MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quan hệ Mỹ - Trung nguội lạnh nhìn từ cháu gái của Tổng thống Trump

07-06-2019 - 08:55 AM | Tài chính quốc tế

Ngoài thương mại thì quan hệ Mỹ - Trung còn được duy trì bởi các hoạt động trao đổi văn hóa thông qua ngôn ngữ và lực lượng du học sinh đông đảo.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh hồi tháng 11 năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã mời Chủ tịch Tập Cận Bình xem đoạn video cháu gái của ông, Arabella, hát và đọc thơ bằng tiếng Trung. Con gái của Ivanka Trump và Jared Kushner học tiếng Trung từ cô bảo mẫu của mình và cả ở trường tư mà cô bé đang theo học.

Theo Scott McGinnis, giáo sư tiếng Trung tại Viện Ngôn ngữ quốc phòng (trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ), nhiều bậc cha mẹ Mỹ nghĩ rằng bên cạnh các tiết học ballet và violin thì tiếng Trung sẽ tạo được lợi thế nhất định cho hồ sơ xin vào đại học của con cái họ.

Một khảo sát thực hiện năm 2017 cho thấy khoảng 227.000 học sinh Mỹ thường xuyên phải "vật lộn" với tiếng Trung. Tính đến thời điểm đó, khoảng 363.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các trường đại học và trung học của Mỹ.

Những điều trên khiến viễn cảnh chiến tranh lạnh trở nên xa xôi. Ngoài thương mại thì quan hệ Mỹ - Trung còn được duy trì bởi các hoạt động trao đổi như vậy. Từ khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình mở cửa nền kinh tế, 4 người kế nhiệm ông đều cho con cái đi du học ở Mỹ (con gái ông Tập từng học ở Harvard).

Thế nhưng đáng tiếc là những mối nối này yếu ớt hơn so với vẻ ngoài của chúng. Lượng sinh viên Trung Quốc du học ở Mỹ đang giảm xuống. Ví dụ, trường ĐH Iowa từng chứng kiến số lượng sinh viên Trung Quốc tăng gấp 5 lần từ năm 2007 đến 2015, kéo theo là những tiệm trà sữa và tiệm mì mọc lên trên các đường phố của Iowa City. Tuy nhiên, 2015 cũng là năm con số đạt đỉnh và đến nay đã giảm khoảng 39%.

Một số sinh viên và học giả cho biết họ nhận thấy môi trường học thuật và việc làm ở Mỹ đang ngày càng trở nên kém thân thiện. Sydney Ji, cô sinh viên đến từ Thượng Hải, cho biết sinh viên Trung Quốc ngày càng khó xin gia hạn visa. Thậm chí một người bạn của cô đã phải trở về nhà sau khi không thể gia hạn visa. Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh gần đây bắt đầu phát tờ rơi cho sinh viên Trung Quốc được cấp visa sang Mỹ, trong đó khuyên họ nên "học tập với tư tưởng cởi mở".

Hồi tháng 4, giám đốc FBI Christopher Wray hối thúc các tổ chức giáo dục hãy để ý hơn đến cách các nước khác lợi dụng "môi trường nghiên cứu cởi mở" của Mỹ, đồng thời buộc tội Trung Quốc đang sử dụng các du học sinh và nghiên cứu sinh để ăn cắp các tài sản trí tuệ của Mỹ. Ông Wray cũng bày tỏ lo ngại về các viện Khổng Tử tồn tại trong các trường đại học của Mỹ đang giúp Trung Quốc tăng cường quyền lực mềm bằng cách tổ chức các khóa học tiếng Trung và các sự kiện truyền bá văn hóa Trung Quốc.

Năm 2018, Thượng nghị sĩ Marco Rubio (người của đảng Cộng hòa) cũng đã từng hối thúc các trường đại học ở Florida xem xét đóng cửa các viện Khổng tử. Năm ngoái, ít nhất 10 cơ sở đã bị đóng cửa trên toàn nước Mỹ (khiến con số giảm xuống còn khoảng 100). Chủ đề này thường xuyên được đem ra thảo luận trong các phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ.

Mặc dù nhu cầu học tiếng Trung của người Mỹ vẫn còn khá mạnh mẽ, số lượng sinh viên chọn tiếng Trung đã giảm xuống còn 53.000 trong năm 2016, giảm 13% so với 2013. Với một giọng đượm buồn, giáo sư McGinnis cho rằng Trung Quốc đang ngày càng trở nên kém hấp dẫn.

Khi được hỏi về những sinh viên Trung Quốc có thể cảm thấy hoang mang vì bị nghi ngờ, nghị sĩ Rubio – vốn là con trai của những người nhập cư từ Cuba vào Mỹ - chia sẻ đó chính là thứ ông từng đối mặt. "Mỹ không thể bỏ qua việc Trung Quốc sử dụng du học sinh để ăn cắp công nghệ, nhưng những sinh viên được tiếp xúc với chủ nghĩa tự do ở Mỹ có thể kêu gọi quê nhà thay đổi. Tôi không muốn tạo ra tâm lý bài ngoại, khi mà mọi sinh viên Trung Quốc ở Mỹ đều bị cho là gián điệp dù không có bằng chứng cụ thể", ông nói.

Thế nhưng trong thời đại mà chủ nghĩa dân túy lên ngôi như hiện nay, chắc hẳn không ít người Mỹ sẽ cho rằng lối suy nghĩ của ông Rubio là quá thận trọng.


Thu Hương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên