Góc nhìn CTCK: Chưa vội bắt đáy, ưu tiên bảo toàn vốn
Thị trường rất có thể đang chiết khấu cho rủi ro chưa được làm rõ ở phía trước. Do đó, nhà đầu tư nên thận trọng, chưa vội bắt đáy, không dùng margin, ưu tiên bảo toàn vốn.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khép lại phiên giao dịch đầu tuần đầy giông bão với sắc đỏ bao trùm, thậm chí hàng trăm cổ phiếu còn giảm kịch sàn. VN-Index kết phiên giảm 33,67 điểm (-3,3%) xuống mức 986,15 điểm, thấp nhất trong vòng hơn 23 tháng kể từ ngày 19/11/2020. Thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp với giá trị khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt chưa đến 9.000 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại là một điểm sáng hiếm hoi khi mua ròng khoảng 107 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Nhận định về thị trường trong những phiên tới, nhiều CTCK đã đưa ra quan điểm thận thận trọng và thị trường vẫn cần thêm những tín hiệu để xác nhận xu hướng:
Có thể kiểm định lại mốc 1.000 điểm
Chứng khoán SSI: Với việc đường giá vừa cắt xuống dưới vùng hỗ trợ quan trọng 1.000 điểm kết hợp với trạng thái “rút chân” từ cuối phiên hôm nay, chỉ số VN-Index có thể hình thành trạng thái “pull-back” và kiểm lại mốc quan sát 1.000 điểm trước khi quay lại với xu thế giảm điểm. Vùng hỗ trợ gần trên chỉ số VN-Index là vùng 968 – 950 điểm.
Chưa có dấu hiệu tạo đáy thứ 2 trong ngắn hạn
Chứng khoán VCBS: Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đang nằm trong sóng đẩy 3 sau khi kết thúc nhịp sóng hiệu chỉnh phẳng vào cuối tháng 8. Xét trên thang đo Fibonacci mở rộng tính từ đỉnh đầu tháng 4, VN-Index đã tiến sát vùng điểm 985 tương ứng với ngưỡng 0,786. Nếu tình hình không được cải thiện, VN-Index sẽ hướng về ngưỡng 1 tương đương với khu vực 900 điểm. Bên cạnh đó, toàn bộ các chỉ báo đều đang cho tín hiệu tiêu cực và chưa có dấu hiệu tạo đáy thứ 2 trong ngắn hạn.
Chưa vội bắt đáy
Chứng khoán MBS: Thị trường để mất ngưỡng tâm lý 1.000 điểm sau 2 năm, áp lực bán ở 2 phiên liên tiếp khiến hàng trăm cổ phiếu giảm sàn đang khiến tâm lý vốn đã yếu có thể trở nên bi quan và mất niềm tin từ nhà đầu tư.
Thị trường trong nước hiện đang ngược dòng chứng khoán thế giới nên khó có thể nói tác động từ bên ngoài khiến thị trường giảm sâu như vậy. Ở trong nước, mùa báo kết quả kinh doanh quý III cũng không tệ. Tuy vậy, thị trường rất có thể đang chiết khấu cho rủi ro chưa được làm rõ ở phía trước. Do đó, nhà đầu tư nên thận trọng, chưa vội bắt đáy, không dùng margin, ưu tiên bảo toàn vốn.
Xu hướng ngắn hạn tiếp tục suy giảm
Chứng khoán SHS: Xu hướng ngắn hạn và trung hạn tiếp tục suy giảm, tê liệt khi các vùng giá hỗ trợ tâm lý mạnh liên tiếp không giữ được, dẫn đến hiệu ứng bán tháo luân phiên diễn ra trên diện rộng.
Với diễn biến tiêu cực và áp lực bán như hiện nay đến từ những ảnh hưởng liên thông từ thị trường trái phiếu đến thị trường chứng khoán, VN-Index trong phiên tiếp theo sẽ nỗ lực phục hồi kiểm tra lại vùng giá tâm lý quanh 1.000 điểm và vẫn có rủi ro tiếp tục điều chỉnh về vùng giá 950 – 970 điểm.
Vùng hỗ trợ quanh 950 điểm
Chứng khoán KBSV: VN-Index trải qua một nhịp lao dốc mạnh trong phiên trước khi hồi phục một phần về cuối phiên. Thanh khoản gia tăng trong các nhịp sụt giảm phá đáy để ngỏ rủi ro tiếp tục mở rộng nhịp điều chỉnh xuống các vùng sâu hơn trong các phiên tới.
Vùng hỗ trợ gần quanh 950 (+/-10) được kỳ vọng sẽ đóng vai trò điểm đỡ đáng lưu ý của VN-Index và KBSV kỳ vọng có thể xuất hiện một nhịp hồi phục kỹ thuật tại đây. Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong các nhịp hồi sớm và khống chế tỷ trọng ở mức an toàn.
Nhịp Sống Thị Trường