Góc nhìn chuyên gia: Săn đón cơ hội ở nhóm cổ phiếu có KQKD quý 2 tốt và đang rơi vào vùng "quá bán"
Theo ông Bùi Văn Huy, thời điểm này nhà đầu tư nên áp dụng chiến lược mua các cổ phiếu tốt ở trạng thái quá bán hơn là giao dịch theo đà tăng, mua ở các điểm bứt phá thì sẽ rất dễ đu đỉnh sóng hồi. Do đó, có thể lựa chọn mua các cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tốt trong quý 2 nếu cổ phiếu bị chiết khấu sâu, giảm mạnh về vùng hỗ trợ và quá bán.
Sau phiên giảm sâu, thị trường trải qua hai phiên cuối tuần hồi phục khá tích cực song sự phân hoá vẫn diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn duy trì mức thấp cho thấy tâm lý nhà đầu tư vô cùng thận trọng. Sang tuần giao dịch mới, các chuyên gia Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường - Công ty Chứng khoán (MBS), ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco và ông Bùi Văn Huy - Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đã có những chia sẻ góc nhìn về xu hướng thị trường.
Thanh khoản èo uột, thị trường sẽ tiếp tục sideway
Ông Trần Hoàng Sơn: Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua dù đã nỗ lực “vá đáy” thành công ở 2 phiên cuối tuần nhưng vẫn chưa bù đắp được mức giảm ở 3 phiên trước đó. Thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức thấp kỷ lục có thể là điểm hạn chế, bên cạnh đó khối ngoại cũng là điểm trừ khi họ quay lại bán ròng.
Trong kịch bản lạc quan, nếu chỉ số VN-Index lấy lại được mốc 1.200 điểm chỉ số sẽ có nhịp hồi phục kỹ thuật về vùng 1.250 điểm. Trong kịch bản cơ bản, khả năng chỉ số sideway với biên độ hẹp trong vùng dao động quanh mức 1.150 – 1200 điểm. Kịch bản thận trọng sẽ được kích hoạt trong trường hợp VN-Index điều chỉnh giảm xuyên vùng hỗ trợ 1.150 điểm khả năng sẽ rơi vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn xuống những vùng hỗ trợ thấp hơn từ 1.100 – 1.150 điểm.
Ông Nguyễn Thế Minh: Sau hai phiên hồi phục, thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức rất thấp nên khó có thể đủ kích thích dòng tiền quay trở lại khiến thị trường đảo chiều trong ngắn hạn. Dự báo những phiên giao dịch đầu tuần sau, VN-Index vẫn duy trì quanh ngưỡng 1.155 điểm. Kịch bản xấu "nhúng" vùng 1.100 vẫn khá cao, song trước mắt vẫn còn nhiều điểm sáng khi thị trường chứng khoán Mỹ vẫn đang trong xu hướng tích cực.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Tôi cho rằng việc chỉ số lấy lại được ngưỡng 1.160 điểm trong 2 phiên cuối tuần đã hỗ trợ tốt tới tâm lý nhà đầu tư. Điều này được thể hiện qua giao dịch của khối ngoại và khối tự doanh đã bắt đáy trong phiên 7/7, rồi sau đó tới lượt khối nhà đầu tư trong nước tham gia trong các phiên cuối tuần, và thanh khoản giao dịch đã bắt đầu nhích tăng trở lại. Tuy nhiên, chỉ số vẫn sẽ cần kiểm định thêm yếu tố cung-cầu trong giai đoạn tới, do lực cầu bắt đáy tại các nhịp hồi phục vừa qua chưa quá lớn. Do vậy, tuần tới khả năng thị trường sẽ tích luỹ trong biên độ hẹp, từ 1.165-1.190 điểm.
Ông Bùi Văn Huy: Thị trường đã có nhịp thủng đáy tuần qua, tuy đã có 2 phiên phục hồi nhưng hiện vẫn cách không quá xa vùng đáy cũ. Điểm đáng chú ý là dòng tiền vẫn rất kém. Điều này được thể hiện qua thanh khoản tăng trong những phiên bán tháo, trong khi đó giảm mạnh trong những phiên phục hồi. Nổi bật là phiên tăng sau khi thủng đáy là phiên có thanh khoản kém nhất. Mỗi lần thị trường về đáy cũ, lực mua lại càng yếu là dấu hiệu cho thấy thị trường hồi phục không đáng tin cậy.
Bên cạnh đó, xu hướng dài hạn của nhiều nhóm cổ phiếu khá tiêu cực khi nhiều ngành dẫn dắt cuối cùng như Bán lẻ, Dầu khí, Phân bón, Hóa chất, Công nghệ… cũng đã gãy xu hướng. Hiện tại chỉ còn khoảng hơn 10% cổ phiếu trên thị trường còn duy trì được xu hướng tăng dài hạn (trên đường MA200) và không có nhiều cải thiện trong thời gian qua.
Về bối cảnh thị trường thế giới, sau khi giảm sâu cũng đã có những nỗ lực phục hồi nhất định, song đà phục hồi này vẫn chưa thực sự thuyết phục. Hiện tại, tâm điểm của thị trường tài chính toàn cầu là câu chuyện lạm phát và suy thoái. Diễn biến mối quan hệ các loại tài sản toàn cầu cũng đang trong giai đoạn chuyển giao từ nỗi lo lạm phát sang nỗi lo suy thoái. Trong đó câu chuyện nửa cuối năm 2022, câu chuyện suy thoái sẽ là tâm điểm, so với câu chuyện lạm phát đang có dấu hiệu dần hạ nhiệt.
Trong bối cảnh thị trường chưa có quá nhiều sự thay đổi, tuần tới thị trường có thể tiếp đà hồi phục nhẹ từ đáy với kháng cự hiện tại quanh vùng 1.180-1.200 điểm. Theo đó, Khi dòng tiền yếu, dòng tiền còn lại thay đổi rất nhanh và chạy vòng quanh giữa các nhóm. Khó có sự lan tỏa rộng, do đó nhà đầu tư muốn tham gia giao dịch ngắn hạn cần sự linh hoạt cao.
Đặc biệt, nhà đầu tư cần lưu ý tâm lý thị trường không còn vững như trong xu hướng tăng dài hạn để kỳ vọng sóng bền. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư cần thay đổi tư duy giao dịch, trước kia cách giao dịch theo xu hướng, các phiên bứt phá mang lại lợi nhuận rất tốt, tuy nhiên hiện tại, sóng ngành/nhóm cổ phiếu thay đổi rất nhanh, nhà đầu tư duy trì thói quen giao dịch cũ rất dễ mua phải vị thế trên đỉnh sóng hồi.
Điều gì khiến khối ngoại mạnh tay bán ròng hơn nghìn tỷ trong tuần qua?
Ông Trần Hoàng Sơn: Khối ngoại tuần vừa qua bất ngờ bán ròng 1.230 tỷ đồng trên toàn thị trường, đây cũng là tuần đầu tiên trong 16 tuần vừa qua ghi nhận mức bán ròng mạnh của khối ngoại. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại vẫn mua ròng 2.372 tỷ đồng. Sau 3 tháng mua ròng liên tiếp 10.820 tỷ đồng, khối ngoại đang bán ròng kể từ đầu tháng 7 cho đến nay khoảng 1.242 tỷ đồng. Tuy vậy, điểm sáng trong giao dịch của khối ngoại tuần vừa qua là các quỹ ETF nội vẫn tiếp tục hút ròng 18,5 triệu USD để nâng tổng ròng tiền qua các kênh ETF kể từ đầu năm đạt gần 357 triệu USD, chủ yếu tập trung ở ETF Diamond 253 triệu USD và ETF Fubon 226 triệu USD.
Ông Nguyễn Thế Minh: Nguyên nhân khiến khối ngoại mạnh tay bán ròng trong những phiên gần đây đến từ vấn đề tăng tỷ giá khi NHNN đang có động thái hút tiền về và đồng USD tăng mạnh. Bản chất vấn đề này đã được dự báo trước đó, đồng tiền Việt có thể bị phá giá thêm 1% từ đây đến cuối năm. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá trong thời gian qua là rất lớn nên vấn đề này là điều bình thường. Do đó, động thái bán ròng đến từ tỷ giá tăng.
Tuy nhiên, tôi cho rằng việc tỷ giá tăng sẽ không kéo dài quá lâu bởi nguồn dự trữ USD thặng dư vẫn đang dồi dào. Việc phá giá đồng tiền vẫn ở mức thấp và tránh tác động xấu lên bối cảnh vĩ mô. Bên cạnh đó, xuất khẩu tăng trở lại sẽ khiến áp lực tỷ giá không lớn. Do áp lực tỷ giá không cao, nên nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể tiếp tục đà mua ròng trong thời gian tới.
Mặt khác, định giá thị trường hiện tại đang rất thấp nên vẫn sẽ hấp dẫn dòng tiền ngoại. Bởi dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài thường bền vững, tâm lý ổn định hơn nhà đầu tư cá nhân. Nhiều người lo ngại là Fed tăng lãi suất sẽ khiến khối ngoại rút tiền, song tôi cho rằng đây không phải yếu tố đáng quan ngại, bởi (1) 2 năm qua các quỹ bán ròng mạnh ở các thị trường cận biên và đổ tiền về các thị trường phát triển. Vậy nên, khi Fed rút tiền về thì quỹ sẽ bán mạnh trên thị trường Mỹ và đổ tiền về thị trường cận biên bởi định giá của nhiều thị trường đang ở mức hợp lý hơn nhiều.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Diễn biến bán ròng của khối ngoại thời gian gần đây theo tôi có thể là kết quả của nhiều sự kiện có tác động nhiều ngành nghề diễn ra cùng một lúc: (1) Xung đột Nga – Ukraine; (2) Trung Quốc duy trì chính sách Zero-Covid. Trong đó, sự kiện xung đột Nga-Ukraine kéo dài đã làm giá dầu thô thế giới tăng cao và làm gia tăng lạm phát toàn cầu. Nhiều NHTW đang đẩy mạnh việc tăng lãi suất điều hành nhằm giảm lạm phát, do đó dòng vốn sẽ có xu hướng chuyển dịch từ các tài sản rủi ro sang các tài sản bớt rủi ro hơn, và đây có thể là lý do xuất hiện động thái rút ròng của khối ngoại trên thị trường Việt Nam tuần qua.
Ông Bùi Văn Huy: Diễn biến bán ròng của khối ngoại không bất ngờ bởi một trong những diễn biến bổi bật tuần qua là chỉ số Dollar Index đã vượt kháng cự nhiều năm và hiện tại đang ở mức cao nhất trong khoảng 20 năm trở lại đây. Điều này gây áp lực lên các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam. Một số thị trường châu Á có dòng vốn ETFs vào Việt Nam rất mạnh như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc Thái Lan… đều diễn biến rất tiêu cực.
Tuy nhận thấy chưa có dấu hiệu quá đáng ngại, song nếu Dollar Index tiếp tục tăng mạnh, tôi cho rằng dòng vốn ở các thị trường mới nổi và cận biên nói chung vẫn sẽ tiếp tục gặp áp lực. Sau giai đoạn cú sụp năm 2018, thị trường mới nổi và cận biên (trong đó có Việt Nam) yếu hơn rất nhiều so với thị trường Mỹ.
Định giá thị trường hấp dẫn, song cơ hội không dành cho tất cả
Ông Trần Hoàng Sơn: Dưới góc nhìn biến động giá ở nhiều nhóm cổ phiếu mặc dù đã điều chỉnh khá hấp dẫn nhưng cũng là điểm cần thận trọng bởi các tác động ngắn hạn khi bức tranh lớn của VN-Index vẫn nằm trong downtrend và đan xen chủ yếu chỉ là các sóng hồi. Nhiều ngành nghề đã từng hưởng lợi thời điểm đầu năm như xuất khẩu thủy sản, phân bón, hóa chất, dầu khí...có thể sẽ gặp khó khăn hơn về cuối năm khi môi trường kinh doanh thay đổi. Sự sụt giảm nhu cầu.
Đặc biệt, nhà đầu tư cần theo dõi xu hướng tăng lãi suất của FED vào ngày 26/7 tới đây cũng sẽ tiếp tục là thông tin cần theo dõi và cẩn trọng khi ECB cũng sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên vào tháng này. Bên cạnh đó, FED cũng đang bắt đầu giảm bảng cân đối tài sản có thể sẽ gây áp lực cho các TTCK trong ngắn và trung hạn.
Ông Nguyễn Thế Minh: Định giá thị trường đang ở mức khá hấp dẫn, bởi rất hiếm khi P/E của thị trường trở về quang mức 12 lần. Đây được xem là một cơ hội lớn của thị trường, song cơ hội không dành cho tất cả các nhóm cổ phiếu. Năm nay tăng trưởng doanh nghiệp có thể sẽ thấp hơn so với dự báo hồi đầu năm bởi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng hơn. Tuy nhiên, mức P/E hiện vẫn thấp hơn rất nhiều so với P/E trung bình quanh mức 15 lần.
Mặt khác, khả năng tăng của thị trường cao hơn rủi ro. Mức định giá đang ở mức khá rẻ. Theo thống kê trên thị trường Mỹ, từ năm 1900 đến nay có 15 lần chỉ số Dow Jone giảm trên 10% trong 6 tháng đầu năm và xác xuất 67% thị trường tăng trung bình 4,45% trong 6 tháng cuối năm. Do đó, thị trường 6 tháng cuối năm thị trường có xác xuất cao sẽ tăng điểm.
Chỉ số VN-Index và DowJones có sự tương đồng khá cao. Đặc biệt, với mức định giá hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam, kịch bản tích cực cho thị trường trong nửa cuối năm sẽ rất sáng.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Với bối cảnh hiện tại, mặc dù định giá P/E của VN-Index đang giảm về ngang thời điểm mới xuất hiện Covid-19, tuy nhiên tôi cho rằng cơ hội chưa tới toàn bộ thị trường, bởi chỉ tiêu E (EPS) cũng chịu tác động từ các khoản lợi nhuận bất thường, lợi nhuận khác – nếu tính toán cả những chỉ tiêu này thì sẽ làm KQKD của doanh nghiệp vô tình trở nên hấp dẫn hơn. Vì vậy, tôi đánh giá nên sử dụng hệ số P/B kết hợp với ROE để đánh giá tính đắt rẻ của VN-Index.
Hiện tại, tôi nhận thấy nhóm VN30 đang bắt đầu bước vào vùng định giá hấp dẫn với một số cổ phiếu có hiệu quả kinh doanh cải thiện và định giá rẻ hơn so với trước Covid-19. Trong khi đó, nhóm VN Midcap thì vẫn đang ghi nhận khoảng 80% số doanh nghiệp đang bị định giá cao hơn trước dịch Covid và quá nửa là chưa cải thiện hiệu quả kinh doanh. Như vậy, nhà đầu tư nếu theo chiến lược nắm giữ cho mục tiêu dài hạn đã có thể tham gia mua vào một số cổ phiếu có định giá hấp dẫn đi kèm với hiệu quả kinh doanh cải thiện so với trước dịch Covid-19.
Ông Bùi Văn Huy: Cá nhân tôi cũng cho rằng định giá thị trường có vẻ hấp dẫn để có thể tích lũy dần cho mục tiêu dài hạn. Tuy nhiên tổng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục hiện tại vẫn nên duy trì ở tỷ lệ trung bình-thấp nếu là nhà đầu tư cá nhân, vì bối cảnh chung vẫn chưa thực sự chưa có nhiều cải thiện đáng kể.
Tùy từng vị thế của mỗi người mà có thể có chiến lược khác nhau. Đối với nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao, có thể giải ngân thăm dò. Tuy nhiên đối với nhà đầu tư đã có tỷ trọng cổ phiếu cao, có thể quan sát thêm và chưa phải thời điểm gia tăng thêm cổ phiếu.
Chắt lọc cơ hội ở cổ phiếu có KQKD quý 2 tốt và đang rơi vào vùng "quá bán"
Ông Trần Hoàng Sơn: Mùa báo cáo KQKD sẽ là tâm điểm trong trung tuần của tháng 7, do đó nhiều mã có KQKD tích cực trong Q2 cũng sẽ có những phiên phục hồi sau nhịp giảm khá mạnh trong 2 tuần gần đây, đặc biệt chú ý các nhóm ngành như: thủy sản, hóa chất, logistics, Viettel, dầu khí, dệt may...Tín hiệu hồi phục kèm thanh khoản tích cực ở nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán có thể hỗ trợ tâm lý thị trường bình ổn hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường phân hóa và dòng tiền eo hẹp mức độ hồi phục hoặc dao động trong phiên sẽ lớn nên thận trọng trong việc trading và hạn chế mua đuổi giá cao trong phiên.
Chiến lược trading ở thời điểm hiện tại là căn cứ theo phản ứng ở các cổ phiếu cụ thể tại từng vùng giá theo kỹ thuật và vẫn sẽ cần tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc cắt lỗ nếu biến động giá đi ngược với dự báo. Chiến lược ưu tiên trading ở nhóm cổ phiếu đã và đang hút được dòng tiền, hoặc tạo đáy sớm và mạnh hơn thị trường. NĐT cũng nên cân nhắc tục nắm giữ hoặc chốt lời từng phần với những nhóm đã tăng giá trong 2 tuần trở lại đây và hạn chế mua mới. Trong khi đó, có thể mua gom đối với các nhóm cổ phiếu đã được thị trường chiết khấu sâu, về các vùng hỗ trợ hấp dẫn trong khi triển vọng kinh quanh quý 2 được kỳ vọng sẽ khả quan.
Ông Nguyễn Thế Minh: Dự kiến kết quả kinh doanh quý 2 vẫn sẽ tăng trưởng so với cùng kỳ, mặc dù sẽ có thể hạ nhiệt so với quý 1 năm nay. Câu chuyện thị trường sẽ nhìn vào tương lai, KQKD quý 3, quý 4 sẽ có thể đột biến hơn, bởi thời điểm năm trước bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid.
Dòng tiền có thể tập trung ở những nhóm có tính phòng thủ cao như cổ phiếu bán lẻ, điện nước và sản xuất thực phẩm. Tuy nhiên, khả năng cao dòng ngân hàng là nhóm ngân hàng có thể quay trở lại thành trụ đỡ cho thị trường dựa vào một số yếu tố sau (1) kỳ vọng nới room tín dụng là câu chuyện lớn dòng ngân hàng. Khả năng cao dự báo NHNN sẽ mở room tín dụng cho một số NHTM có chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ casa cao. (2) mức định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng đang rất thấp sau đợt giảm sâu (3) bức tranh nợ xấu nhiều ngân hàng đỡ áp lực hơn khi yếu tố này đã phản ánh hết vào định giá nhóm ngân hàng.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Với cơ hội đầu tư trong mùa báo cáo Quý 2, hiện tại, số liệu ước tính đã được nhiều doanh nghiệp công bố và phần nào đã phản ánh vào giá cổ phiếu trong khoảng 1 tháng gần đây. Theo tôi, cơ hội đầu tư sẽ xuất hiện tại (1) Nhóm ngân hàng với tăng trưởng tín dụng dự kiến tiếp tục ở mức cao; (2) Nhóm cổ phiếu thuộc ngành hàng thiết yếu như điện, nước; (3) Nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ giá năng lượng tăng như dầu khí; (4) Nhóm xuất siêu lớn như thuỷ sản hay gỗ sẽ là các doanh nghiệp dự kiến KQKD tăng trưởng mạnh trong Quý 2 này.
Ông Bùi Văn Huy: Đối với nhà đầu tư ngắn hạn, tôi cho rằng nên áp dụng chiến lược mua các cổ phiếu tốt ở trạng thái quá bán hơn là giao dịch theo đà tăng, mua ở các điểm bứt phá thì sẽ rất dễ đu đỉnh sóng hồi. Do đó nhà đầu tư có thể lựa chọn mua các cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tốt trong quý 2 nếu cổ phiếu bị chiết khấu sâu, giảm mạnh về vùng hỗ trợ và quá bán.
Tôi đánh giá mùa KQKD quý 2 vẫn tích cực với lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng tốt. Tuy nhiên có thể ít có sự đột biến do nền 2/2021 vẫn khá cao. Một số nhóm ngành có thể bứt phá về lợi nhuận như Phân bón, Hóa chất, Dầu khí, Thủy sản, Khai khoáng,… Tuy vậy, cần lưu ý một số ngành như hóa chất, phân bón… lợi nhuận có thể đã đạt đỉnh trong quý 2 vì giá nhiều hàng hóa đã giảm mạnh trong thời gian gần đây. Do đó đánh sóng KQKD quý 2 cũng cần vào nhanh – ra nhanh với các nhóm này.