MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc nhìn CTCK: Rủi ro điều chỉnh chiếm ưu thế, lưu ý vùng hỗ trợ quanh 1.100 điểm

Góc nhìn CTCK: Rủi ro điều chỉnh chiếm ưu thế, lưu ý vùng hỗ trợ quanh 1.100 điểm

Hỗ trợ ngắn hạn của VN-Index hiện tại ở quanh mốc 1.090-1.100 điểm và TVSI kỳ vọng chỉ số sẽ cân bằng trở lại trong các phiên tới tại vùng giá trị này.

Góc nhìn CTCK: Rủi ro điều chỉnh chiếm ưu thế, lưu ý vùng hỗ trợ quanh 1.100 điểm - Ảnh 1.

Thị trường đối diện áp lực chốt lời sau nhiều phiên tăng điểm. Tâm lý “hái lộc” đầu năm của nhiều nhà đầu tư khiến VN-Index giảm gần 15 điểm (-1,3%) và lùi về quanh mốc 1.100 điểm. Thanh khoản được cải thiện đáng kể so với phiên hôm trước, với giá trị giao dịch hơn 13.500 tỷ đồng trên HoSE. Giao dịch khối ngoại tiếp tục là điểm sáng khi mua ròng hơn 788 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Góc nhìn CTCK: Rủi ro điều chỉnh chiếm ưu thế, lưu ý vùng hỗ trợ quanh 1.100 điểm - Ảnh 2.

Nhận định về thị trường trong những phiên tới, nhiều CTCK đã đưa ra quan điểm mang tính thận trọng:

Thị trường còn khó khăn

Chứng khoán MBS: Thị trường gặp áp lực chốt lời sau chuỗi tăng 8 phiên liên tiếp là hoàn toàn bình thường. Về kỹ thuật, khu vực 1.120 - 1.124 điểm là ngưỡng cản kỹ thuật của VN-Index, với việc thanh khoản lên cao ở phiên hôm nay, khả năng thị trường còn có thể gặp khó khăn ở các phiên sắp tới và vùng hỗ trợ gần sẽ quanh 1.065 - 1.098 điểm.

Rủi ro điều chỉnh chiếm ưu thế

Chứng khoán KBSV: VN-Index giảm điểm với biên độ mở rộng về cuối phiên. Áp lực bán mạnh cùng thanh khoản gia tăng đột biến đẩy chỉ số lùi sát về ngưỡng hỗ trợ gần quanh 1.100 điểm và khiến cho trạng thái thị trường trở nên tiêu cực hơn. Rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh vẫn đang có phần chiếm ưu thế, vùng hỗ trợ sâu quanh 1.08x được kỳ vọng sẽ đóng vai trò điểm đỡ đáng lưu ý cho VN-Index. Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể gia tăng một phần tỷ trọng trading quanh ngưỡng hỗ trợ nhưng khống chế tỷ trọng ở mức an toàn, tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro.

Sẽ cân bằng trở lại

Chứng khoán TVSI: VN-Index đóng cửa với cây nến giảm điểm dạng maurbozu với thanh khoản tăng cao đi kèm giá đóng cửa thấp nhất ngày cho thấy đà điều chỉnh ngắn hạn đang mạnh dần. Phiên giảm điểm 30/01 xác nhận cho tín hiệu điều chỉnh từ vùng kháng cự như TVSI đã dự báo trước đó. Việc các mã dẫn đầu tiêu biểu là nhóm Big 4 ngân hàng gặp áp lực giảm cũng kéo theo toàn chỉ số VN30 có phiên giao dịch khá tệ.

Hỗ trợ ngắn hạn của chỉ số hiện tại ở quanh mốc 1.090-1.100 điểm và kỳ vọng chỉ số sẽ cân bằng trở lại trong các phiên tới tại vùng giá trị này. Xu hướng ngắn hạn của chỉ số đang là tăng giá. Nhà đầu tư nên canh nhịp điều chỉnh để mua vào những mã cổ phiếu đang có đà tăng tốt. Đà tăng chỉ kết thúc khi VN-Index đóng cửa thấp hơn vùng 1.065 điểm đã rất tốn công vượt qua trước đó.

“Test” mốc hỗ trợ 1.100 điểm

Chứng khoán VCBS: Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên 30/01 bằng một nến Mazubozu đỏ ngay cạnh nến Doji tại vùng đỉnh ngắn hạn cuối phiên thứ sáu tuần trước, tạo thành mô hình nến tương tự morning star cho tín hiệu điều chỉnh giảm. Bên cạnh đó, chỉ báo RSI đã tạo đỉnh đầu tiên khi vượt lên trên vùng quá mua cho thấy áp lực điều chỉnh ngắn hạn đã xuất hiện. Hỗ trợ gần nhất của VN-Index sẽ quanh khu vực 1.100 điểm.

Nhịp điều chỉnh ngắn hạn là cần thiết để VN-Index kiểm tra lại mốc hỗ trợ trước khi có thể quay lại xu hướng tăng và tiệm cận các đỉnh cao hơn. Nếu VN-Index giữ vững được vùng hỗ trợ này, các nhà đầu tư có thể giải ngân với tỷ trọng lớn hơn với các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành đang thu hút dòng tiền. Ngược lại nếu vùng hỗ trợ này bị xuyên thủng và các chỉ báo cho tín hiệu phân kỳ âm thì các nhà đầu tư nên chủ động nâng cao tỷ trọng tiền mặt để hạn chế tối đa rủi ro.

Điều chỉnh là cơ hội tăng tỷ trọng

Chứng khoán SHS: Giai đoạn hiện tại thị trường đang vận động trong sóng hồi (chưa phải uptrend) và SHS kỳ vọng sau các phiên điều chỉnh VN-Index sẽ hướng tới mục tiêu 1.150 điểm. Theo góc nhìn ngắn hạn, các phiên điều chỉnh có thể còn xuất hiện tiếp theo và đó là cơ hội để nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục mua vào gia tăng tỷ trọng.

Với góc nhìn trung - dài hạn, hướng giải ngân vẫn là tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, các cổ phiếu dẫn đầu ngành và vẫn duy trì được tăng trưởng lợi nhuận và tiếp tục có kỳ vọng tăng trưởng trong năm tới và tận dụng các phiên thị trường điều chỉnh giảm điểm để giải ngân.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên