Góc nhìn chuyên gia: "Lỡ sóng" ngân hàng, nhà đầu tư vẫn còn cơ hội với một số nhóm cổ phiếu có thông tin hỗ trợ nhưng chưa tăng mạnh
Theo chuyên gia KIS, các cổ phiếu đã có sự tăng giá so với giai đoạn tháng 11-12/2023 nên có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh kỹ thuật trong thời gian tới và đây sẽ là cơ hội tốt để giải ngân.
- 21-01-2024Có nên mua cổ phiếu lúc cận Tết?
- 21-01-2024Số liệu CTCK quý 4: Quán quân tăng trưởng lợi nhuận gọi tên VNDirect với mức đột biến 11.600%, TCBS, SSI, VPS, Vietcap... đồng loạt báo lãi "tăng bằng lần"
- 21-01-2024Dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán lên cao nhất 7 quý, bất ngờ cái tên dẫn đầu không phải SSI, VNDirect, Mirae Asset hay VPS
Thị trường chứng khoán ghi nhận tuần giao dịch tương đối khởi sắc, VN-Index bứt phá ra khỏi khu vực tích luỹ kéo dài để lên mức cao nhất trong 4 tháng qua. Dù điểm số cải thiện lên mốc 1.181 điểm, song thanh khoản suy yếu đáng kể cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước kỳ nghỉ lễ dài chuẩn bị tới.
Diễn biến hồi phục của thị trường được các chuyên gia đánh giá tích cực. Dù nhóm ngân hàng - nhóm dẫn dắt thị trường thời gian qua gặp áp lực điều chỉnh cũng khó làm thay đổi xu hướng tăng của chỉ số. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng dòng tiền vẫn rất thận trọng, nhà đầu tư cần cân nhắc việc mua mới trong thời điểm này.
Tận dụng nhịp điều chỉnh để giải ngân đón sóng tăng
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam
Thị trường có tuần phục hồi thứ 5 liên tiếp qua đó thể hiện nhiều tín hiệu xác nhận xu hướng tăng trong ngắn hạn. Theo đó, chỉ số xuất hiện 2 phiên bứt phá vào thứ 5 và thứ 6 tuần trước khi vượt được ngưỡng 1.165 điểm, qua đó đạt mục tiêu giá của mẫu hình chữ nhật. Mục tiêu tiếp theo của chỉ số VN-Index sẽ là vùng đỉnh tháng 8-9 năm 2023, vùng 1.240-1.260 điểm.
Tuy khối lượng/ thanh khoản có phần suy giảm trong tuần trước nhưng đây không phải là tín hiệu xấu và nguyên nhân có thể đến từ kỳ nghỉ tết nguyên đán sắp tới. Theo đó, giai đoạn trước tết hoặc các kỳ nghỉ lễ dài ngày thanh khoản thường có sự suy giảm và dòng tiền có thể sẽ trở lại sau giai đoạn lễ.
Thị trường đã xác nhận xu hướng tăng từ tháng 12/2023 khi vượt vùng 1.130 điểm. Đây là mẫu hình chữ nhật- một dạng mẫu hình tích lũy xu hướng. Phiên bứt phá cuối tuần trước chỉ xác nhận lại cho xu hướng này. Bên cạnh đó các yếu tố cơ bản cũng đang hỗ trợ cho xu hướng tăng trưởng này như:
(1) Sự phục hồi của nền kinh tế, theo đó nền kinh tế đã bắt đầu phục hồi từ quý 1/2023. (2) Sự quay trở lại của dòng vốn FDI, đây là ngoại lực khá quan trọng ở giai đoạn này. Lúc trước dòng vốn của Samsung đã có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn qua. Dòng vốn FDI ở thời điểm này cũng sẽ có tác động tương tự. (3) Chính sách tài khóa mở rộng với việc đầu tư mạnh và các dự án hạ tầng. Điều này sẽ tạo ra kết nối giữa các vùng và tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Xu hướng tăng trong ngắn hạn và trung hạn đã được xác nhận vì thế rủi ro thị trường giảm mạnh là rất thấp. Vì thế, trường hợp nhóm cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh cũng không thể làm chỉ số giảm mạnh. Tuy tỷ trọng của Ngân hàng trong chỉ số là lớn nhưng sự biến động của nhóm này không quyết định xu hướng của thị trường mà phải dựa vào các nhóm cổ phiếu khác. Cụ thể trong giai đoạn qua, các cổ phiếu ngân hàng tăng 20% nhưng chỉ số chỉ tăng 7%.
Thêm vào đó, các nhóm cổ phiếu khác cũng đang dần phục hồi theo sự phục hồi của nền kinh tế, nhiều nhóm cũng có câu chuyện riêng như nhóm dầu khí, nhóm bất động sản khu công nghiệp, đầu tư công… Có thể thị trường sẽ xuất hiện 1 vài phiên điều chỉnh mạnh do yếu tố tâm lý nhưng tổng thể thì khó có chuyện thị trường điều chỉnh mạnh trong nhiều phiên.
Với nhận định xu hướng tăng đã được xác nhận, ông Hiếu cho rằng việc cầm giữ cổ phiếu là ưu tiên trong ngắn hạn. Nhưng thời điểm giải ngân nên được cân nhắc. Với những nhà đầu tư đã giải ngân phần lớn danh mục của mình trong tháng 12/2023, khi thị trường xác nhận xu hướng tăng thì nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu hoặc gia tăng thêm khi thị trường vượt một số ngưỡng quan trọng.
Tuy nhiên với nhà đầu tư chưa giải ngân hoặc có tỷ trọng cổ phiếu nhỏ thì thời điểm giải ngân sẽ rất quan trọng. Nhóm này nên giải ngân sau tết do tình hình thế giới đang có nhiều biến động khó dự đoán như xung đột địa chính trị, căng thẳng ở biển đỏ. Những sự kiện này có thể xoay chuyển trong thời gian ngắn và tạo ra những rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt là trong dịp tết khi thị trường tạm ngừng giao dịch trong một thời gian dài. Nếu thông tin tiêu cực xuất hiện nhà đầu tư không thể phản ứng ngay và gây rủi ro lớn cho danh mục.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu đã có sự tăng giá so với giai đoạn tháng 11-12/2023, nên có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh kỹ thuật trong thời gian tới, đây mới là cơ hội tốt để giải ngân.
Dòng tiền ngắn hạn bị chững lại chờ đợi tín hiệu tiếp theo
Ông Ngô Minh Đức, Founder Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính LCTV
Tuần qua, VN-Index đã có sự phục hồi đáng chú ý nhờ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó bao gồm cả sự đóng góp của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Đây là tín hiệu tốt cho thị trường khi 2 lần trước đó chỉ số gặp mốc 1.167 điểm đều điều chỉnh trở lại. Khối ngoại cũng đã có 4/5 phiên mua ròng mạnh, thị trường vượt kháng cự ngắn hạn 1.167 lần này sẽ mang tính bền vững.
Theo chuyên gia, TTCK đã tạo đáy Bear Trap vào 1/11/2023 và sẽ tiếp tục đi lên, chinh phục những điểm cao mới nhờ bệ đỡ từ vĩ mô ổn định, như lãi suất huy động tiếp tục giảm, lợi suất trái phiếu thấp và ngân hàng nhà nước duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ.
Bởi vậy, sau nhiều lần bị kìm hãm và phải chịu sự điều chỉnh, VN-Index đã có cú bứt phá mạnh mẽ vượt kháng cự 1.167 để tiến lên những khu vực cao hơn. Xét về yếu tố pha cổ phiếu, giai đoạn 2024-2026 sẽ là nhịp tăng mạnh của thị trường chứng khoán.
Với góc nhìn toàn diện, từ sau khi tạo đáy Bear Trap ngày 1/11 tới đầu tháng 12/2023, các cổ phiếu nhóm chứng khoán và BĐS đã tăng rất mạnh, có cổ phiếu chứng khoán tăng tới 35% kể từ đáy, trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nói chung, và nhóm ngân hàng nói riêng tăng chậm, thì từ đầu tháng 1/2024 tới nay, dòng tiền lại luân phiên tìm tới các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Nhìn chung, Quý 3 và Quý 4/2024, là vùng trũng của nền kinh tế sau Covid, nhóm bank sẽ tạo đáy đi lên khi trải qua chu kỳ kinh doanh sụt giảm vào thời gian này, do bị hấp dẫn bởi yếu tố định giá và vĩ mô thuận lợi cho hoạt động đầu tư. Tiền vào nhóm bank cũng là dòng tiền rẻ, tìm tới những cổ phiếu ngân hàng còn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt như MBB, BID. Như vậy trong 2 tháng gần đây, dòng tiền đã lần lượt luân phiên từ nhóm Chứng khoán, BĐS, sang nhóm Logicstic, Dầu khí, thép và hiện tại ghi nhận dòng Bank và bán lẻ phục hồi.
Sau hai lần gặp mốc kháng cự ngắn hạn 1.167, VN-Index đã chỉnh và tăng vượt lên 1.181 trong phiên 19/1/2024 vừa qua. Điều đó cho thấy dòng tiền đã lựa chọn kỹ nhóm ngành tiềm năng cho năm nay, chứ không phải dòng tiền nóng đẩy giá một vài phiên rồi lại nguội như trong giai đoạn suy thoái 2022. Chuyên gia cho rằng mốc tiếp theo là 1.250 điểm, và chừng nào vĩ mô còn thuận lợi, ngân hàng nhà nước còn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng thì TTCK còn tiếp tục hưởng lợi và tiếp tục tăng giá.
Dòng tiền gần tết chưa thực sự sẵn sàng quay lại thị trường, tâm lý đứng ngoài nghe ngóng còn nhiều, đặc biệt ở nhà đầu tư cá nhân. Hơn nữa, trong hơn một tháng qua, các nhóm cổ phiếu chủ yếu đi ngang trong biên hộp khoảng 7-10%, nên đa số chưa có lãi nhiều.
Ở giai đoạn này, khi VN-Index 1.181 điểm, giá cổ phiếu đã tạo mặt bằng cao hơn nhiều so với trước đây, khiến dòng tiền ngắn hạn bị chững lại chờ đợi tín hiệu tiếp theo. Vì vậy, nhà đầu tư nên chờ đợi KQKD quý 4/2023 được công bố để tìm kiếm những khoản đầu tư được định giá rẻ và còn đang tích lũy ở nền giá thấp.
"Lỡ sóng" ngân hàng, nhà đầu tư vẫn còn cơ hội với một số nhóm chưa tăng mạnh
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường VNDirect
Thị trường vừa trải qua một tuần giao dịch tích cực hơn kỳ vọng khi các chỉ số chứng khoán bứt phá nhờ những thông tin hỗ trợ đến từ nghị trường Quốc hội. Việc Quốc hội thông qua cả 2 dự luật quan trọng và được mong chờ từ lâu là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là chất xúc tác cho đà tăng của thị trường.
Theo đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục nối dài đà tăng với sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng quốc doanh như BID, CTG hay VCB. Dòng tiền cũng có sự lan tỏa tích cực hơn khi đà tăng đã xuất hiện ở những nhóm cổ phiếu khác, như Bán lẻ, thép, bất động sản. Đây là điểm sáng tích cực hơn so với tuần giao dịch trước đó.
Đồng thời, khối ngoại cũng có động thái mua ròng liên tục trong những phiên gần đây. Nhìn tổng thể, đà tăng của thị trường chưa có dấu hiệu đảo chiều. Bên cạnh đó, bức tranh kết quả kinh doanh quý IV/2023 đang dần hé lộ với gam màu tươi sáng sẽ giúp dòng tiền duy trì được sức nóng và luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu nhằm giữ nhịp tăng của thị trường.
Theo đó, nhà đầu tư đã lỡ sóng ngân hàng vừa qua có thể xem xét giải ngân dần vào các nhóm cổ phiếu đang có thông tin hỗ trợ nhưng chưa tăng mạnh, bao gồm nhóm cố phiếu bất động sản (hưởng lợi từ Luật Đất đai sửa đổi được thông qua) và nhóm cổ phiếu chứng khoán (bức tranh kết quả kinh doanh quý IV tích cực).