Góc nhìn chuyên gia: Nhiều yếu tố khó lường, VN-Index có thể điều chỉnh trong tuần tới
Các chuyên gia đồng quan điểm thị trường có thể gặp áp lực điều chỉnh trong tuần giao dịch tới khi xuất hiện nhiều thông tin về xung đột Nga - Ukraine hay việc FED tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến.
- 11-02-2022Chứng khoán năm 2022 dự báo nhiều sóng gió, lộ diện một nhóm cổ phiếu "trú ẩn" an toàn đang âm thầm nổi sóng
- 09-02-2022Giá dầu đạt đỉnh 7 năm, SSI Research "mách" 4 cổ phiếu dầu khí nhà đầu tư có thể mua "lướt sóng"
- 06-02-2022Chứng khoán năm 2022 không còn "dễ ăn", đừng xuống tiền mua cổ phiếu nếu không trả lời được 3 câu hỏi này
Đứt chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp, VN-Index tỏ ra hụt hơi khi ghi nhận giảm điểm trong phiên cuối tuần. Dòng tiền chưa phục hồi, chỉ số VN-Index liệu có thể bay cao trong tuần sau thưa chuyên gia?
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC): Để dự báo thị trường trong tuần tới, trước tiên cần đưa ra bối cảnh ở thời điểm hiện tại. Nếu xét qua các động lực tích cực có thể dẫn dắt thị trường đi lên thì có thể thấy không có động lực nào đột biến trong ngắn hạn. Tâm lý hưng phấn sau Tết đã dần vơi đi, trong khi đó dòng tiền mới vào thị trường không còn phải quá ồ ạt như 2020 và 2021. Sự phục hồi nền kinh tế hậu Covid sẽ là một câu chuyện dài giúp nhiều cổ phiếu được hưởng lợi.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)
Còn xét về các yếu tố tiêu cực, ẩn số lớn đến từ xung đột chính trị hiện tại ở Ukraine. Sẽ rất khó để bình luận nhưng vấn đề địa chính trị hiện tại cũng hết sức phức tạp. Ukraine và Ba Lan là vùng đệm ngăn ngõ tiến công của các nước Tây Âu vào Nga. Chính ở những quốc gia vùng đệm này, tranh chấp và mâu thuẫn giữa các cường quốc sẽ diễn ra. Điều đó quyết định chính sách tiếp cận về quân sự, ngoại giao và kinh tế của các cường quốc. Cùng với đó, yếu tố liên thị trường không ổn định với kỳ vọng lãi suất tăng trong bối cảnh lạm phát khiến các thị trường chứng khoán lớn khá yếu.
Tóm lại, trong tuần tới, ít nhất là đầu tuần thị trường có thể sẽ khá yếu trước khi tìm được động lực mới. Hỗ trợ gần nhất của thị trường ở vùng quanh 1.480 – vùng tích lũy trước Tết Âm lịch.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam: Với phiên điều chỉnh trong tuần vừa qua, khả năng cao áp lực điều chỉnh ngắn hạn vẫn có thể xảy ra. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ đã có hai phiên giảm điểm liên tiếp do lo ngại về căng thẳng gia tăng giữa Ukraine và Nga. Bên cạnh đó, vào ngày 14/2, Fed sẽ tổ chức cuộc họp bất thường để đánh giá lại tình hình lạm phát và không loại trừ khả năng những thông tin bất ngờ về việc tăng lãi suất được đưa ra. Trước hai yếu tố trên, thị trường vẫn có khả năng điều chỉnh giảm điểm, dòng tiền dự báo sẽ phân hoá mạnh giữa các nhóm ngành trong tuần tới.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco: Theo quan điểm của tôi, sự điều chỉnh trong phiên giao dịch cuối tuần vừa qua chỉ là sự ảnh hưởng tâm lý đến từ các tin tức quốc tế (CPI tại Mỹ cao nhất trong 40 năm, Fed có thể nâng lãi suất sớm hơn dự kiến) chứ không phải đến từ nội tại thị trường trong nước. Điều đó thể hiện qua việc thị trường chỉ điều chỉnh nhẹ và vẫn duy trì trên mốc 1.500 điểm. Vì vậy, tôi nhận định chỉ số có thể sẽ sớm có những phiên hồi phục vào tuần sau và hướng về vùng 1.520 điểm. Trong trường hợp tiêu cực, khi Vn-Index đánh mất ngưỡng 1.500 điểm thì vùng hỗ trợ gần nhất của chỉ số sẽ tại vùng 1.485-1.490 điểm.
Ông Võ Văn Cường, Giám đốc đầu tư Chứng khoán Tiên Phong (TPS): Bên cạnh những thông tin tiêu cực về địa chính trị căng thẳng gia tăng giữa Ukraine và Nga, dòng tiền cũng không được hỗ trợ khi thanh khoản thấp, thị trường sẽ vào đà suy giảm trong tuần tới.
Một trong những nguyên nhân "dìm" đà tăng của thị trường đến từ áp lực giảm của cổ phiếu trụ, cụ thể là VIC khi giảm sâu xuống vùng đáy nhiều tháng. Theo chuyên gia, "bắt đáy" cổ phiếu VIC có phải chiến lược đúng đắn trong thời điểm hiện tại?
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC): Có thể nói VIC là một trong những biểu tượng của thị trường Việt Nam, do đó VIC lỗ quý IV, rơi sâu như vậy rất đáng tiếc và gây ảnh hưởng tâm lý. VIC đã giảm gần 40% từ đỉnh và hiện tại đang quá bán ở trong ngắn hạn nhưng không phải là không thể rơi thêm. Cần khẳng định xu hướng dài hạn hiện tại của VIC đã có những thay đổi. Việc bắt đáy cổ phiếu gãy xu hướng dài hạn là hành động có rủi ro rất cao và không nên thực hiện với phần đông nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam: Đầu tiên chúng ta cần nhìn nhận đợt bán tháo mạnh của cổ phiếu VIC có hai nguyên nhân. Thứ nhất là do kết quả kinh doanh ghi nhận thua lỗ do ảnh hưởng chung của dịch Covid-19. Thứ hai áp lực điều chỉnh có thể do việc cổ phiếu VIC bị khối ngoại bán ròng dồn dập trong tuần qua. Với đà giảm sâu của VIC, tôi cho rằng cổ phiếu này đã về vùng giá ngắn hạn khá ổn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần xem xét đà bán ròng của khối ngoại với cổ phiếu này còn hay không. Dưới góc nhìn nhà đầu tư cá nhân, tôi cho rằng thời điểm hiện tại vẫn chưa nên "bắt đáy" cổ phiếu VIC. Bởi chưa có dấu hiệu xác nhận dòng tiền đã quay trở lại và khẳng định đây là vùng đáy hấp dẫn của cổ phiếu này.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco: Tôi cho rằng giá cổ phiếu VIC có thể sẽ khó tích cực cho đến khi có kết quả chính thức từ báo cáo kiểm toán. Trường hợp kết quả kiểm toán lợi nhuận năm 2021 vẫn lỗ thì có thể cổ phiếu sẽ bị loại khỏi nhiều rổ chỉ số và gặp áp lực nguồn cung lớn. Tuy nhiên với vị thế của một trong những mã cổ phiếu lớn nhất trên sàn, đồng thời kết quả 2021 thua lỗ tới từ nhiều yếu tố khách quan (ảnh hưởng dịch bệnh, hỗ trợ phòng chống Covid,..) thì tôi tin rằng giá cổ phiếu sẽ sớm hồi phục trở lại. Tôi sẽ tăng tỷ trọng cổ phiếu này trước thời điểm báo cáo kiểm toán được công bố, khi mà đà giảm đã phản ánh kỳ vọng về áp lực nguồn cung giai đoạn sau đó.
Ông Võ Văn Cường, Giám đốc đầu tư Chứng khoán Tiên Phong (TPS): Nhà đầu tư chưa nên bắt đáy cổ phiếu trong xu hướng chưa rõ ràng, đặc biệt bối cảnh thị trường chung của thị trường chung vẫn tiềm ẩn rủi ro trong tuần tới. Theo thống kê, cổ phiếu lớn có giai đoạn sụt giảm, khả năng vẫn có thể tiếp tục điều chỉnh trước khi có thông tin rõ ràng để xác lập đà tăng giá.
Sau vài nhịp phục hồi, cổ phiếu "nóng" lại mất thăng bằng khi đồng loạt giảm điểm trong phiên cuối tuần. Liệu dòng tiền đã thực sự chuyển dịch từ nhóm đầu cơ sang cơ bản thưa ông?
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC): Mọi người hay bàn đến việc "dịch chuyển" theo cách phân loại cơ bản/đầu cơ….còn với tôi thì không thích cách nhận định và phân loại đó. Tôi cho rằng lúc nào cũng có lượng tiền nhất định trong cổ phiếu đầu cơ và cơ bản. Mỗi nhóm có những vận động riêng và có đối tượng nhà đầu tư giao dịch riêng tùy vào khẩu vị rủi ro của họ. Trong bối cảnh sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân mạnh mẽ như hiện tại, không phủ nhận ở nhiều thời điểm dòng tiền đầu cơ có phần nổi bật hơn.
Nếu nói về sự luân chuyển, mẫu hình rõ ràng hơn là phân tích, dự đoán sự luân chuyển giữa các nhóm ngành (sectors). Và dù tiền có được luân chuyển đến sectors nào đi chăng nữa, vẫn tồn tại tại song song quan điểm đầu tư và đầu cơ
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam: Thời gian qua, nhà đầu tư cá nhân đang bị "cú tát" mạnh trong cú giảm mạnh đầu năm 2022. Nếu thời gian trước, tâm lý nhà đầu tư hưng phấn khi mua đâu thắng đó thì hiện tại nhiều nhà đầu tư đang bị sốc tâm lý, thậm chí nhiều người đã tạm thời rời khỏi thị trường. Tôi cho rằng dòng tiền cũng đang dần có sự chuyển dịch sang nhóm cổ phiếu cơ bản, song để nhóm cổ phiếu này thực sự hấp dẫn thì cần đợi nhiều nhà đầu tư "hoàn hồn" sau đợt thua lỗ vừa qua.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco: Tôi vẫn duy trì nhận định rằng dòng tiền đang có xu hướng tìm về các mã cổ phiếu cơ bản, có nền tảng tốt và đây sẽ là xu hướng đầu tư chính trong năm nay. Lý giải về việc hồi phục của nhóm đầu cơ, tôi cho rằng đây chỉ là "sóng hồi" khi giá cổ phiếu đã giảm đủ sâu để kích hoạt dòng tiền mua vào. Tuy nhiên, dòng tiền này chỉ mang tâm lý "lướt sóng", "thử vận may" bắt đáy là chính nên khi thị trường điều chỉnh thì nhóm cổ phiếu đầu cơ sẽ chịu áp lực bán đầu tiên. Điều này đã thể hiện qua việc giảm mạnh của nhóm cổ phiếu này trong phiên cuối tuần qua.
Ông Võ Văn Cường, Giám đốc đầu tư Chứng khoán Tiên Phong (TPS): Theo thống kê hai tuần giao dịch trước, nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn đã tăng trở lại từ 40% lên 50%, còn nhóm vốn hoá nhỏ đã giảm từ 9% xuống 4%. Dòng tiền cổ phiếu lớn vẫn chiếm trên 50% trong tuần vừa qua, song để nhóm này thực sự hút tiền mạnh trong thời điểm hiện tại khá khó bởi dòng tiền nhiều nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chung diễn biến tiêu cực, nhóm cổ phiếu đầu cơ sẽ tiếp tục giảm sâu, nhóm vốn hoá lớn sẽ là bệ đỡ cho thị trường trong tuần tới.
Tâm điểm sự chú ý tuần này dồn về nhóm cổ phiếu thép khi hút dòng tiền đầu tư mạnh. Chuyên gia cho rằng đây là dấu hiệu bắt đầu một con sóng mới hay chỉ là sự hồi phục tạm thời sau thời gian điều chỉnh sâu?
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC): Quan điểm trong năm 2022 của tôi là cực kỳ thận trọng với cổ phiếu chu kỳ vì nhiều nền kinh tế sẽ qua đỉnh của quá trình phục hồi hậu Covid, cổ phiếu chu kỳ sẽ tạo đỉnh trước. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhóm thép, phân bón, chứng khoán… trong thời gian qua có những dấu hiệu đã tạo đỉnh trung hạn. Đặc biệt cần chú ý với cổ phiếu chu kỳ liên quan đến hàng hóa vì lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đang tăng rất nhanh, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10Y đã tiệm cận 2%.
Về nhóm ngành thép, trong dài hạn vẫn là cơ hội đầu tư hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp tốt. Tuy nhiên đợt phục hồi trong tuần qua nhiều khả năng là đà phục hồi trong ngắn hạn mang tính chất tạm thời. Giá thép tăng trong thời gian qua là chất xúc tác thêm cho diễn biến này nhưng để tiến xa hơn trong ngắn hạn, có lẽ như vậy thôi là chưa đủ.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam: Đối với chu kỳ cổ phiếu thường có 4 chu kỳ cơ bản, đầu tiên là giảm giá sau trạng thái tích luỹ, sau đó mới là tăng tốc và phân phối. Tôi cho rằng cổ phiếu thép chưa bắt đầu một con sóng tăng kéo dài. Theo đó, nhóm cổ phiếu này chỉ mới kết thúc chu kỳ giảm giá và bước sang chu kỳ tích luỹ. Trong thời điểm hiện tại, tôi chưa thấy có dấu hiệu kết thúc giai đoạn tích luỹ để tiếp tục tăng tốc và tạo sóng trong ngắn hạn.
Mặt khác, xét về câu chuyện cơ bản đang ủng hộ nhóm cổ phiếu ngành thép. Bởi giá thép hiện vẫn neo ở mức cao và nhu cầu thép nội địa tăng cao. Với sự hồi phục của thị trường bất động sản và việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng cho nhóm cổ phiếu thép. Tuy nhiên, những yếu tố trên chưa đủ mạnh để xác lập "sóng" như từng diễn ra trong năm 2021.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco: Đối với nhóm cổ phiếu thép, tôi đánh giá giá cổ phiếu thép tăng được hỗ trợ tích cực từ thông tin giá thép thế giới sau dịp Tết Nguyên đán. Giá thép ngày 09/02 đã tăng 15% vượt mức 4.800 NDT/tấn từ mức đáy tại tháng 11 năm ngoái. Ngoài ra giá cổ phiếu thép đã chiết khấu trên 20% về mức định giá tương đối hấp dẫn so với mặt bằng chung của thị trường. Việc cổ phiếu thép tăng giá cho thấy sự kì vọng trở lại của nhà đầu tư với các doanh nghiệp thép trước tín hiệu phục hồi nhu cầu của thị trường nội địa và tiềm năng đến từ các thị trường xuất khẩu mới. Trong đó, việc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng có giá trị lên tới 100 nghìn tỷ đồng sẽ kéo theo phát triển đầu tư và xây dựng tư nhân giúp nhu cầu thép trong nước tăng trưởng trong các năm tới.
Về giá thép thế giới trong năm 2022, tôi cho rằng sẽ duy trì ở mặt bằng thấp hơn so với 2021 khi cung cầu thế giới dần trở về mức cân bằng. Mặc dù vậy, sản lượng được kỳ vọng sẽ tăng tốt và tạo động lực tăng trưởng lợi nhuận cũng như mặt bằng giá cổ phiếu nhóm này. Do vậy tôi cho rằng đây có thể là tín hiệu của con sóng mới trong năm 2022 của ngành thép khi nhiều cơ hội tăng giá đang được mở ra.
Ông Võ Văn Cường, Giám đốc đầu tư Chứng khoán Tiên Phong (TPS): Bản thân giá cổ phiếu thép rất nhạy cảm giá hàng hoá, đặc biệt là giá thép. Tuần vừa qua giá thép tăng là động lực hỗ trợ cho nhóm này trong phiên giao dịch tuần qua. Tuy kết quả kinh doanh năm 2021 khá tích cực, song tôi cho rằng giá thép vẫn là nguyên nhân chính khiến cổ phiếu thép bứt phá. Nếu giá thép tiếp tục duy trì, cổ phiếu thép vẫn có thể tiếp tục nối dài sóng tăng giá.
Ông Võ Văn Cường, Giám đốc đầu tư Chứng khoán Tiên Phong (TPS)
Theo quan sát, nhiều các nhóm ngành luân phiên nhau tạo sóng trong tuần vừa qua. Dưới góc nhìn chuyên gia, ông dự báo đâu là những cái tên sáng giá trong tuần sau?
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC): Về nhóm ngân hàng, khả năng có có sự phân hóa. Có thể chú ý các ngân hàng có câu chuyện riêng, rủi ro thấp với nợ xấu và kết quả kinh doanh đã tạo đáy trong giai đoạn 2020-2021.
Về nhóm bất động sản, khả năng cao vẫn có sóng và là động lực quan trọng với thị trường, vì là nhóm hưởng lợi chính từ gói kích thích kinh tế, bên cạnh xây dựng, hạ tầng, vật liệu xây dựng… Tuy nhiên, cần chú ý mức định giá của nhiều cổ phiếu bất động sản.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng một số cổ phiếu phòng thủ khi thị trường biến động thuộc ngành an toàn, có mức định giá hấp dẫn có thể tham khảo như: Bán lẻ, Cảng biển, Tiện ích (điện, nước, tiêu dùng thiết yếu ….).
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam: Theo dự báo tôi, nhóm ngân hàng vẫn là sự lựa chọn hàng đầu cho tuần giao dịch tới. Tiếp đến bất động sản cũng là một nhóm sáng giá, có tiềm năng tăng giá. Theo đó, hai nhóm này vẫn có thể sẽ thay phiên nhau tạo sóng, làm bệ đỡ chính cho thị trường. Còn đối với dòng chứng khoán đang hút dòng tiền quay trở lại, song đây có thể là pha sóng cuối cùng trong nhóm cổ phiếu này.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco: Về dự đoán các nhóm ngành sẽ là tâm điểm vào tuần sau, tôi cho rằng nên tập trung vào các nhóm sẽ được hưởng lợi nhiều từ các tin tức thế giới như dầu khí, cao su, thép. Giá của những mặt hàng này có thể được đẩy cao khi tình hình địa chính trị tại một số quốc gia trên thế giới rơi vào tình huống tiêu cực. Bên cạnh đó nhóm phân bón và ngân hàng cũng được tôi kỳ vọng tốt. Đối với ngành phân bón là hưởng lợi đà tăng giá dầu, trong khi ngành ngân hàng thường có câu chuyện tăng trưởng thời điểm đầu năm nhờ các thông tin liên quan tới kế hoạch kinh doanh, chính sách vĩ mô (ví dụ chính sách hỗ trợ lãi suất có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng), đồng thời đây vẫn là nhóm ngành trọng điểm để các quỹ giải ngân năm nay.
Ông Võ Văn Cường, Giám đốc đầu tư Chứng khoán Tiên Phong (TPS): Tôi đánh giá cao nhóm dầu khí với động lực gia tăng là giá dầu. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu điện, nước cũng là một trong những nhóm "phòng thủ" có thể duy trì đà tăng tích cực trong khi thị trường chung gặp nhiều sóng gió.