MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc nhìn thị trường tuần 26-30/7: Như bài khiêu vũ “cha cha cha”, có tiến có lùi, có thể giải ngân ở các nhịp võng xuống

Góc nhìn thị trường tuần 26-30/7: Như bài khiêu vũ “cha cha cha”, có tiến có lùi, có thể giải ngân ở các nhịp võng xuống

Các chuyên gia nhận định, thị trường tuần tới sẽ duy trì nhịp phục hồi, nhưng vẫn sẽ có các nhịp rung lắc để retest vùng đáy mới. Nhà đầu tư không nên bán vội ở vùng này mà chờ đợi các nhịp hồi, nếu mua mới, ưu tiên mua các cổ phiếu có tín hiệu tạo đáy rõ ràng và có KQKD khả quan. Cũng có thể áp dụng chiến thuật mua các cổ phiếu có beta cao – phản ứng nhanh với thị trường, để tận dụng nhịp hồi thị trường sẽ có mức độ bật cao hơn.

Nên ưu tiên cổ phiếu thuộc DN có KQKD tốt

Nói về thị trường tuần tới, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta Việt Nam dự đoán khả năng hồi là có, có giằng co nhưng đi ngang là chính, VNindex dao động quanh vùng 1.260-1.300 điểm. Giao dịch cũng có sự phân hóa chủ yếu do KQKD quý 2 từ các DN, nhà đầu tư dựa vào đó để có thang điểm đo lường, định lượng được.

"Thị trường nếu bước vào thời điểm không thể đo lường được thì nên chọn những cổ phiếu có thể đo lường được, yếu tố đo lường đó là tăng trưởng. Sau khi DN công bố KQKD, nhà đầu tư sẽ có tiêu chí để đo lường, lựa chọn nhóm ngành nào còn dư địa tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm. Đó cũng là yếu tố giúp thị trường bớt đà giảm", ông Minh nói.

Tuy nhiên, vẫn cần thận trọng vì thanh khoản còn thấp do tâm lý chờ đợi dịch bệnh được kiểm soát hơn.

Chiến lược đầu tư được khuyến nghị giai đoạn này là không bán bằng mọi giá nếu không có áp lực về margin. Mọi đợt dịch đều sẽ đi qua, như thị trường Hàn Quốc, Đài Loan…đều hồi phục mạnh mẽ sau dịch bệnh, TTCK sẽ tăng trở lại vì môi trường lãi suất thấp vẫn được duy trì, dòng tiền theo đó cũng khó chảy qua nhiều kênh khác.

Với các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp, không mạo hiểm luớt sóng thì tiếp tục nắm giữ và quan sát, chờ VNindex vượt 1.300 -1/315 kèm với khối lượng giao dịch trên 600 triệu đơn vị/ngày thì tham gia mới.

Với nhà đầu tư khẩu vị rủi ro cao hơn, có thể mua thăm dò tỷ trọng dưới 10%, ưu tiên ở các DN có KQKD tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm, qua đó có khả năng các DN đó vẫn hoạt động tốt trong nửa cuối năm, chẳng hạn nhóm ngân hàng vẫn tăng trưởng từ hoạt động kinh doanh cốt lõi (giảm nợ xấu, chất lượng tín dụng tốt…); hay ở bất động sản thì chú ý nhóm BĐS KCN, và nhóm BĐS có quỹ đất vùng ven tốt vì thanh khoản ở các thị trường này vẫn đang sôi động.

Các nhóm khác có thể để ý là bán lẻ, tiêu dùng, logistics, còn chứng khoán luôn đi theo xu hướng thị trường.

Thị trường luôn vận động, biến động trong biên độ hẹp 1.230-1.300 điểm, cứ nhúng xuống rồi sẽ bật lên lại

Đây là quan điểm của ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Cấp cao CTCK KIS Việt Nam. Ông Phương mô tả dự báo diễn biến thị trường tuần sau như bản khiêu vũ "cha cha cha", có bước tiến, có bước lùi luân phiên nhau.

Thông tin tác động tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư hiện nay là việc giãn cách tại Hà Nội, bản chất là thông tin không mới thậm chí hành động sớm giúp ngăn chặn dịch bệnh tốt hơn. Nhà đầu tư bị chú tâm quá vào yếu tố này mà bỏ qua các thông tin tích cực khác, như việc giảm lãi suất 1% là rất lớn, rất tích cực.

Hành động cần có của nhà đầu tư lúc này, vẫn là tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, nếu sau 1 tuần nữa mà Tp.Hồ Chí Minh có tín hiệu có thể bỏ giãn cách tương đối, người dân có thể tự do đi lại thôi cũng có thể khiến thị trường hồi phục tốt hơn. Hoặc thay vì thông tin ca nhiễm F0 1.000-2.000/ngày, giảm xuống còn vài trăm ca thì cũng đã rất tích cực.

Ngoài ra, nhà đầu tư nên quan sát, tìm hiểu những DN đang hoạt động tốt, có dư địa tăng trưởng, vì đoạn này, mua cổ phiếu tốt giá thấp dễ hơn, khi thị trường đi vào ổn định, hoặc có tin tích cực thì khó mua được giá tốt.

Nhân lúc này, nhà đầu tư có thể tận dụng để tái cấu trúc danh mục, những cổ phiếu bị thua lỗ do mua đuổi, mua bắt đáy sớm có thể tìm cơ hội hồi phục để bán, mua thêm các cổ phiếu tốt, có phản ứng nhanh với thị trường để tận dụng nhịp hồi của thị trường thì những cổ phiếu đó có tốc độ tăng cao hơn các cổ phiếu khác.

Có thể nhịp rung lắc vẫn sẽ diễn ra để retest vùng đáy mới nhưng khả năng cũng chỉ diễn ra 1 - 2 phiên

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCK MBS cho biết, về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang trong nhịp điều chỉnh khi đã giảm hơn 10% kể từ đỉnh gần nhất và đã tạo vùng đáy ngắn hạn ở 1.225 điểm – 1.238 điểm. Do vậy, chừng nào vùng đáy này chưa bị vi phạm thì nhịp phục hồi vẫn tiếp diễn. Mức điều chỉnh của thị trường trong tháng 7 năm nay đã tác động đến cổ phiếu trong rổ VN-Index tương tự như đã từng diễn ra vào tháng 7 năm 2020 cũng trùng với làn sóng Covid tại Đà Nẵng.

Báo cáo chiến lược tuần của MBS nêu, trong kịch bản cơ sở thị trường có thể tiếp tục duy trì nhịp phục hồi trong tuần tới với vùng trading nằm trong khoảng giữa MA100 và MA50. Có thể nhịp rung lắc vẫn sẽ diễn ra để retest vùng đáy mới nhưng khả năng cũng chỉ diễn ra 1 - 2 phiên.

Do vậy, với tín hiệu tạo vùng đáy kỹ thuật của chỉ số VN-Index đã diễn ra NĐT có thể sẽ cần quan sát thêm xu hướng trong những phiên đầu tuần tới để hành động tránh bị cảm xúc chi phối.

Trong kịch bản tích cực, thị trường cần lấy lại ngưỡng MA50, trong kịch bản cơ sở thị trường có thể tích lũy hoặc dao động trong vùng trading được tạo bởi 2 đường này. Trong kịch bản thận trọng, nếu vùng đáy ngắn hạn bị xuyên thủng, thị trường có khả năng retest ngưỡng tâm lý 1.200 điểm, đây cũng là ngưỡng hỗ trợ trong xu hướng tăng kéo dài hơn 15 tháng vừa qua (kể từ cuối tháng 3 năm ngoái).

Kịch bản thị trường tuần tới:

Góc nhìn thị trường tuần 26-30/7: Như bài khiêu vũ “cha cha cha”, có tiến có lùi, có thể giải ngân ở các nhịp võng xuống - Ảnh 1.

Chiến lược đầu tư được MBS khuyến nghị, trong khi chỉ số VN-Index giảm gần 11% kể từ đỉnh thì nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm bình quân khoảng 15%, nếu dùng margin mức giảm sẽ lớn hơn, do vậy đã bắt đầu có hoạt động bắt đáy, thanh khoản ở các phiên tăng thường thấp và ở các phiên giảm thì cao hơn. Vùng giải ngân tiềm năng như trong báo cáo tuần trước có chia sẻ đó là 1275-1300 hoặc vùng mua tốt hơn ở 1200-1255 điểm.

Nhà đầu tư có thể tiếp tục giải ngân tại các nhịp võng xuống trong tuần tới đối với các cổ phiếu đã có tín hiệu tạo đáy rõ ràng với KQKD Q2 khả quan. Việc mua vào chỉ nên thực hiện với tỷ trọng hợp lý (dưới 50% danh mục) và không dùng margin, cho mục tiêu trung hạn và tuân thủ các nguyên tắc về giao dịch ưu tiên các lĩnh vực chọn lọc như Ngân hàng (MBB, TCB), Chứng khoán (SSI, MBS, BSI), Bất động sản (VHM, VRE, DIG, NLG, HDG, NTL), Thép (HPG, NKG, HSG); Dầu khí (GAS, BSR, PVS)...

