MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc nhìn chuyên gia: Nhịp chỉnh từ 3-5% là bình thường, nhà đầu tư nên tận dụng cơ hội đón "sóng" luân chuyển nhóm ngành

Góc nhìn chuyên gia: Nhịp chỉnh từ 3-5% là bình thường, nhà đầu tư nên tận dụng cơ hội đón "sóng" luân chuyển nhóm ngành

Chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư có thể dành sự ưu tiên cho các cổ phiếu duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận hoặc đã thoát đáy kết quả kinh doanh. Dòng tiền có thể luân chuẩn và lần lượt tìm tới các nhóm cổ phiếu.

Thị trường trải qua tuần giao dịch tương đối giằng co. VN-Index lên xuống liên tục về cuối tuần, đặc biệt giảm mạnh vào phiên Thứ Sáu và đóng cửa gần mốc 1.260 điểm, tương ứng giảm hơn 11 điểm so với đầu tuần. Khối ngoại tiếp tục có tuần bán ròng mạnh với giá trị đột biến, tổng giá trị đạt 5.352 tỷ đồng sau 5 phiên.

Nhận định về thị trường, một số chuyên gia cho rằng thị trường vẫn đang duy trì xu hướng đi lên, nhịp điều chỉnh hay rung lắc là điều bình thường. Tuy nhiên một số nhận định mang tính thận trọng hơn khi cho rằng đà tăng của VN-Index đã bị phá vỡ và chỉ số chính sẽ quay đầu điều chỉnh trong những phiên kế tiếp.

VNINDEX_2024-05-24_23-09-52.png

Rung lắc không quá bi quan, nhà đầu tư có thể đón sóng "luân chuyển nhóm ngành"

Theo quan điểm của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc CTCP Chứng khoán DSC Chi nhánh TP HCM, chứng khoán thế giới đều đồng pha điều chỉnh sau thông tin vĩ mô cho thấy nền kinh tế Mỹ khỏe hơn kỳ vọng và có thể FED chưa sớm cắt giảm lãi suất. Dù vậy ông Huy cho rằng bản chất nguyên nhân thị trường giảm điểm có thể hiểu đơn giản là nhịp rung lắc quanh vùng đỉnh, khi thị trường chưa có thêm động lực. Nhìn chung thị trường chưa có gì quá tiêu cực.

Về diễn biến trong nước, một số thông tin có thể tác động xoay quanh áp lực tỷ giá cũng như môi trường lãi suất đang có xu hướng tăng dần. Bên cạnh đó, động thái bán ròng của khối ngoại trước những diễn biến về tỷ giá cũng là một trong những nguyên nhân góp phần vào đà bán chung trên toàn thị trường.

Vị chuyên gia tới từ DSC đánh giá, những câu chuyện không mới và áp lực đó không phải quá lớn trong ngắn hạn. Thị trường đã tăng một mạch hơn 100 điểm từ đáy và việc điều chỉnh 3-5% là điều bình thường. Động thái từ nhóm nhà đầu tư nội địa hiện quan trọng hơn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VN-Index là vùng 1.250 điểm. Trường hợp cơ sở là thị trường sẽ tích lũy vùng 1.250-1.290, là vùng đỉnh cũ và cân bằng trước khi có động lực tăng tiếp. Hỗ trợ mạnh hơn trong tình huống xấu quanh 1.220 điểm.

"Thị trường hiện tại khá sôi động và tiền vào tốt. Dòng tiền có thể lan tỏa đến các nhóm cổ phiếu khác nhau, miễn là nhà đầu tư dự đoán đúng sóng ngành để tìm kiếm lợi nhuận", ông Huy cho hay.

Về cơ hội đầu tư, ông Huy đánh giá thị trường hiện tại nhiều cơ hội với dòng tiền dồi dào. Sau phiên điều chỉnh với thanh khoản lớn, việc quan sát là cần thiết nhưng nhà đầu tư không cần quá bi quan. Chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư có thể giữ 50% danh mục là cổ phiếu, khi thị trường cân bằng trở lại, hoàn toàn có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Ông Huy dành sự ưu tiên cho các cổ phiếu duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận hoặc đã thoát đáy kết quả kinh doanh, bao gồm từng lớp như:

(1) Nhóm cổ phiếu "khỏe" như Công nghệ, Bán lẻ, Du lịch giải trí, Viễn thông, Hóa chất,... Nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ, nếu mua mới cần chú ý vùng tích lũy và dư địa trăng còn nhiều hay không. Đây được cho là lớp cổ phiếu luân chuyển dòng tiền đầu tiên.

(2) Nhóm cổ phiếu có khả năng sẽ khỏe lên, có thể kể đến là Dầu khí, Chứng khoán, Thép, Hóa chất - Phân bón. Theo ông Huy nhóm này sẽ sớm dẫn sóng và là lớp luân chuyển thứ 2.

(3) Dòng tiền sau đó có thể luân chuyển tới lớp thứ 3, gồm các ngành Bất động sản, Xây dựng và vật liệu.

(4) Cổ phiếu Ngân hàng có thể kéo chỉ số ở nhịp cuối. Đây sẽ là lớp luân chuyển thứ 4.

(5) Những cổ phiếu penny có thể dậy sóng và trở thành lớp luân chuyển thứ 5.

(6) Trong kịch bản thị trường điều chỉnh mạnh, nhóm cổ phiếu phòng thủ có thể được chú ý. Đây là lớp luân chuyển thứ 6.

"Mỗi lớp luân chuyển từ đầu đến cuối sóng có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng cho đến khi hết sóng. N đầu tư có thể linh hoạt để tranh thủ cơ hội", vị chuyên gia khuyến nghị.

photo-1716567525240

Góc nhìn chuyên gia: Nhịp chỉnh từ 3-5% là bình thường, nhà đầu tư nên tận dụng cơ hội đón

Thị trường có thể đã phân phối đỉnh, xác lập xu hướng giảm trong ngắn hạn.

Thận trọng hơn, Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng áp lực tỷ giá là điều đáng ngại nhất với thị trường. Việc NHNN tăng lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu mới đây được kỳ vọng sẽ thiết lập mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao hơn, qua đó làm giảm áp lực tỷ giá và tăng dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, tăng lãi suất OMO chỉ tác động ngắn hạn giúp tỷ giá không tăng mạnh. Để ghìm được áp lực tỷ giá, chuyên gia cho rằng NHNN cần tăng lãi suất điều hành để giúp khoảng cách tiền USD và tiền VND thu hẹp.

Bên cạnh áp lực tỷ giá, xu hướng giảm của chứng khoán thế giới có thể sẽ tiếp tục tác động đến thị trường trong nước.

Với việc thanh khoản gia tăng trong phiên giảm mạnh, ông Minh cho rằng thị trường đã có tín hiệu phân phối. Theo dự báo của vị chuyên gia, VN-Index đã tạo đỉnh và xác lập xu hướng giảm trong ngắn hạn.

Với những rủi ro hiện hữu, VN-Index có thể nhúng và kiểm định lại vùng 1.250 điểm, khả năng xấu nhất chỉ số có thể về 1.200-1.210 điểm. Tuy nhiên, VN-Index khó có khả năng "thủng" 1.200 điểm vì cổ phiếu vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn khi các kênh đầu tư khác gặp khó và lượng dòng tiền chực chờ gia nhập thị trường chứng khoán rất lớn.

Tuy nhiên, việc biến động mạnh trong một phiên giao dịch, chuyên gia Yuanta cho rằng dòng tiền bắt đáy sẽ chưa vội vàng nhập trong ngắn hạn. Nhà đầu tư nên quan sát những tín hiệu về chứng khoán thế giới, giá cả hàng hoá, đồng USD, tỷ giá để đưa ra quyết định giải ngân khi VN-Index về những vùng hỗ trợ mạnh.

Tranh thủ cơ cấu danh mục trong những nhịp hồi

Chứng khoán SHS nhận định trong ngắn hạn, chỉ số đang chịu áp lực kiểm tra lại vùng dưới của kênh giá 1.250 điểm -1.300 điểm. Nếu giữ được vùng hỗ trợ 1.250 điểm trong các phiên sắp tới, VN-Index vẫn có thể duy trì kỳ vọng phục hồi trở lại hướng tới vùng 1.282 điểm – 1.287 điểm.

Theo SHS, mặc dù một số thông tin vĩ mô vẫn khá tích cực, cụ thể như xuất nhập khẩu tăng trưởng, cán cân thương mại thặng dư 6,36 tỷ USD tuy nhiên áp lực tỷ giá vẫn cao khi NHNN tiếp tục phát hành tín phiếu mới và lãi suất trúng thầu tín phiếu đã tăng từ mức 4%/năm lên 4,2%/năm. Trong bối cảnh,SHS kỳ vọng VN-Index sẽ duy trì được vùng hỗ trợ 1.245 điểm -1.255 điểm tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023.

Về khuyến nghị, SHS cho lời khuyên những nhà đầu tư ngắn hạn đang có tỷ trọng cao nên tranh thủ các nhịp hồi phục để giảm tỷ trọng, cơ cấu lại danh mục và tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường tại vùng hỗ trợ. Nhà đầu tư trung - dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục, có thể tiếp tục chiến lược giải ngân dần trong các nhịp giảm điểm, mục tiêu là các mã cổ phiếu đầu ngành, dự báo có triển vọng tích cực trong năm nay.

Bắc Kiên

An ninh Tiền tệ

Từ Khóa:
Trở lên trên