MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc nhìn CTCK: Ưu tiên hạ tỷ trọng cổ phiếu trước kỳ nghỉ lễ

Góc nhìn CTCK: Ưu tiên hạ tỷ trọng cổ phiếu trước kỳ nghỉ lễ

Theo VCBS, việc tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận mức rủi ro tương đối cao.

Phiên giao dịch cuối cùng tháng 8 diễn ra khá tích cực khi VN-Index đóng cửa tăng 3,33 điểm (0,25%) lên 1.331,47 điểm, qua đó kéo dài chuỗi tăng điểm liên tiếp lên con số 3.

Dù vậy, điểm trừ là áp lực bán diễn ra khá mạnh khi VN-Index tiến gần tới vùng 1.340 điểm, cùng việc khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng 100 tỷ đồng trên toàn thị trường. Những ngày tới, thị trường sẽ bước vào kỳ nghỉ lễ 2/9 phần nào khiến giới đầu tư trở nên thận trọng hơn.

Trong bản tin nhận định, nhiều Công ty chứng khoán đã đưa ra quan điểm thận trọng về xu hướng thị trường lúc này.

Góc nhìn CTCK: Ưu tiên hạ tỷ trọng cổ phiếu trước kỳ nghỉ lễ - Ảnh 1.

Canh chốt lời, tránh mua đuổi ở thời điểm hiện tại

Theo Công ty chứng khoán SHS, chỉ số VN-Index hồi kỹ thuật phiên thứ ba liên tiếp với mức tăng bị thu hẹp lại và thanh khoản vượt lên trên mức trung bình 20 phiên. Kết hợp với mẫu hình nến doji trong phiên 31/8 có thể thấy là bên mua và bên bán đang giằng co tại vùng giá hiện tại. Bên cạnh đó, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên hai sàn với hơn 100 tỷ đồng cũng là một điểm tiêu cực.

Trên góc nhìn kỹ thuật, SHS cho rằng tuy đã tăng ba phiên liên tiếp nhưng VN-Index vẫn chưa thể vượt qua được vùng kháng cự trong khoảng 1.335-1.340 điểm (MA20-50) nên xu hướng hiện tại vẫn chưa có gì thay đổi.

SHS dự báo, trong phiên giao dịch 1/9, VN-Index có thể tiếp tục hồi phục kỹ thuật với vùng kháng cự gần nhất trong khoảng 1.335-1.340 điểm (MA20-50). Những nhà đầu tư vẫn đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể canh những phiên hồi kỹ thuật để giảm tỷ trọng. Nhà đầu tư đã chốt lời danh mục ngắn hạn trước đó tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường, tránh mua đuổi ở thời điểm hiện tại.

Chung quan điểm, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá xu hướng chung của chỉ số trong một vài phiên gần đây vẫn đang là giằng co và chưa rõ ràng trong tâm thế chuẩn bị đón nhận thêm những thông tin mới từ thị trường tài chính quốc tế cũng như những thông tin liên quan đến dịch bệnh Covid – 19 trước khi xác lập xu hướng mới. VCBS cho rằng áp lực chốt lời tại ngưỡng 1.350 là tương đối mạnh, và chỉ số VN-Index sẽ chưa thể xuất hiện xu hướng hồi phục vững chắc trong những phiên tới.

Cũng theo VCBS, việc tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận mức rủi ro tương đối cao, do đó nhà đầu tư cần xây dựng chiến lược quản trị danh mục hợp lý và tuân thủ chặt chẽ kỷ luật đầu tư đồng thời nên hạn chế sử dụng đòn bẩy trong bối cảnh chỉ số chung vẫn đang tiệm cận ngưỡng kháng cự 1.350 điểm, và nên cân nhắc chốt lời danh mục nếu như chỉ số không thể vượt qua ngưỡng này.

Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định TTCK vẫn đang trong xu thế tăng nhưng đà tăng chậm lại, đây là xu thế chung khi nhịp tăng vừa qua các NĐT đang thành công và thực hiện chốt lãi. Với kỳ nghĩ lễ lớn dài ngày của đất nước sắp đến, VDSC khuyến nghị các NĐT hạn chế giải ngân mới và có thể chốt lãi dần danh mục của mình khi đã đạt kỳ vọng ngắn hạn.

Trong khi đó, Chứng khoán Agriseco cho biết đồ thị kỹ thuật xuất hiện cây nến Doji đỏ, báo hiệu đà tăng đang có dấu hiệu chững lại, đồng thời VN-Index bắt đầu kiểm định vùng kháng cự 1.330- 1.350 điểm. Agriseco dự báo diễn biến phiên 1/9 có thể dao động trong biên độ hẹp với mức thanh khoản thấp trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ.

Hạ tỷ trọng nhóm Smallcap, có thể cơ cấu một phần sang nhóm Bluechips

Chứng khoán MBS cho biết một số cổ phiếu ngân hàng vẫn đang trong quá trình retest đáy tháng 7 như TCB, STB, ACB, CTG, BID,…Trong khi đó, thị trường vẫn có hiệu ứng từ sức bật của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, tuy đà tăng đã bị thu hẹp trong phiên này.

Theo MBS, hiện nhóm smallcap đã vượt đỉnh sau 5 phiên tăng liên tiếp, trong khi nhóm midcap đang tiệm cận đỉnh. Do đó, nhà đầu tư có thể chốt lời dần nhóm smallcap và cơ cấu 1 phần sang nhóm bluechips.

Bảo Sơn

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên