MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc nhìn chuyên gia: Thị trường khó có cú giảm sốc cuối năm vì tiền chờ bắt đáy rất nhiều, xu hướng tập trung vào cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt

Ông Nguyễn Thế Minh, Đỗ Trung Thành, Đinh Quang Hinh lần lượt từ trái sang phải

Ông Nguyễn Thế Minh, Đỗ Trung Thành, Đinh Quang Hinh lần lượt từ trái sang phải

"Thị trường rất khó có cú giảm điểm sốc, sâu như năm ngoái vì việc căng margin kéo dài rồi chứ không phải chỉ 1-2 tháng gần đây. Thị trường vận động bằng tiền tươi, tiền chờ trên tài khoản rất nhiều nên khả năng giảm mạnh rất khó. Thậm chí có thể giảm mạnh nhưng sẽ có hồi phục ngay trong phiên bởi lượng tiền lớn đang nằm chờ trong tài khoản sẵn sàng mua vào".

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục xu thế phục hồi trong tuần qua. Mặc dù chịu áp lực bán ra khá mạnh trong phiên ngày thứ 5 và thứ 6 do ảnh hưởng của phiên đáo hạn phái sinh tháng 12 và phiên cơ cấu lại danh mục quý 4/2021 của 2 quỹ ETF ngoại là VNM ETF và FTSE ETF,  tuy nhiên nhờ lực đỡ của một số cổ phiếu vốn hóa lớn đã giúp cho chỉ số VN-Index chốt tuần tại mức 1479,8 điểm, tăng thêm 16,3 điểm (+0.2%) so với cuối tuần trước. Chỉ số HNX-Index cũng hòa chung xu thế tăng điểm với mức tăng 1,2% trong tuần qua trong khi chỉ số UPCOM-Index giảm nhẹ 0,2%. 

Tuần qua, thanh khoản thị trường có xu hướng cải thiện cùng với đà tăng điểm của thị trường, theo đó giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn tăng 16,7% so với tuần trước lên mức 33.897 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, điểm tiêu cực trong tuần qua là khối ngoại đã quay trở lại bán ròng mạnh trên sàn HOSE và HNX với giá trị bán ròng lần lượt là 1.947 tỷ đồng và 140 tỷ đồng do hoạt động tái cơ cấu lại danh mục đầu tư của quỹ VNM ETF và FTSE Vietnam ETF. 

Đà tăng điểm của thị trường tuần qua có sự đóng góp lớn nhất từ nhóm cổ phiếu Bất động sản. Cụ thể, VHM là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào mức tăng của thị trường tuần qua, ghi nhận mức tăng 4,5% sv cuối tuần trước. Nhiều cổ phiếu khác trong ngành Bất động sản cũng hòa chung xu hướng tăng điểm như BCM (+26,2%), DIG (+32,9%), NVL (+2,0%), NLG (+15,9%) và DXG (+9.5%). Một số cổ phiếu vốn hóa lớn trong nhóm ngành năng lượng như GAS (+2,5%), POW (+5,2%), PLX (+1,9%) cũng ghi nhận mức tăng điểm và đóng góp vào đà tăng của thị trường. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu Ngân hàng vẫn chịu áp lực bán mạnh, qua đó kìm hãm đà tăng điểm của thị trường. Hầu hết, các cổ phiếu Ngân hàng đều giảm điểm trong tuần qua, dẫn đầu là VCB (-3.5%), tiếp theo là VPB (-5.6%), HDB (-3.9%), SHB (-3.3%) và TCB (-0.7%). 

Thị trường chứng khoán sắp khép lại một năm rực rỡ với những kỷ lục, chúng tôi có cuộc trò chuyện với các chuyên gia về xu hướng thị trường, dòng tiền những ngày cuối năm. 

Nhiều áp lực đè nặng thị trường chứng khoán dịp cuối năm

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, 2 tuần cuối năm thị trường phải đối mặt với hai áp lực chính. 

Thứ nhất, cuối năm là thời gian các quỹ đầu tư chốt NAV, thường họ sẽ bán ra để cơ cấu danh mục. Trong hoạt động của nhiều quỹ đầu tư thường họ bán ra cuối năm và mua đầu năm. Do đó, có thể hai tuần cuối năm họ sẽ tiếp tục bán ra để chốt danh mục.

Thứ hai đó là áp lực cho vay margin của công ty chứng khoán, chốt NAV để làm báo cáo cuối năm. Tiền margin không được cung cấp ra thị trường thì cũng là một lực cản lớn cho đà tăng của thị trường. Tiền margin thời gian vừa qua tập trung ở các nhóm vốn hoá vừa và nhỏ vì nhóm này có đà tăng lớn giai đoạn vừa rồi nên hút margin. 

Dựa trên phân tích trên, ông Minh cho rằng, tuần tới xu hướng đi ngang nhiều hơn. VN-Index sẽ dao động từ 1.470 - 1.480 điểm. Dòng tiền có sự phân hoá, nếu như nhóm vốn hoá lớn không hút được tiền thì sẽ tiếp tục đi ngang là cao. 

"Các quỹ chốt NAV, họ thiên hướng bán ra, làm cho thị trường lao dốc. Tuy nhiên, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân đang vào thị trường rất mạnh. Phiên chốt ETF thứ 6 tuần trước, khối ngoại bán ra lớn nhưng dòng tiền cá nhân nâng đỡ được thị trường. Các quỹ bán ra, dòng tiền nhỏ lẻ lớn đã cân lại hết. Hơn nữa, nhóm nhà đầu tư nước ngoài hiện chỉ nắm giữ hơn 16% tài sản toàn thị trường, mỗi phiên chỉ giao dịch 4-5% tổng giao dịch của cả thị trường. Do đó ảnh hưởng không nhiều", ông Minh lưu lý.

Góc nhìn chuyên gia: Thị trường khó có cú giảm sốc cuối năm vì tiền chờ bắt đáy rất nhiều, xu hướng tập trung vào cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Theo vị chuyên gia này, dòng tiền cá nhân hiện rất mạnh, nên khối ngoại bán ra cũng không đáng ngại. Hiện dòng tiền cá nhân dẫn dắt nên còn một kịch bản nữa ông tính đến đó là thị trường sẽ kiểm tra lại mốc 1500 điểm. 

Trong trường hợp các quỹ bán ra lượng cổ phiếu vốn hoá lớn thì đó sẽ là cơ hội với những nhà đầu tư nắm giữ tiền mặt cao. 

Theo ông Minh, có nhiều lý do khiến họ bán ròng như những lo ngại về chủng virus Omicron mới và các nước phản ứng cực đoan, tính nhạy cảm ở thị trường mới nổi và cận biên. Điều này là xu hướng chung, nhiều nước bị khối ngoại bán ròng mạnh như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc… Nhưng VN-Index bị bán ra lý do lớn từ việc khối ngoại lo ngại đà tăng nóng của thị trường Việt Nam vừa qua, là thị trường tăng mạnh nhất so với khu vực và thế giới. Tăng nóng sẽ tạo ra cú điều chỉnh giảm. Những quỹ mà bị kẹp hàng rất nhiều năm vừa, giá lên cao, có khoản cao, nên họ tranh thủ bán ra. Hơn nữa thị trường Việt Nam tăng nóng, dòng tiền ngoại cũng dễ có xu hướng bán để tìm đến các thị trường chưa tăng nhiều tìm kiếm cơ hội, đặc biệt các thị trường các nước phát triển bao giờ cũng có tính ổn định hơn. 

"Khối ngoại giờ không ảnh hưởng nhiều trên thị trường chứng khoán nữa. Thị trường lúc này phụ thuộc vào dòng tiền nhà đầu tư cá nhân, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân làm chủ cuộc chơi. Những rủi ro đã được phản ánh phần lớn như chủng mới Omicron, Fed dự kiến tăng lãi suất,… Tuy nhiên cũng chưa phải thời điểm để gia tăng mạnh đòn bẩy thời điểm này. Nhà đầu tư nên duy trì nắm giữ cổ phiếu thời điểm này vào khoảng 35-40% danh mục", ông Minh nói.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, thị trường rất khó có thể có cú giảm điểm sốc, sâu như năm ngoái vì việc căng margin kéo dài rồi chứ không phải chỉ 1-2 tháng gần đây. Thị trường vận động bằng tiền tươi, tiền chờ trên tài khoản rất nhiều nên khả năng giảm mạnh rất khó. Thậm chí có thể giảm mạnh nhưng sẽ có hồi phục ngay trong phiên bởi lượng tiền lớn đang nằm chờ trong tài khoản sẵn sàng mua vào. 

Hiện chưa có một lý do để thị trường có cú sốc giảm mạnh. Năm 2020 thị trường giảm sốc dịp cuối năm vì sự lan rộng của dịch bệnh đẩy lên nguy cơ phong toả nhưng hiện giờ chúng ta đã xác định sống chung với dịch bệnh. Kinh tế bắt đầu hồi phục, nhiều doanh nghiệp có tăng trưởng tốt trong quý 4 năm nay. 

"Dòng tiền đang rất mạnh. Dòng tiền mạnh sẽ cân được khi thị trường giảm sốc bất ngờ, sẽ có hồi luôn. Về kinh tế, khi lãi suất tăng trở lại 8-9% thì dòng tiền này mới có thể rút khỏi chứng khoán. Mà hiện tại yếu tố này chưa có", ông Minh nói.

Cơ cấu danh mục sang dòng có kết quả kinh doanh tốt

Ông Đỗ Trung Thành, Trưởng phòng Phân tích Doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận định, theo tính chu kỳ hàng năm là giai đoạn dòng tiền của các tổ chức ít giao dịch, đặc biệt là trong bối cảnh một năm qua thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực. Do đó, có thể thấy các phiên giao dịch gần đây nhóm cổ phiếu bluechip tăng trưởng kém, không thu hút thanh khoản bằng các cổ phiếu vừa và nhỏ và nhiều khả năng xu hướng trên sẽ kéo dài tiếp diễn trong các phiên giao dịch cuối năm 2021

Ngoài ra, việc FED và các ngân hàng trung ướng bắt đầu thông báo lộ trình tăng lãi suất trước áp lực lạm phát có thể tác động đến thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng do đó trong ngắn hạn nếu thị trường quốc tế điều chỉnh mạnh thì không loại trừ thị trường Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Còn về trung và dài hạn, thị trường chứng khoán vẫn đang là kênh đầu tư với nhiều yếu tố hấp dẫn.

Góc nhìn chuyên gia: Thị trường khó có cú giảm sốc cuối năm vì tiền chờ bắt đáy rất nhiều, xu hướng tập trung vào cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt - Ảnh 2.

Ông Đỗ Trung Thành, Trưởng phòng Phân tích Doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI)

Áp lực điều chỉnh, hoàn toàn có thể xẩy ra trong giai đoạn cuối năm thì việc duy trì tỷ trọng vừa phải và ưu tiên việc quản trị danh mục phù hợp cần được chú ý hơn. Trong tuần tới nhà đầu tư nên tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt là 75/25 và tái cơ cấu sang một số cổ phiếu cơ bản dự kiến có kết quả kinh doanh khả quan như: Dầu khí, Phân bón, Điện, Bảo Hiểm, Dược phẩm. 

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng áp lực chốt lời sẽ gia tăng trong tuần tới do chỉ số VN-Index đang tiệm cận vùng kháng cự 1.480-1.500 điểm. Chỉ số VN-Index có thể biến động trong kênh giá hẹp trong tuần tới và đây là thời điểm phù hợp để nhà đầu tư tái cơ cấu lại danh mục đầu tư với định hướng đầu tư cho năm 2022. Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ lệ tiền mặt cao có thể giải ngân vào nhóm cổ phiếu bán lẻ, thực phẩm và đồ uống do đây là nhóm cổ phiếu thường ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý 4 (mùa lễ Tết). Trong khi đó, những nhà đầu tư đang sở hữu tỷ lệ đòn bẩy cao có thể chủ động hạ tỷ lệ đòn bẩy khi thị trường tiệm cận vùng đỉnh, đặc biệt đối với những danh mục đang nắm giữ những cổ phiếu đã tăng nóng giai đoạn gần đây.

Góc nhìn chuyên gia: Thị trường khó có cú giảm sốc cuối năm vì tiền chờ bắt đáy rất nhiều, xu hướng tập trung vào cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt - Ảnh 3.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDirect

Bạch Huệ

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên