Góc nhìn chuyên gia: VN-Index sẽ không giảm sâu vì nỗi sợ biến thể Covid, dòng tiền hướng về trụ đỡ mang tên cổ phiếu ngân hàng
"Cần lưu ý phiên đầu tuần tới lượng hàng T+3 của nhóm ngân hàng cũng sẽ về tài khoản, áp lực chốt lời có thể diễn ra khiến thị trường mất đi một trụ cột quan trọng các phiên đầu tuần", Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco cho biết.
Sau nhịp lùi lấy đà phiên đầu tuần, VN-Index đã bứt tốc dễ dàng vượt qua hàng loạt mốc điểm quan trọng, thiết lập đỉnh mới khi công phá thành công ngưỡng cản 1.500 điểm. Tuy nhiên, áp lực điều chỉnh trong phiên cuối tuần khiến VN-Index mất gần 8 điểm, song vẫn giữ vững mốc 1.490 điểm. Thanh khoản trong tuần cũng ghi nhận ở mức cao, song có phần "hạ nhiệt" so với tuần trước, giá trị giao dịch bình quân đạt 39.719 tỷ đồng/phiên (~1,73 tỷ USD/phiên).
Với những diễn biến trên, liệu xu hướng tích cực có còn được duy trì và cổ phiếu nào sẽ thu hút dòng tiền? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia chứng khoán để tìm lời giải cho những vấn đề này.
Theo ông, việc VN-Index "thủng" mốc 1.500 điểm có là dấu hiệu chấm dứt xu hướng tăng hay chỉ là nhịp chỉnh thông thường tạo đà bứt phá cho những phiên kế tiếp? Thanh khoản chững lại tại mức cao có phải dấu hiệu của phân phối đỉnh?
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội: Tôi cho rằng thị trường đã chính thức bước vào xu hướng tăng. Dù diễn biến không tích cực ở nhiều nhóm cổ phiếu, nhưng VN-Index sẽ vẫn giữ được trên vùng hỗ trợ 1.480 -1.490 điểm nhờ lực kéo của hai cổ phiếu VIC và VPB, qua đó chờ đợi sự lan tỏa đều của dòng tiền để tiếp tục đi lên nữa. Chưa có cơ sở để nói rằng thị trường có dấu hiệu phân phối, thanh khoản giảm nhẹ nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần cho thấy lực cầu mua lên vẫn tốt và dòng tiền vẫn đang ở lại thị trường để tìm kiếm cơ hội.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco: Thị trường phiên cuối tuần diễn biến tương đối xấu khi bị đảo chiều bán mạnh vào phiên chiều. Nhìn chung đây là điều thường thấy mỗi khi VN-Index đạt các chốt chặn quan trọng như mốc 1.500 điểm vừa rồi, sẽ cần thời gian để tích lũy "xây nền" vững chắc tạo bệ đỡ cho các đỉnh cao mới trong tương lai. Theo tôi, xu hướng tăng vẫn được bảo toàn, tuy nhiên sẽ có thêm những nhịp chỉnh để hấp thụ dòng tiền chốt lời cũng như để phản ánh đồng nhịp với thị trường chứng khoán quốc tế. Diễn biến thanh khoản hiện tại chưa làm tôi lo ngại về phân phối đỉnh, nếu có thì sẽ chỉ ở nhóm các cổ phiếu đầu cơ đã tăng nóng.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta: Theo tôi, nhịp chỉnh trong phiên cuối tuần qua có sự phân hóa và xu hướng thị trường đã có sự ảnh hưởng trong ngắn hạn trước ngưỡng cản mạnh 1.500 điểm. Về cơ bản, dấu hiệu phân phối là có, tuy nhiên việc thị trường tạo đỉnh là chưa khi mà xu hướng giảm vẫn chưa có dấu hiệu được xác lập.
Trong tuần giao dịch tới, VN-Index sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ cơ bản là 1.450 điểm. Nếu trong trường hợp áp lực bán tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khiến thị trường xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ này thì khả năng cao thị trường sẽ quay lại pha giảm trong ngắn hạn. Đặc biệt, áp lực rủi ro cũng đang có phần gia tăng với việc thanh khoản cao tại những nhịp giảm, nhất là tại nhóm cổ phiếu midcap và penny sau chuỗi phiên tăng "nóng" vừa qua.
Sang tuần mới, theo ông đà tăng liệu có thể lan tỏa rộng ra nhiều nhóm ngành trong tuần sau hay sẽ vẫn tập trung tại một số ngành riêng biệt như ngân hàng trong tuần này?
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội: Tôi cho rằng để vượt lên hoàn toàn khỏi mốc tâm lí 1.500 điểm thì dòng tiền cần có sự lan tỏa thay vì là tập trung mạnh vào 1 dòng cổ phiếu như hiện tại. Thời điểm hiện tại, tôi cho rằng nhóm ngân hàng vẫn sẽ là đầu tàu dẫn dắt thị trường đi lên.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta: Áp lực giảm trong phiên cuối tuần có sự phân hóa giữa các nhóm ngành khi mà một số cổ phiếu ngân hàng hay bluechips trong rổ VN30 tăng điểm tạo nên lực đỡ giúp VN-Index không giảm quá sâu. Về cơ bản, tôi cho rằng thị trường sẽ có những nhịp giảm trong phiên đầu tuần tới, và đà giảm điểm sẽ diễn ra tại hầu hết các nhóm ngành.
Theo đó, chuỗi tăng "nóng" của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trong thời gian qua hay sự "dậy sóng" của cổ phiếu chứng khoán sẽ tạo ra rủi ro khi áp lực bán gia tăng. Tuy nhiên, cổ phiếu ngân hàng sẽ ngược chiều, tăng điểm và trở thành trụ đỡ trong bối cảnh dòng tiền đang có dấu hiệu quay trở lại với nhóm này.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco: Tôi dự báo dòng tiền sẽ chỉ tập trung vào một số ngành trọng điểm, trong khi một số ngành khác khả năng sẽ tiếp tục bị bán. Sự đồng thuận toàn thị trường sẽ chỉ diễn ra sau khi tâm lý thị trường quốc tế hồi phục trở lại, hoặc có thông tin vĩ mô đủ mạnh giúp xoay chuyển tình hình. Nhóm dầu khí sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi giá dầu đã giảm gần 15%. Nhóm thép thì vẫn đang trong trend giảm ngắn hạn và chưa có dấu hiệu phục hồi. Ngoài ra cũng cần lưu ý phiên đầu tuần tới lượng hàng T+3 của nhóm ngân hàng cũng sẽ về tài khoản, áp lực chốt lời có thể diễn ra khiến thị trường mất đi một trụ cột quan trọng các phiên đầu tuần.
Những sự kiện gần đây như xuất hiện biến thể COVID-19 mới tại Nam Phi, giá hàng hóa hạ nhiệt hay đồng Bitcoin rớt giá sâu, thị trường chứng khoán thế giới chao đảo. Điều này sẽ tác động như thế nào đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco: Mức độ phản ứng của thị trường tài chính quốc tế với tin tức về biến thể COVID mới là tương đối mạnh, do vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam, nhất là khi VN-Index đang ở vùng đỉnh lịch sử. Tuy nhiên, tôi không quá lo ngại vì đây không phải là lần đầu tiên chúng ta phải đối diện với các đợt giảm liên quan tới COVID, Nam Phi mới đây cũng đã lên tiếng trấn an về độ nguy hiểm của biến thể này. Các bài học trong quá khứ sẽ giúp yếu tố tâm lý tiêu cực chỉ diễn ra trong vài phiên. Yếu tố dòng tiền tham gia thị trường đang rất mạnh mẽ, cùng các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ sẽ là những điểm tựa tốt cho thị trường giai đoạn này.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta: Trong bối cảnh nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đã tăng mạnh trong một khoảng thời gian cộng thêm tỷ lệ margin đang ở mức rất cao chủ yếu tại các cổ phiếu vừa và nhỏ đã tăng "nóng", chỉ cần một thông tin tiêu cực trên thế giới chắc chắn sẽ tác động tới tâm lý chung của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. Lực lượng này chiếm tới 90% giá trị giao dịch trên thị trường hiện nay, do đó tâm lý tiêu cực rất dễ để gây ra các hoạt động bán tháo trong những phiên giảm điểm - điều đã xảy ra trong một số phiên gần đây và có thể tiếp tục hình thành trong tuần này.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội: Yếu tố quốc tế chắc chắn sẽ có tác động đến nhất định đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cho rằng sự xuất hiện của biến thể mới sẽ không có tác động rõ rệt khi mà các thông tin về COVID đã dần bão hòa. Những nhịp chỉnh mạnh trên thị trường chứng khoán thế giới sẽ có tác động rõ nét hơn nhưng khả năng cao sẽ chỉ tác động mang tính thời điểm.
Khối ngoại vẫn không ngừng bán ròng, thậm chí còn lập kỷ lục bán ròng 2.100 tỷ trong phiên cuối tuần. Điều gì đang diễn ra, thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta: Tôi cho rằng xu hướng bán ròng của khối ngoại chủ yếu vẫn có nguyên nhân từ dịch bệnh COVID. Bên cạnh đó, lo ngại về hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy cũng là một lý do cho động thái bán ròng này. Mặt khác, thời điểm cuối năm cũng là lúc các tổ chức ngoại sẽ tiến hành cơ cấu danh mục khi loại bỏ những cổ phiếu không hiệu quả đồng thời hiện thực hóa lợi nhuận với những cổ phiếu đã tăng tốt, tiến tới định hướng đầu tư trong năm mới.
Hiện tại, chưa thể khẳng định rằng khối ngoại sẽ trở lại mua ròng trong năm 2022. Tuy nhiên, tôi cho rằng dòng tiền khối ngoại, thay vì lựa chọn các cổ phiếu đã niêm yết, thì sẽ ưa chuộng cho các hoạt động thoái vốn hay cổ phần hóa nhà nước.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco: Khối ngoại bán ròng không phải là điều mới, tuy nhiên đã tăng về cường độ. Ngoài những câu chuyện riêng liên quan tới cấu trúc deal, thì lo ngại về biến chủng mới COVID có thể là nguyên nhân dòng tiền được rút về các thị trường hoặc lớp tài sản an toàn hơn. Thị trường Việt Nam mặc dù kinh tế vĩ mô ổn định, nhiều tiềm năng, tuy nhiên cơ bản vẫn là nhóm thị trường cận biên trong cơ cấu phân bổ của các quỹ ngoại.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội: Tôi cho rằng việc khối ngoại bán ròng mạnh khi thị trường chạm đến vùng đỉnh là việc hoàn toàn bình thường và đã diễn ra thường xuyển kể từ khi thị trường vượt 1.200 điểm. Nhà đầu tư không cần quá thận trọng với vấn đề này.
Tuần mới, thị trường chứng khoán sẽ bước sang tháng cuối cùng của năm 2021, dưới góc độ chuyên gia, ông cho rằng xu hướng thị trường sẽ như thế nào?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco: Tuần tới, tôi kỳ vọng thị trường sẽ diễn ra theo kịch bản: giảm vào các phiên đầu tuần và tăng trở lại vào các phiên cuối tuần, kiểm định lại mốc 1.500 điểm. Xu thế dòng tiền cho thấy đang có sự dịch chuyển mạnh vào nhóm cổ phiếu VN30, bluechips và khả năng tiếp tục diễn ra trong các phiên tới. Đây là sự lựa chọn an toàn khi nhóm này giai đoạn vừa rồi không tăng nóng như nhóm penny, trong khi thị trường đang có nhiều yếu tố bên ngoài tác động.
Bước sang tháng 12, tôi duy trì quan điểm thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm tích cực và hướng tới vùng 1.550 điểm. Những ngành tôi kỳ vọng là ngân hàng, bất động sản, các ngành liên quan xuất khẩu cũng như các câu chuyện thoái vốn Nhà nước, M&A.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta: Tôi cho rằng thị trường sẽ chốt lại năm 2021 với mức 1.534 điểm và VN-Index sẽ chịu áp lực khá lớn khi tiệm cận vùng 1.500 – 1.550 điểm. Trong tháng 12, chỉ số sẽ không còn mức tăng mạnh như đầu năm tới hiện tại, mà sẽ theo khuynh hướng đi ngang và điều chỉnh, trong đó cổ phiếu ngân hàng sẽ là trụ đỡ, tạo động lực cho thị trường.
Xét theo mức vốn hóa, chỉ số nhóm vốn hóa lớn với đại diện là VN30-Index sẽ có mức tăng mạnh nhờ việc cổ phiếu nhà băng chiếm tỷ trọng lớn; trong khi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ sẽ sideway và điều chỉnh giảm.
Với mức định giá hiện tại, tôi cho rằng dòng tiền sẽ chảy về với nhóm cổ phiếu ngân hàng khi hầu hết cổ phiếu đang được định giá rất hấp dẫn, hứa hẹn sẽ tiếp tục chuỗi tăng điểm tích cực. Ngoài ra, nhóm ngành tiêu dùng cũng sẽ hồi phục trong quý 4 và thu hút dòng tiền trên thị trường.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội:
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội: Thời gian tới, tôi kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục đi lên chủ yếu nhờ hiệu ứng tích cực bởi các chính sách vĩ mô như đầu tư công hay các gói kích thích kinh tế. Những nhóm ngành hưởng lợi trong thời gian tới theo tôi là Bất động sản, Vật liệu xây dựng đặc biệt là các cổ phiếu được lợi từ xuất khẩu; trong đó thép sẽ có thể bứt phá vì đã hoàn thành thời gian đầu tư xây dựng cơ bản và bước vào tập trung sản xuất. Nhóm ngành xây dựng sẽ hưởng lợi từ đầu tư công; trong khi bán lẻ, hàng không sẽ hưởng lợi từ mở cửa và kích thích nền kinh tế.