản cùng làn sóng gia nhập của các nhà đầu tư F0 gia nhập thị trường đã tạo ra con sóng rất điên đó. Nếu định giá theo phương pháp đếm cua như nhiều nhà đầu tư hiện nay đang làm thì với quỹ đất 16 triệu ha thì VHM sẽ có giá 3-4 triệu đơn vị/cổ phiếu sau khi trừ đi nợ", ông Lynch Phan nói.
Ông Lynch Phan, Founder Công ty tư vấn và đầu tư Take Profit Việt Nam
Về vụ huỷ lô giao dịch 74,8 triệu cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết, vị CEO này nhấn mạnh đây là việc chưa có tiền lệ trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ cần 2 phiên giao dịch đã chiếm tới 40% lượng cổ phiếu lưu hành thì đó là vô tiền khoáng hậu. Việc ông Trịnh Văn Quyết bán "chui" cổ phiếu cũng không phải lần đầu.
"Nhà đầu tư thường hỏi tôi về cổ phiếu FLC nhưng thực sự vì trải qua nhiều thăng trầm của thị trường tôi rất ít khi trả lời những câu hỏi ấy. Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng là một tập đoàn lớn, nhưng cũng có lùm xùm. Thị trường tài chính là nơi mọi bài học đều phải trả giá bằng tiền. Mong rằng nhà đầu tư hãy phân biệt rõ chứ đừng đầu cơ mà nghĩ mà mình đang đầu tư", ông Lynch Phan chia sẻ.