Góc nhìn CTCK: Xu hướng tăng vẫn còn, có thể gia tăng tỷ trọng tại các nhịp điều chỉnh
VCBS vẫn giữ nguyên quan điểm nhịp điều chỉnh này là cần thiết để VN-Index có cơ hội hướng lên các mốc điểm cao phía trên.
Thị trường chứng khoán khởi đầu tuần mới khá hưng phấn với sắc xanh trải rộng ngay đầu phiên. Tuy nhiên, áp lực bán gia tăng sau đó đã nhanh chóng kéo lùi nhiều cổ phiếu, VN-Index đóng cửa giảm 4,36 điểm (-0,41%) xuống 1.065,35 điểm.
Thanh khoản khá dồi dào với giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt hơn 13.000 tỷ đồng, tăng 37% so với phiên cuối tuần trước. Tuy nhiên, giao dịch khối ngoại tiếp tục điểm trừ khi bán ròng hơn 300 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Nhận định về thị trường trong những phiên tới, các CTCK vẫn tỏ ra tương đối lạc quan:
Có thể xuất hiện nhịp hồi
Chứng khoán Yuanta: Các chỉ báo xung lượng giảm về gần vùng quá bán cho nên thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi và dòng tiền bắt đáy có thể sẽ được kích thích trong 1 - 2 phiên giao dịch tới. VN-Index có thể sẽ chưa xuyên thủng vùng hỗ trợ hoàn toàn vùng hỗ trợ 1.068 – 1.072 điểm trong ngắn hạn.
Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng nhẹ cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang lạc quan với xu hướng hiện tại. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mua mới.
Xu hướng tăng vẫn còn
Chứng khoán TVSI: VN-Index vẫn đang ở trong xu hướng tăng giá ngắn hạn và hỗ trợ mạnh của xu hướng tăng giá này là vùng cân bằng trước đó quanh ngưỡng 1.050-1.055 điểm. Kỳ vọng chỉ số sẽ phục hồi lại tại ngưỡng hỗ trợ này và tiếp tục kiểm định lại vùng kháng cự đỉnh tháng 2 trong các phiên cuối tuần. Xu hướng tăng vẫn còn, do đó các nhịp rung lắc hay điều chỉnh như hiện tại đều là cơ hội để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Nhịp điều chỉnh cần thiết
Chứng khoán VCBS: Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên tạo nến đỏ giảm điểm thể hiện áp lực điều chỉnh, chốt lời ngắn hạn vẫn đang hiện hữu. Xét về khung đồ thị giờ, các chỉ báo vẫn đang suy yếu, hướng xuống tiêu cực và chưa cho dấu hiệu tạo đáy phân kỳ cho thấy nhịp điều chỉnh rung lắc vẫn còn tiếp tục trong các phiên tới.
Tuy nhiên, VCBS vẫn giữ nguyên quan điểm, nhịp điều chỉnh này là cần thiết để VN-Index có cơ hội hướng lên các mốc điểm cao phía trên. Vùng hỗ trợ gần nhất của thị trường sẽ quanh khu vực 1.050-1.060 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn, có thể lướt sóng bán một phần và mua lại với giá chiết khấu tốt hơn khi thị trường có tín hiệu test thành công vùng hỗ trợ gần nhất và bật tăng trở lại.
Rung lắc còn tiếp diễn
Chứng khoán KBSV: Sau những nỗ lực hồi phục bất thành, VN-Index dần suy yếu và đảo chiều giảm điểm giằng co về cuối phiên 10/04. Áp lực bán chủ động gia tăng áp đảo bên mua khiến chỉ số một lần nữa lùi về quanh ngưỡng hỗ trợ gần 1.065 điểm (+/-5 điểm).
Mặc dù các nhịp rung lắc sẽ còn tiếp diễn trong các phiên tiếp theo, cơ hội hồi phục trở lại và mở rộng đà tăng điểm tích cực của VN-Index vẫn tiếp tục được bảo lưu. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục gia tăng một phần tỷ trọng trading khi chỉ số về quanh hỗ trợ gần.
Thận trọng chờ đợi
Chứng khoán MBS: Áp lực bán gia tăng khiến lượng hàng ở phiên có thanh khoản cao nhất từ đầu năm về tài khoản chiều nay phải cắt lỗ dù VN-Index không giảm nhiều. Ngoài áp lực bán chung, thị trường cũng đang gặp lực cản từ khối ngoại kể từ đầu tháng 4 khi họ quay ra bán ròng.
Tuần này, chứng khoán thế giới có nhiều sự kiện tác động, ảnh hưởng đến cuộc họp chính sách của Fed vào tháng 5. Tâm lý nhà đầu tư sẽ thận trọng chờ đợi, bên cạnh đó mùa báo có kết quả kinh doanh quý 1 sắp được công bố được dự báo không mấy tích cực cũng là phép thử cho thị trường đợt này.
Nhịp Sống Thị Trường