Thị trường đang đi vào giai đoạn tích luỹ, sẽ đi theo mô hình chữ U

Thị trường luôn có 3 chu kỳ rõ ràng giảm, đi ngang và tăng. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, hiện thị trường đang ở giai đoạn thứ 2: chưa thoát hẳn giai đoạn giảm nhưng cũng bước dần vào tích luỹ.

Cơ sở cho nhận định này, ông Minh nêu ra 4 yếu tố tác động tới đà giảm của thị trường là dịch bệnh Covid, tâm lý nhà đầu tư cá nhân (hiện chiếm 80-90% giao dịch thị trường), margin cao và định giá thị trường vào vùng cao với P/E 18-19 lần.

Đến thời điểm hiện nay, yếu tố dịch bệnh thì vẫn chưa giải quyết được và khó dự đoán. Nếu dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 8, nhất là ở TP.Hồ Chí Minh thì tăng trưởng GDP năm 2021 vẫn giữ được trên 6%. Và các Khu công nghiệp hiện nay, nếu đáp ứng được các điều kiện về phòng ngừa dịch bệnh, vẫn được duy trì hoạt động, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khâủ tốt hơn – khi mà các thị trường lớn như Mỹ, EU đã hồi phục, nhu cầu gia tăng hơn so với cùng kỳ. Với kịch bản này, ông Minh dự đoán VNindex có thể lên 1.456-1.500 trong 6 tháng cuối năm, mức thấp nhất là quanh vùng hiện nay.

Nếu dịch bệnh kéo dài sang tháng 9, thì tăng trưởng GDP khả năng dưới 5,5%, mức VNindex cao nhất có thể đạt được là đỉnh cũ 1.420 điểm.

Như vậy, ông Minh cho rằng, thị trường sẽ đi theo mô hình chữ U, và có vượt được đỉnh cũ hay không phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh trong tháng 8.

Tuy nhiên, vẫn có 2/4 yếu tố có dấu hiệu tích cực hơn. Thứ nhất là margin đã hạ nhiệt trong suốt giai đoạn thị trường giảm. Dư địa mở rộng margin sẽ nới dần trong tháng 8-9 do nhiều CTCK sắp hoàn thành tăng vốn. Thứ hai, về định giá, các DN đang dần ra hết báo cáo quý 2 đưa PE trailing có thể thấp hơn 16 lần – tức thị trường đang quay lại giai đoạn hấp dẫn hơn.

Các yếu tố này củng cố quan điểm thị trường đang bước vào vùng tích luỹ, vùng hỗ trợ là 1.210 -1.260 điểm.

Góc nhìn kỹ thuật: Áp lực vẫn còn lớn

Theo bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền - giám đốc Nghiên cứu phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Maybank Kim Eng (MBKE), nhìn chung trạng thái ngắn hạn vẫn còn ở mức chưa lạc quan, điểm cộng của tuần này là việc VN-Index đã có những phản ứng khá tốt tại vùng hỗ trợ tiếp theo ở quanh 1.215 điểm, thể hiện qua kết quả bật tăng mạnh trong phiên ngày thứ ba.

Bà Tuyền cho rằng khu vực hỗ trợ 1215 điểm có xác suất cao sẽ được giữ vững và sự ổn định sẽ dần dần trở lại trong tuần lễ tiếp theo. Kháng cự gần nhất hiện nay tại 1315 điểm - vùng hoạt động của MA-50.

Góc nhìn thị trường tuần 26-30/7: Như bài khiêu vũ “cha cha cha”, có tiến có lùi, có thể giải ngân ở các nhịp võng xuống - Ảnh 2.

Thanh khoản tính chung cả tuần vẫn còn duy trì mức thấp nhưng có cải thiện rõ nét vào hai phiên cuối của tuần. Sự thận trọng của NĐT vào lúc này là điều dễ hiểu trong bối cảnh các thông tin về kiểm soát dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn khả quan.

Các chỉ báo tiếp tục ở mức thấp. MACD vẫn tiếp tục giảm (dù gia tốc có chậm lại) và tiếp tục duy trì bên dưới cả mức 0 và đường tín hiệu. Các chỉ báo động lượng vẫn còn hoạt động bên dưới mức trung bình.

Trong bối cảnh các thông tin về tình hình dịch bệnh vẫn ở mức khá căng thẳng như hiện nay, bà Tuyền dự báo áp lực dành cho thị trường sẽ vẫn ở mức cao trong tuần mới. Dù tiếp tục đánh giá cao những phản ứng của VN-Index tại vùng hỗ trợ 1215 điểm trong tuần này, trạng thái ngắn hạn được nhìn nhận sẽ còn nhiều khó khăn. NĐT có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu cân bằng với tiền cho giai đoạn hiện nay và chờ đợi thêm một số tín hiệu cải thiện mới.

K Phạm

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên