MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc nhìn: “Khe hở” SAB và phần còn lại của chứng khoán phái sinh

Phiên 9/8, chỉ một lượng nhỏ cổ phiếu SAB đã đủ làm cho tình hình thêm tệ hơn về điểm số...

Chỉ cần một lượng cổ phiếu nhỏ “đè” ở phiên ATC cũng đã làm SAB giảm 11.000 đồng (4,3%), qua đó làm VN-Index mất hơn 2,4 điểm trong tổng số gần 18 điểm “bốc hơi” của chỉ số này, trong phiên giao dịch khiến vốn hoá thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm khoảng 2 tỷ USD, hôm 9/8.

Phiên giảm điểm mạnh mẽ của thị trường hôm 9/8 đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó, một lượng nhỏ cổ phiếu SAB nói trên đã đủ làm cho tình hình thêm tệ hơn về điểm số, và cũng không loại trừ việc tác động xấu hơn đến tâm lý nhà đầu tư.

Trong nhiều phiên giao dịch thời gian gần đây, màu “xanh” - “đỏ” của rổ VN30 dễ bị ảnh hưởng bởi dao động của các cổ phiếu có tỷ trọng lớn như VNM, VIC, HPG, SAB, VCB, GAS, …

Tính đến hết phiên 9/8, SAB đứng thứ 2 về tỷ trọng vốn hóa với tỷ trọng 8,16% sau mức 11,45% của VNM.

Còn trong lần cập nhật gần nhất của sàn Tp.HCM tại ngày 31/7, với VN30 sau khi đã điều chỉnh free float thì SAB đứng thứ 4 về vốn hóa thị trường với tỷ trọng 5,32%.

Tuy nhiên, dễ thấy là SAB dường như dễ gây “tác động” nhất, vì đã có những phiên, tại một thời điểm nào đó chỉ cần vài trăm cổ phiếu mua bán là đủ làm thay đổi bước giá của SAB, qua đó ảnh hưởng dây chuyền đến các chỉ số.

Tính từ đầu năm tới ngày 9/8, khối lượng giao dịch thành công của SAB trong phiên thấp nhất chỉ vỏn vẹn 1.400 cổ phiếu, với giá trị 227 triệu đồng, phiên cao nhất là 234.300 cổ phiếu (45,3 tỷ đồng).

Còn nếu tính từ thời điểm SAB vào rổ VN30 (ngày 24/7/2017), tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh trong 13 phiên của SAB đạt 504.530 cổ phiếu, tương đương với khối lượng bình quân gần 39.000 cổ phiếu mỗi phiên, với giá trị giao dịch trong 13 phiên này là hơn 100 tỷ đồng, tương đương bình quân mỗi phiên chưa đến 10 tỷ đồng.

Với tính cô đặc về chủ sở hữu Nhà nước, với quy mô vốn hóa thị trường của cổ phiếu có thị giá cao nhất nhì sàn chứng khoán, với tỷ trọng đáng kể trong rổ VN30, song SAB lại ít nhận được sự quan tâm mua bán trên sàn của các nhà đầu tư tổ chức cũng như cá nhân, dẫn đến thanh khoản rất hạn chế.

Nhưng cũng vì thế, SAB dễ trở thành một trong những tác nhân quan trọng với VN-Index, và đương nhiên là cả VN30.

Và trong giai đoạn đầu sản phẩm duy nhất được giao dịch trên thị trường phái sinh là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 thì đặc thù trên của SAB có thể khiến không ít nhà đầu tư quan tâm tới thị trường phái sinh phải băn khoăn.

Hôm nay (10/8), thị trường chứng khoán phái sinh bước vào phiên giao dịch đầu tiên, không chỉ tạo nên sự kỳ vọng của các thành viên thị trường và nhiều nhà đầu tư, mà đồng thời cũng mở ra một bước ngoặt mới với thị trường chứng khoán Việt Nam sau hơn 17 năm vận hành.

Chức năng chính của thị trường chứng khoán phái sinh là để giúp nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro và cũng qua đó giúp thị trường cơ sở phát triển bền vững hơn.

Nhưng khi sản phẩm phái sinh đứng trước khả năng dễ bị tác động bởi những cổ phiếu thanh khoản như SAB, thì rủi ro trước hết là với chính nhà đầu tư phái sinh, sau nữa là tác động trở lại thị trường cơ sở.

Tiền là của nhà đầu tư, và “cuộc chơi” cũng là của chính họ, nhưng có lẽ nhà đầu tư từ tổ chức cho tới cá nhân cũng đều mong một thị trường vận hành lành mạnh, hạn chế tối đa khe hở có thể làm “méo” chỉ số, như câu chuyện của SAB.

Theo Nhật Bình

VnEconomy

Trở lên trên